Xuân về thăm bến Trường Trầu
16:30', 11/2/ 2004 (GMT+7)

Du khách về dự hội Đống Đa

Cho đến bây giờ, người dân Bình Định, nhất là vùng Tây Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca dao:

Cây me cũ, bến trầu xưa

Không nên tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm

Câu ca dao có một vẻ buồn man mác, một tình cảm nồng nàn mà kín đáo. Có lẽ mới xuất hiện sau ngày nhà Tây Sơn bị diệt vong, Nguyễn Ánh lên ngôi. Lòng dân luyến tiếc nhà Tây Sơn, nhưng trước sự trả thù tàn bạo của Gia Long và triều đình nhà Nguyễn sau này, dân gian phải gửi ẩn ý vào lời ca dao đó.

Ca dao nhắc đến 2 vật thể có liên quan đến nhà Tây Sơn. "Cây me cũ" chính là hai cây me do cụ thân sinh ra anh em Tây Sơn - cụ Hồ Phi Phúc, trồng ở thôn Kiên Mỹ quê vợ. Hai cây me ấy nay đã gần 300 tuổi, lá vẫn xanh tốt sum suê, quả sai trĩu trịt. Cây đứng ở góc sân Bảo tàng Quang Trung, làm chứng nhân lịch sử cho một thời oanh liệt, nay đón du khách trăm miền về đây chiêm ngưỡng.

"Bến Trầu xưa", tức bến Trường Trầu theo cách gọi ngày nay là trên dòng sông Kôn, cũng ở thôn Kiên Mỹ thuộc thị trấn Phú Phong, huyện lỵ Tây Sơn bây giờ. Sông Kôn bắt nguồn từ miền đất đỏ Tây Sơn thượng đạo (huyện An Khê, tỉnh Gia Lai) xuống đồng bằng, là mạch giao thông đường thủy nối cao nguyên với đồng bằng ven biển, cùng với Quốc lộ 19 chạy qua làm cho Kiên Mỹ trở nên sầm uất, bởi là đầu mối mua bán, trao đổi hàng hóa giữa hai miền.

Ai về nhắn với nậu nguồn

Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên

Từ Kiên Mỹ có thể theo sông Kôn ngược lên các buôn làng dân tộc Bana, Jagrai ở Tây nguyên. Lại cũng có thể xuôi dòng xuống Ai Thái, Đập Đá, Quy Nhơn đến cửa Giã ra biển. Dân Kiên Mỹ vừa làm ruộng vừa buôn bán, làm nghề thủ công. Bảy xóm của Kiên Mỹ, mỗi xóm mang một tên nghề dân dã: xóm Rèn, xóm Bún, xóm Đậu, xóm Ươm, xóm Trầu, xóm Chợ, xóm Mía.

Xóm Trầu chuyên buôn bán trầu cau, nằm bên mạn bắc sông Kôn, có bến thuyền tấp nập. Thuở ấy, trầu cau là những sản vật nổi tiếng của vùng Tây Sơn. Trầu nguồn của đồng bào dân tộc trồng lên núi, lá ta, hương đậm, ngon hơn trầu miền xuôi. Cau chuột quả nhỏ cũng của đồng bào miền cao, ngon hơn cau trứng của đồng bằng.

Ông Hồ Phi Phúc ở rể làng Kiên Mỹ, đổi từ họ Hồ sang họ Nguyễn (họ vợ), cùng vợ con buôn bán trầu cau khá phát đạt. Nguyễn Nhạc là con lớn nối nghiệp cha mẹ buôn bán trầu nên mọi người gọi là anh Hai Trầu. Bến sông Kôn tập trầu cau để chở đi các chợ An Thái, Quy Nhơn... thành tên bến Trường Trầu.

Nhờ hoạt động buôn bán giữa đôi miền xuôi ngược, anh Hai Trầu Nguyễn Nhạc có mối quan hệ mật thiết với bà con các dân tộc Tây Nguyên cũng như với nhiều sĩ phu miền đồng bằng. Khi phát động cuộc khởi nghĩa năm 1771, bến Trường Trầu trở thành trạm liên lạc, tiếp nhận thông tin đôi miền chuyển cho nghĩa quân.

Bến Trường Trầu xưa không rộng nhưng sâu, đủ để thuyền ghe chở hàng dễ dàng cập bến. Trên bờ, ông Hai Trầu dựng nhà cho khách thương trọ và chứa hàng hóa. Sau này, nhân dân dựng lên ngôi miếu nhỏ thờ "Ba Ngài", gọi là miếu Vĩnh Thọ. Thời chống Pháp, miếu bị đốt phá. Dân lại dựng ngôi chùa nhỏ là Tịnh xá Ngọc Bình trên nền miếu cũ, nay vẫn còn.

Bến Trường Trầu đã được Nhà nước bổ sung là một điểm trong quần thể Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia tưởng niệm nhà Tây Sơn. Bến ngày nay ở gần cầu Kiên Mỹ mới xây dựng năm 1998, là cây cầu dài nhất tỉnh Bình Định cho đến thời điểm hiện có (500m).

Mỗi dịp xuân về, người trăm miền quê đổ về Tây Sơn dự lễ hội Đống Đa vào ngày mồng 5 Tết đông nghìn nghịt. Người, xe chen nhau qua cầu Kiên Mỹ đã được nhìn ngắm bến Trường Trầu, tức "Bến trầu xưa" trong câu ca dao trước khi vào Bảng tàng dự lễ hội, vui chơi. Bến sông bây giờ xanh ngắt hàng tre soi bóng, là bến tắm giặt hàng ngày của bà con ven bờ.

Vào chiêm ngưỡng Bảo tàng Quang Trung với nhiều hiện vật quý giá, du khách sẽ được ngắm "Cây me cũ" trong khuôn viên Bảo tàng quanh năm xanh tốt, lúc nào cũng trĩu quả, còn được soi mặt xuống lòng giếng xưa nước trong vắt. Du khách múc nước lên rửa mặt và uống, nước mát thấm tận tâm can, tưởng như bao nhiêu mệt nhọc phiền muộn tan đi cả. Ngắm "Cây me cũ, bến trầu xưa" lòng ta biết bao bồi hồi xúc động, nhớ lại lịch sử hào hùng của cha ông, tự hào và tự tin cùng đi lên xây dựng cuộc sống mới ngày càng văn minh hiện đại.

. Theo Văn hiến Việt Nam

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lễ hội vía Bà - Nhơn Phong  (08/02/2004)
Mấy dấu tích về Tây Sơn trên đất Quảng Ngãi   (06/02/2004)
Lên núi hoa mai vàng   (03/02/2004)
Lễ hội cầu ngư  (29/01/2004)
Triết lý bánh chưng, bánh tét  (28/01/2004)
Đầu năm du lịch đất Tây Sơn  (21/01/2004)
Hội bài chòi ngày xuân ở Bình Định  (20/01/2004)
Món "thưng" Bình Ðịnh   (19/01/2004)
Chùa cổ ở Bình Định   (18/01/2004)
Bức tranh thiên nhiên hoành tráng   (16/01/2004)
Nhớ cốm   (15/01/2004)
Xa xôi chớ vội phẩm bình mà sai  (14/01/2004)
Vua Quang Trung nhận lỗi trước dân  (13/01/2004)
Bánh tráng Bình Định  (12/01/2004)
Chùa Hang huyền bí  (11/01/2004)