Mấy dấu tích về Tây Sơn trên đất Quảng Ngãi
15:53', 6/2/ 2004 (GMT+7)

Trong Hịch truyền quan lại, quân dân các phủ Quảng Nghĩa, Quy Nhơn năm 1792, vua Quang Trung có viết: "Trẫm đã chiến thắng khắp cả trong Nam, ngoài Bắc. Trẫm nhận rằng có được những chiến thắng ấy chính là nhờ có sự phù trợ hết lòng của nhân dân hai phủ. Hai phủ cũng đã tiến cử lên trẫm nhiều người trung dũng, hiền tài để giúp rập triều đình. Trẫm đem quân tới đâu, quân thù đều phải thất bại hoặc tan rã". Điều đó cho thấy Quang Trung đặc biệt quan tâm đến hai phủ Quy Nhơn và Quảng Nghĩa.

Ở tỉnh Bình Định hiện vẫn còn lưu nhiều dấu tích về Tây Sơn; còn ở Quảng Ngãi, sau cuộc trả thù của Gia Long đối với những người theo Tây Sơn, tuy dấu tích về Tây Sơn đã bị xóa nhiều, song vẫn chưa phải đã hết và rất tiếc là cho đến nay vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ.

Trước đây, trên báo Bình Định, chúng tôi từng giới thiệu họ Võ ở làng Châu Sa (Tịnh Châu, Sơn Tịnh) truyền rằng dòng họ Võ Văn Dũng vốn từ Châu Sa vào Bình Khê sinh sống từ mấy đời trước Võ Văn Dũng. Chúng tôi cũng từng giới thiệu ngôi mộ cổ kỳ lạ ở làng Đồng Xuân (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành) tương truyền là phần mộ của Trần Quang Diệu. Chưa có gì thật chắc chắn, tuy nhiên, trên đường nghiên cứu điền dã, chúng tôi còn được biết thêm những dấu tích có liên quan đến Tây Sơn như sau:

* Ở thôn Phước Toàn, thuộc xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, có dòng họ Trần tiền hiền còn giữ được gia phả. Theo đó, ông tổ họ là Trần Văn Đạt quê tổng Vạn Phúc, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông tùng chinh với vua Lê Thánh Tông năm 1471 và ở lại định cư tại đất này, mộ dân khai khẩn được hàng ngàn mẫu ruộng, lập Vạn Phước trại (tên quê cũ), sau mấy đời cùng dân địa phương tiếp tục khai khẩn lập được cả thảy 6 xã. Dòng họ Trần khá phát đạt. Chuyện kể rằng đến khi Tây Sơn từ Quy Nhơn tiến quân ra, Nguyễn Huệ đã cho chiếm lấy nhà thờ họ Trần làm bản doanh, tịch thu cả của cải, ruộng đất thì sung công. Nếu câu chuyện này là xác thực thì quả nó minh chứng rất rõ chủ trương lấy của người giàu chia cho người nghèo của phong trào Tây Sơn, nó cũng cho thấy cách làm là khá mạnh tay, song có thể nhờ vậy mà Tây Sơn được dân nghèo và nghĩa sĩ ủng hộ.

* Ở làng Mỹ Khê Tây (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) có hai ngôi mộ đất của vợ chồng Tú Đức hầu Trương Đăng Đồ. Sử triều Nguyễn từng chép, thân phụ đại thần Trương Đăng Quế là Trương Đăng Phác từng làm Tri phủ triều Tây Sơn, sau được Gia Long lưu nhiệm. Anh ruột ông Đăng Phác là Trương Đăng Đồ cùng vợ là Nguyễn Thị Dung (người huyện Mộ Đức) đều là tướng Tây Sơn. Bà Dung cùng 4 nữ tướng khác, trong đó có nữ tướng lừng danh Bùi Thị Xuân, được người đời gọi là "Tây Sơn ngũ phụng thư". Khi quân Nguyễn đánh chiếm Thăng Long, vợ chồng Tú Đức hầu phò vua Cảnh Thịnh chạy đi, nhưng rồi vua bị bắt, ông bà đã tự vẫn để giữ trọn khí tiết. Nhân dân sở tại đã chôn cất và thờ phụng. Nhưng làm cách gì mà mộ ông bà lại có ở Mỹ Khê Tây? Theo dòng họ Trương, cho đến khi Trương Đăng Quế ra làm quan lớn dưới triều Nguyễn, ông đã bí mật nhờ người ra đưa hài cốt của ông bà về quê, có lẽ là bằng đường thủy.

* Ở địa phận làng An Chỉ (nay thuộc xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành) có địa danh núi Định Cương, tên núi tương truyền do có quân Tây Sơn dừng lại ở đây và luyện tập. Cũng ở vùng này, người ta lượm được một số hòm đạn gang to có lẽ là đạn súng thần công. Điều đáng chú ý là cách An Chỉ khoảng 3 km về phía đông nam có làng Chú Tượng có nghề thợ đúc nổi tiếng ở Quảng Ngãi, có bài vè thợ đúc với mấy câu: "Đúc đồ công dụng, đúc súng cho vua...". Phải chăng Chú Tượng (thuộc huyện Mộ Đức) từng tham gia đúc vũ khí cho phong trào Tây Sơn?

* Ở làng Trà Bình Trại (nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh) có đập Ông Cá, có thể được đắp vào đời Tây Sơn. Nhân sĩ của làng là cụ Tú tài Đinh Duy Tự (Nghè Kim) năm 1872 có viết bài phú "Đập Ông Cá" trong đó có viết: "... quân Tây (Sơn) khai ruộng đôi bên. Ông Cá (Nguyễn Mỗ) động binh kinh doanh, đắp bờ ngăn suối, vét mương hai ngả. Dẫn nước về đồng, tưới ruộng tưới vườn, dân chúng cậy nhờ bảy tám mươi năm, thiên hạ làm ăn đằm thắm các thôn nhiều xã...".

* Ở làng Thiết Trường (nay thuộc thị trấn Mộ Đức) có một số địa danh mà người dân ở đây truyền rằng có liên quan đến phong trào Tây Sơn, như Lò Thổi là nơi luyện quặng, rèn đúc vũ khí; Gò Tượng nơi cột nuôi voi; Vườn Bếp là nơi thổi cơm của quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy về đóng ở đây và tuyển mộ thêm binh lính. Tương tự như vậy, ở một xóm nay thuộc tỉnh lỵ Quảng Ngãi có tên Tàu Tượng tương truyền là nơi nhốt và luyện voi của nữ tướng Bùi Thị Xuân.

* Ở làng Bồ Đề (nay thuộc xã Đức Nhuận, cũng huyện Mộ Đức) có chuyện xe nước làng Bồ Đề liên quan đến "Vua Nhạc", sau này được chủ sự hành chính Pháp ở Quảng Ngãi là La Borte ghi lại vào năm 1925. Chuyện truyền rằng người sáng chế ra các bờ xe nước nổi tiếng ở Quảng Ngãi là "lão Thêm" người làng Bồ Đề, vào năm 1790, sau đó được "vua Nhạc" châu phê làm "Thính chấp bằng".

Còn có khá nhiều những dấu tích khác về Tây Sơn trên đất Quảng Ngãi, như thung lũng Tuyền Tung (tây huyện Bình Sơn) tương truyền là một căn cứ của Tây Sơn; như ở làng Kim Giao (Phổ Thuận, Đức Phổ) có ngôi mộ khá rộng, tương truyền là mộ của một vị tướng Tây Sơn... mà có những chuyện đã được một số tác giả giới thiệu, đây xin khỏi nhắc lại. Điều đó cho thấy dù bị nhà Nguyễn ra sức xóa dấu vết và trải lớp bụi thời gian hơn 200 năm, nhưng những dấu tích về Tây Sơn trên đất Quảng Ngãi vẫn còn rất đáng chú ý. Nó cho thấy tấm lòng của người dân Quảng Ngãi đối với phong trào Tây Sơn cũng như sự ủng hộ của họ đối với phong trào. Rất nên nghiên cứu, tìm kiếm các dấu tích như vậy một cách đầy đủ, tất nhiên là với một tinh thần công phu, nghiêm túc và khoa học.

. Minh Tuệ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lên núi hoa mai vàng   (03/02/2004)
Lễ hội cầu ngư  (29/01/2004)
Triết lý bánh chưng, bánh tét  (28/01/2004)
Đầu năm du lịch đất Tây Sơn  (21/01/2004)
Hội bài chòi ngày xuân ở Bình Định  (20/01/2004)
Món "thưng" Bình Ðịnh   (19/01/2004)
Chùa cổ ở Bình Định   (18/01/2004)
Bức tranh thiên nhiên hoành tráng   (16/01/2004)
Nhớ cốm   (15/01/2004)
Xa xôi chớ vội phẩm bình mà sai  (14/01/2004)
Vua Quang Trung nhận lỗi trước dân  (13/01/2004)
Bánh tráng Bình Định  (12/01/2004)
Chùa Hang huyền bí  (11/01/2004)
Vài nét về ca dao, tục ngữ Chăm H'roi trong ngày cưới   (08/01/2004)
Những con đường hành quân của Quang Trung Nguyễn Huệ   (07/01/2004)