* Bà Âu Cơ
Ký ức sâu xa của người Việt Nam về nguồn gốc của mình được phản ánh trong câu chuyện về cuộc hôn nhân của Mẹ Âu Cơ với Bố Lạc Long Quân, sinh ra 100 người con là tổ tiên huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Sau khi Mẹ Âu Cơ mất, nhân dân đã lập đền thờ ở tỉnh Phú Thọ và suy tôn bà là Quốc Mẫu - Mẹ của Nước. Ngày nay, mọi người Việt Nam đều tự hào về nguồn gốc của mình là "Con Rồng, cháu Tiên" tức là con cháu của Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long Quân.
* Hai Bà Trưng
Là cái tên mà người Việt Nam qua nhiều thế hệ gọi tên hai người phụ nữ vốn là hai chị em ruột với niềm tự hào sâu sắc. Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị quyết tâm "Đền nợ nước, trả thù nhà", giải phóng đất nước, lập vương triều mới, xưng hiệu Trưng Vương - vị vua nữ đầu tiên của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ nhất. Hai Bà đã thắp lên ngọn lửa tự do của dân tộc Việt Nam. Chủ quyền quốc gia do hai Bà mang lại dù ngắn ngủi (từ năm 40 đến 43), song tên tuổi hai Bà đã khắc họa vào lịch sử tấm gương trung nghĩa, anh hùng, làm vẻ vang cho phụ nữ và dân tộc Việt Nam.
* Bà Triệu
Triệu Thị Trinh sinh năm 226, tại tỉnh Thanh Hóa. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, khoảng 19 tuổi, Triệu Thị Trinh bỏ nhà vào núi xây dựng căn cứ, chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Khi anh trai nhắn về nhà lấy chồng, bà đã trả lời bằng những lời mà mọi người Việt Nam đều biết tới: "Tôi muốn cưỡi gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta". Đến nay, chuyện Bà Triệu từ thế kỷ thứ III vẫn còn hằn đậm trong tâm thức mỗi người Việt Nam.
* Bà Nguyên Phi Ỷ Lan
Tên thật là Lê Thị Yến (mất năm 1117). Bà là vợ vua Lý Thánh Tông và mẹ của vua Lý Nhân Tông. Ỷ Lan đã trở thành một trong những danh nhân huyền thoại của dân tộc Việt Nam bởi có tài trị nước xuất chúng. Nhân dân Đại Việt đã bày tỏ sự sùng bái một tài năng siêu việt và tôn phong Ỷ Lan là Quan Âm Bồ Tát, lập bàn thờ Ỷ Lan ngay cả khi bà còn sống.
* Bà Bùi Thị Xuân - Đô đốc Tây Sơn
Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ. Đô đốc Bùi Thị Xuân và chồng là Trần Quang Diệu là hai vị tướng lĩnh kiệt xuất trong suốt thời gian khởi nghĩa 10 năm chống lại Nguyễn Ánh. Bọn tướng soái của chúa Nguyễn đều khiếp đảm mỗi khi phải đương đầu với cánh quân của bà Đô đốc. Cái chết dũng cảm vô song của bà đã được nhân dân Việt Nam kể cho nhau nghe như một huyền thoại. Bà mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Ngày nay ở Bình Định còn đền thờ bà, coi bà như một vị thánh.
* Hồ Xuân Hương
Ở cái thời mà giang sơn của người đàn bà Việt Nam chỉ quẩn quanh nơi buồng the, bếp núc thì Hồ Xuân Hương lại muốn là con người của trời đất bốn phương, gót lãng du thường lui tới đề thơ ở biết bao thắng cảnh trên miền Bắc Việt Nam. Thơ Hồ Xuân Hương là một tiếng sấm giữa bầu trời chế độ phong kiến, phản chiếu những mặt trái của cuộc đời, bênh vực mọi tầng lớp phụ nữ cùng khổ. Chính vì lẽ đó Hồ Xuân Hương được mệnh danh là bà chúa thơ nôm trong lịch sử văn học Việt Nam cùng với bao kỳ tích huyền thoại. Bà thật sự là một nữ tướng trong lĩnh vực văn học.
* Nguyễn Thị Minh Khai
Trong những năm đầu thế kỷ 20, trong khi hàng triệu phụ nữ Việt Nam đang an phận với nghĩa vụ làm mẹ, làm vợ, thì mới 17 tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai đã tham gia các hoạt động nhằm cứu nước và giải phóng dân tộc. Người phụ nữ ấy đã bị bọn bán nước và cướp nước kết án tử hình ngày 28-8-1941 khi mới 31 tuổi, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của chị mãi sống với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Thị Minh Khai, với lòng yêu nước sâu sắc và đức hy sinh cao cả, đã trở thành kỳ tích nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp, tự do và hạnh phúc cho lớp lớp các thế hệ Việt Nam kế tiếp.
* Bà Hoàng Ngân (1921-1949)
Tên thật là Phạm Thị Vân (tức Sáu), sinh năm 1921 ở miền Bắc Việt Nam. 15 tuổi chị đã hoạt động trong tổ chức "Phụ nữ giải phóng" và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương khi 17 tuổi. Khi bị địch bắt và giam giữ vì tham gia hoạt động cách mạng, chị tổ chức đấu tranh bảo vệ các quyền của tù nhân, giúp họ giữ vững ý chí đoàn kết trong đấu tranh. Chị đã sáng lập tờ báo "Tiếng gọi phụ nữ" - tiền thân của tờ "Phụ nữ Việt Nam" hiện nay. Hoàng Ngân là một con người nhân ái, bao dung được mọi người kính trọng, quý mến. Chị đã trở thành niềm tự hào của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ hiện đại.
* Nguyễn Thị Thập (1908-1996)
Tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh tại tỉnh Tiền Giang và tham gia cách mạng năm 1929. Từ năm 1950 đến 1980, bà đã từng là Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI (1946-1980) và Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ năm 1956 đến 1980. Là ủy viên Đoàn chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 1955 đến 1980. Nguyễn Thị Thập đã hiến dâng cho Tổ quốc người chồng và hai người con trai. Nguyễn Thị Thập đã có công rèn đúc nên đội ngũ cán bộ nữ đầu tiên để bổ sung vào các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Bà đã được Nhà nước Việt Nam thưởng Huân chương Sao Vàng và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
* Nguyễn Thị Định (1920-1992)
Sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước. Từ năm 1936, bà đã tham gia hoạt động cách mạng và năm 1974 bà được phong quân hàm Thiếu tướng, được bổ nhiệm là Phó tổng tư lệnh quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1980, bà được bầu là Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà là đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII và giữ cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 đến 1992. Sau năm 1976, Nguyễn Thị Định từ một nữ tướng chỉ huy kiên cường, mưu lược đã trở thành nhà quản lý và nhà lãnh đạo trung thực, liêm khiết, đặc biệt chăm lo đến những người dân nghèo, những người bị oan ức. Bà đã được Nhà nước ta và nước ngoài tặng thưởng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý.
. Thanh Tâm |