Trong 2 ngày 16 và 17 tháng giêng âm lịch (6 và 7-2) tại Nhơn Phong (An Nhơn) đã diễn ra lễ hội vía Bà với sự tham dự của hàng chục ngàn lượt người từ khắp nơi. Trong những ngày này, người dân ở chợ Cảnh Hàng, Nhơn Phong (địa điểm lập miếu thờ) như lại được đón một cái Tết thứ hai trong năm. Họ cũng chuẩn bị bánh trái đầy đủ để đón tiếp bà con, họ hàng, bạn bè và du khách khắp nơi đến vía Bà.
Tương truyền, cách đây đã 3 thế kỷ, ở vùng đất Nhơn Phong, có một người đàn bà tên Đỗ Thị Tân không biết từ chốn nào đến đây sinh sống. Bà không lập gia đình, sống một mình trong túp liều tranh bên bờ hồ, hàng ngày buôn gánh bán bưng làm kế sinh nhai. Đặc biệt, bà còn là người đỡ đẻ, giúp cho sự sinh nở, phát triển số dân ở vùng đất còn thưa người. Ngẫu nhiên, công việc ấy lại trùng hợp với ý nghĩa về địa danh Nhơn Phong (Nhơn - người; Phong - phong phú, phát triển). Từ đó, có không biết bao nhiêu sinh linh đã chào đời bình an từ đôi tay nâng đỡ của bà. Chẳng quản đêm hôm, mưa gió hay đường sá xa xôi, chẳng phân biệt sang, hèn, nơi nào cần, bà đều có mặt. Tạo phúc cho đời nhưng bà chẳng màng đến việc trả ân. Kính trọng tài năng và đức độ của bà, về sau vua Tự Đức đã ban sắc "Ân đức độ nhân" (tiếc rằng sắc phong ấy hiện nay không còn giữ được sau bao nhiêu năm khói lửa chiến tranh).
Suốt đời bà tận tụy vì hạnh phúc của mọi gia đình, còn bản thân bà sống trong cảnh màn đơn, gối chiếc cho đến khi tóc bạc lưng còng. Theo lời kể của những cụ già ở đây, vào đêm 16 rạng sáng 17 tháng giêng âm lịch, bà đã lặng lẽ ra đi không để lại một lời nhắn nhủ. Dân làng buồn thương tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn bật vô âm tín.
Nhớ ơn ân đức sâu nặng của bà, dân làng đã tôn vinh bà là "Thần nữ hộ sản" và lập miếu thờ bà ngay trên nền lều tranh cũ. Miếu thờ ấy gọi là miếu Bà hay còn gọi là "Hộ sản miếu". Ngôi miếu nằm sát lộ giao thông, trung tâm chợ Cảnh Hàng ngày nay. Cứ độ đến dịp 16, 17 tháng giêng, dân địa phương và khách thập phương đổ về đây cúng tế để tưởng nhớ công ơn mà bà đã để lại cho đời.
Từ chiều 16, người dân các nơi xa, gần đã hội tụ về miếu Bà cầu lễ, người thì cầu mong được may mắn, bình an về đường con cái, người thì cầu mong cho con dâu, con gái mình làm tròn thiên chức làm mẹ lúc nở nhụy khai hoa, người thì đến để tạ ơn bà đã phù trợ cứu giúp, và phần đông là những người đến cúng lễ là vì mến mộ ơn đức của bà.
Giờ hành lễ được tổ chức khá long trọng vào lúc 11 giờ khuya đêm 16. Sau phần hát xướng lễ để cúng bà, đội múa lân đi múa quanh khu vực chợ Cảnh Hàng. Những đêm tiếp theo là biểu diễn hát bội và các trò chơi dân gian kéo dài cho đến hết tháng giêng.
Theo ông Nguyễn Văn Ca, Trưởng ban tổ chức lễ hội: "Năm nay số lượng người đến vía Bà khá đông, mới đêm 16 mà các con đường đổ về chợ Cảnh Hàng đã kẹt xe do lượng người đổ về đi lễ ồ ạt. Để cho lễ hội được diễn ra chu đáo chúng tôi đã phải chuẩn bị trước gần một tháng". Lễ hội vía Bà còn là dịp để những người đã từng sinh ra tại vùng đất này, nay đi làm ăn xa hướng lòng mình về đây. Ông Hàn Thắng Thọ, một Việt kiều Mỹ tâm sự: "Tôi vốn sinh ra ở đây, nhưng sang định cư tại Mỹ đã vài chục năm, năm nào tôi cũng về dự lễ vía Bà và ăn Tết ở đây".
. Nguyễn Phúc |