Thăm chùa Bộc, nơi thờ anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ
16:12', 24/2/ 2004 (GMT+7)

Một lần đi công tác tại Hà Nội, tôi có dịp đến thăm chùa Bộc, tương truyền đây là nơi thờ anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn  Huệ. Chùa Bộc hiện nay nằm ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Theo các sư ở chùa cho biết, cách đây hơn 2 thế kỷ, chùa Bộc ở giữa cánh đồng Khương Thượng, gần gò Đống Đa (Hà Nội) - nơi ghi dấu chiến công lẫy lừng tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30-31/01/1789) của quân Tây Sơn.

Chùa được xây dựng trên một khu đất cao ráo, có hình thế đẹp. Nhiều tư liệu cho biết, chùa có từ thời Lý, đầu thế kỷ XI, và có tên là Sùng Phúc Tự. Dân gian gọi Sùng Phúc Tự là chùa Bộc. Trong trận đánh quân Mãn Thanh, tiêu diệt đồn Khương Thượng, chùa bị cháy và bị phá hủy nặng nề. Theo truyền khẩu, sau chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung đã sắc cho dân địa phương xây dựng lại chùa. Trong chùa có một tấm bia ghi lại niên hiệu Quang Trung thứ IV (1792), nói lên tinh thần của nhân dân biết ơn các anh hùng đã hi sinh oanh liệt trong trận đại phá quân Thanh, đồng thời biểu thị lòng ngưỡng mộ người anh hùng dân tộc Quang Trung.

Về mặt kiến trúc, chùa Bộc cũng như nhiều ngôi chùa cổ khác, nhưng đặc biệt phía trước chùa có hồ tắm, tương truyền đàn voi của nghĩa quân Tây Sơn sau khi hạ đồn Khương Thượng đã về tắm ở đây. Ngày trước hồ rộng đến vài mẫu đất chứ không nhỏ hẹp như bây giờ. Trong chùa Bộc, ngoài thờ Phật, còn có thờ ba pho tượng khác ở bên phải bái đường, trong đó có pho tượng Đức Ông, mà từ lâu nhân dân địa phương cho là ba pho tượng lạ. Sau nhiều lần khảo cứu, vào năm 1959, các nhà khoa học phát hiện tấm bia đề niên hiệu "Quang Trung tứ niên" (1792) như đã nói trên, và dòng chữ "Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng" do nhà sư trụ trì chùa bí mật tạc vào dưới chân bệ thờ tượng vào năm 1846 để tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Quang Trung, đã khẳng định tượng Đức Ông chính là tượng để nhân dân tưởng nhớ đến công đức của vua Quang Trung. Tất nhiên, chân dung Đức Ông không hẳn giống Quang Trung nhưng là biểu hiện cho lòng thành kính của nhân dân đối với Quang Trung. Tượng được dựng với hình ảnh Đức Ông để tránh sự trả thù của nhà Nguyễn đối với triều Tây Sơn. Hai pho tượng hai bên Đức Ông có thể là 2 tướng lĩnh công thần của vua Quang Trung.

Phía trên tượng Đức Ông có treo bức hoàng phi sơn son thếp vàng, khắc 4 chữ "Uy phong lẫm liệt". Đây là sự độc đáo, khác thường vì các chùa thờ Phật không mấy khi có hoành phi với nội dung như thế. Đôi câu đối treo 2 bên tượng Đức Ông, ca ngợi công đức vua Quang Trung:

Động lý vô trần, đại địa sơn hà đồng vũ trụ

Quang Trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân

Tạm dịch như sau:

Sau trận phá thành quét sạch bụi bậm (quân xâm lược) trên toàn bộ dải đất núi sông rộng lớn, còn lưu lại tào nhà cao rộng

Vua Quang Trung đột nhiên tung ức vạn quân đánh một trận phong vân, làm rung chuyển cõi trần.

Ngày 13-1-1964, sau khi phát hiện tấm bia đề niên hiệu "Quang Trung tứ niên" (1792), quả chuông đúc thời Cảnh Thịnh ở chùa cùng với những hiện vật khác có liên quan đến lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với vua Quang Trung, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám đã ký Quyết định số 29/VHQĐ, công nhận chùa Bộc là di tích lịch sử- văn hóa.

Trong 12 ngày đêm bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ vào tháng 12-1972, chùa cũng bị ảnh hưởng, sụp đổ cổng tam quan. Đến năm 1997, chùa được trung tu và xây dựng cổng tam quan như hiện nay.

Vào dịp kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mồng 5 tháng Giêng hằng năm, đông đảo khách thập phương đến viếng chùa Bộc, cũng là để tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn  Huệ với tất cả tấm lòng thành kính.

. Trần Xuân Toàn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lễ hội "Đô thị Nước Mặn"  (23/02/2004)
Lễ hội chùa Linh Phong  (17/02/2004)
Lễ cưới hỏi của người Bình Định xưa  (13/02/2004)
Xuân về thăm bến Trường Trầu  (11/02/2004)
Lễ hội vía Bà - Nhơn Phong  (08/02/2004)
Mấy dấu tích về Tây Sơn trên đất Quảng Ngãi   (06/02/2004)
Lên núi hoa mai vàng   (03/02/2004)
Lễ hội cầu ngư  (29/01/2004)
Triết lý bánh chưng, bánh tét  (28/01/2004)
Đầu năm du lịch đất Tây Sơn  (21/01/2004)
Hội bài chòi ngày xuân ở Bình Định  (20/01/2004)
Món "thưng" Bình Ðịnh   (19/01/2004)
Chùa cổ ở Bình Định   (18/01/2004)
Bức tranh thiên nhiên hoành tráng   (16/01/2004)
Nhớ cốm   (15/01/2004)