Phủ Thành Quy Nhơn
16:20', 26/2/ 2004 (GMT+7)

Theo nhiều tài liệu lịch sử để lại, trận đánh lớn đầu tiên mà sau này trở thành huyền thoại của nghĩa quân Tây Sơn là trận đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn.

Năm Quí Tỵ 1773, nghĩa quân Tây Sơn tiến xuống đánh chiếm Tây Sơn hạ đạo, mở rộng căn cứ, sau đó chia quân đi chiếm huyện lỵ Tuy Viễn và tiến đánh phủ thành Quy Nhơn. Lợi dụng việc tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên loan báo trong dân: Ai bắt sống Nguyễn Nhạc hoặc lấy đầu đem nạp sẽ được trọng thưởng, Nguyễn Nhạc đã dùng "khổ nhục kế" để đánh vào phủ thành Quy Nhơn.

Theo kế này, thì Nguyễn Nhạc tự ngồi vào cũi rồi sai những thuộc hạ giỏi côn quyền, ăn mặc giả làm thường dân khiêng lên phủ lỵ. Tuần Tuyên nghe tin, truyền mở cửa thành cho khiêng cũi vào. Đêm ấy, Nguyễn Nhạc phá cũi nhảy ra làm nội ứng, mở cửa thành đốt pháo làm hiệu. Các cánh quân Tây Sơn ở ngoài ập vào đốt dinh trại, giết tướng sĩ làm cho cả thành tan vỡ. Trong cơn hoảng sợ, Khắc Tuyên không kịp đóng ngựa, vội bỏ thành trì chạy trốn. Đắc thắng, Nguyễn Nhạc thúc quân đánh luôn các đồn Càn Dương và Đạm Thủy, tịch thu hết kho tàng thóc lúa ở đây.

Vậy phủ thành Quy Nhơn lúc ấy nằm ở đâu và nguồn gốc ra đời như thế nào?

Theo cuốn Lịch sử thành phố Quy Nhơn (do PTS Đỗ Bang và PTS Nguyễn Tấn Hiểu chủ biên), năm 1470 vua Lê Thánh Tông mở rộng bờ cõi về phía Nam. Tháng 3-1471, sau khi đánh chiếm thành Đồ Bàn, vua Lê Thánh Tông sát nhập vùng đất mới chiếm vào đạo Quảng Nam. Đạo Quảng Nam gồm ba phủ, chín huyện là phủ Thăng Hoa, phủ Tư Nghĩa và phủ Hoài Nhơn, tức tỉnh Bình Định ngày nay. Phủ Hoài Nhơn có 3 huyện: Phù Ly, Bồng Sơn và Tuy Viễn. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, đặt các chức Tuần Phủ, Khám Lý. Tên gọi phủ thành Quy Nhơn ra đời từ đó.

Trong khoảng thời gian đầu, trụ sở phủ lỵ là thành cũ Đồ Bàn, kinh đô của vương quốc Chămpa. Đến năm 1744, phủ thành Quy Nhơn dời ra bên ngoài, cách thành Đồ Bàn khoảng 1km về phía bắc thuộc xã Thời Lượng, Tổng Hạ, huyện Phù Ly, tức là thôn Châu Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, ngày nay. Đồ Bàn thành ký của Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển có đoạn chép về phủ thành Quy Nhơn: "Cách hơn một dặm về phía tây làm cây thông reo tốt tươi xanh mướt, đó là Văn Miếu thờ đức thánh Khổng Tử. Phía đông miếu còn nền móng lũy xưa đó là bức thành của phủ Quy Nhơn ngày trước (thành này thuộc huyện Phù Cát), cách hơn dặm về phía bắc thành Đồ Bàn là nơi trước kia Nguyễn Nhạc tụ hợp quân Mán kéo xuống đánh thành Quy Nhơn, rồi tu sửa thành Đồ Bàn để làm quốc đô, còn nền móng thành Quy Nhơn phế bỏ".

Phủ thành Quy Nhơn lúc bấy giờ là lỵ sở trấn trị, một trong những cơ sở hành chính, quân sự của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, dưới quyền cai quản của tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên.

Phủ thành Quy Nhơn được bao bọc bởi một hệ thống sông suối và các ngọn đồi tạo nên những vòng hào và những bức tường thành tự nhiên che chắn: Hai nhánh sông Cầu Ngắn ở phía bắc, sông Cầu Dài ở phía Nam chảy vòng tròn bao bọc toàn bộ phủ thành Quy Nhơn ở giữa; ngoài ra còn có ngọn đồi tháp Phú Lốc ở phía Đông - Bắc và núi Mò O ở phía Đông, đồi Tháp Gãy ở phía Nam. Chính vì vậy, từ năm 1773 phủ thành Quy Nhơn trở thành căn cứ quân sự quan trọng trong hệ thống phòng thủ của quân Tây Sơn.

Từ năm 1776, Nguyễn Nhạc cho xây dựng thành Hoàng Đế làm đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn, phủ thành Quy Nhơn cùng với các thành Chánh Mẫn, Tân phủ Càn Dương trở thành những căn cứ án ngữ mặt phía Đông - Bắc có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành Hoàng Đế. Xung quanh phủ thành Quy Nhơn hiện nay còn các địa danh Gò Lao, Vườn Lũy, Gò Dê… Tương truyền đây là nơi nghĩa quân Tây Sơn tập luyện phóng lao và lập lũy bảo vệ căn cứ, hoặc là trại nuôi dê lấy thịt phục vụ binh sĩ.

Qua khảo sát của Bảo tàng tổng hợp Bình Định, hiện nay những dấu tích phủ thành vẫn còn khá rõ, đó là thành đất hình chữ nhật dài gần 100m, rộng 65m. Bờ phía Tây còn rất rõ dấu vết một lũy đất, chỗ cao nhất 1,6m, mặt lũy rộng 2 mét. Các bờ kia hiện nay (là đường đi từ Cầu Ngắn đến Phú Thành) vẫn còn dấu tích cao hơn nền đất xung quanh rất nhiều.

Trong và ngoài thành có một số công trình kiến trúc thuộc nền văn hóa Chămpa như: Phế tích tháp Gãy ở phía Đông Nam thuộc thôn Châu Thành, tháp Phú Lốc nằm về phía Bắc cách thành khoảng 500m và một số giếng vuông xây gạch, các bức tường gạch và trụ đá bị vùi lấp dưới đất… Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, có thể trước kia, địa bàn này là một trung tâm kinh tế, tôn giáo của người Chămpa ở ngoại vi kinh thành Vijaya.

Với những giá trị lịch sử văn hóa lớn như vậy, cho nên, ngày 11-10-1996, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định bảo vệ di tích phủ thành Quy Nhơn.

Ngày nay, đường đến di tích phủ thành Quy Nhơn đã được rải bê tông quang đãng, xe ô tô có thể chạy từ quốc lộ, rẽ từ cầu Gò Găng một đoạn 200m là đến phủ thành Quy Nhơn nằm dọc theo thôn Châu Thành và giáp với thôn Phú Thành ở Sở Tây. Con đường này cũng dẫn đến tháp Gãy, tháp Phú Lốc và chùa Phước Lộc hay núi Mò O, đình làng Lý Nhơn ở mạn Đông Nam rất tiện lợi.

. Mai Thìn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Núi Mò O - thắng cảnh độc đáo của An Nhơn  (25/02/2004)
Thăm chùa Bộc, nơi thờ anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ   (24/02/2004)
Lễ hội "Đô thị Nước Mặn"  (23/02/2004)
Lễ hội chùa Linh Phong  (17/02/2004)
Lễ cưới hỏi của người Bình Định xưa  (13/02/2004)
Xuân về thăm bến Trường Trầu  (11/02/2004)
Lễ hội vía Bà - Nhơn Phong  (08/02/2004)
Mấy dấu tích về Tây Sơn trên đất Quảng Ngãi   (06/02/2004)
Lên núi hoa mai vàng   (03/02/2004)
Lễ hội cầu ngư  (29/01/2004)
Triết lý bánh chưng, bánh tét  (28/01/2004)
Đầu năm du lịch đất Tây Sơn  (21/01/2004)
Hội bài chòi ngày xuân ở Bình Định  (20/01/2004)
Món "thưng" Bình Ðịnh   (19/01/2004)
Chùa cổ ở Bình Định   (18/01/2004)