Hát hò dân gian vào những đêm trăng xưa
16:36', 11/3/ 2004 (GMT+7)

Hát hò ở Bình Định xưa như được có từ trăng, như được phát ra từ những nhịp chày giã gạo, như được tỏa ra từ hương đất, hương mạ mùa mới. Những câu hò mang mang, bàng bạc như trăng lả lướt trên những ngọn tre, tha thướt đi qua những cánh đồng, quyện ấm vào những làng mạc, níu lòng người đến với nhau. Làm say lòng người hát, làm lả lòng người nghe. Làm ráo những tấm lưng áo ướt đẫm mồ hôi bên những cối gạo thâu đêm. Làm dịu đi những cơn đau thắt lưng của những người đang cấy lúa. Những câu hò tha thiết như những sợi tơ se kết những mối tình dân dã mà rất lãng mạn. Thế hệ ngày nay, có lẽ có không ít người là được sinh ra từ những cuộc tình được bắt đầu từ những đêm trăng như thế, từ những câu hò tha thiết như thế bằng một nhịp mở khơi gợi: Hò... hơ... ơ...!

Những câu chuyện của các cụ bà yêu hát hò một thời nổi tiếng khắp làng gần, làng xa như đưa chúng ta về lại một thời gian và không gian tuyệt vời của những thập niên đầu thế kỷ 20. Có lẽ đây là cái thuở vàng son nhất của thể loại hát hò. Cụ bà Nguyễn Thị Cần, 78 tuổi, ở thôn Trung Lý (Nhơn Phong, An Nhơn) nhớ lại: "Từ 14 tuổi tôi đã biết hát hò, có những đêm hát thâu đêm suốt sáng. Trong những lúc cấy lúa hoặc giã gạo đều hát hò để giúp cho công việc vơi đi nỗi mệt nhọc. Có những người nên vợ nên chồng cũng từ hát hò. Có những người... bỏ vợ bỏ chồng cũng từ hát hò". Và có lẽ không riêng gì cụ Cần, mà vào thời đó không một ai trong lứa tuổi ấy là không biết hát hò. Họ hát thâu đêm bên những cối gạo, dưới những thửa ruộng vào mùa cấy dưới ánh trăng thanh. Hát bất cứ lúc nào, hát để diễn đạt bất cứ tâm trạng nào. Bên công việc thì họ có hát cối, hát chày. Với chuyện vợ chồng thì họ có hát gối. Để dạm, tỏ lòng nhau thì họ có hát chào, hát kêu, hát chờ. Bằng lòng nhau rồi họ hát kết, hát đòi. Chia tay nhau họ có hát gửi. Đối đáp giữa những chuyện tình tay ba họ có hát gình, hát gập. Đọ tài nhau họ có hát thơ... Hát tục có, hát thanh có. Hát hò có sức mê hoặc lớn với con người bởi chính cái sự luôn luôn mới của nó. Đó là những cuộc hát không có chủ đề, không có chương trình sắp sẵn mà gần như là hoàn toàn ngẫu hứng. Nó được những người tham gia dẫn dắt theo ý mở của người khởi xướng rồi những lời đối đáp sắc sảo, những ứng xử thông minh cuốn người hát đến mê mẩn.

Nhưng đó là chuyện xưa. Còn nay, không biết hát hò còn được giữ gìn và phát huy? Cụ Huỳnh Thị Tám, 81 tuổi, ở thôn Kim Tài (Nhơn Phong, An Nhơn), từng nức tiếng là "đào" giỏi ngày xưa nói trong tiếng thở dài: "Không biết khi chúng tôi chết đi, lớp trẻ bây giờ có còn ai nhớ và biết đến hát hò nữa không? Tôi cũng đã gọi con cháu trong nhà, cũng như trong xóm đến để tôi dạy chúng nó hát hò, nhưng có đứa nào tha thiết với bộ môn nghệ thuật này đâu".

Giờ thì trăng vẫn đấy, những lũy tre làng vẫn đấy nhưng không biết khi nào chúng ta được hưởng lại một không khí lãng mạn, đậm tình dân dã trong những đêm hát hò. Trong những cuộc thi hát hò được tổ chức gần đây, vẫn chỉ là những "ca sĩ" đã quá tuổi 75, còn những người nhỏ tuổi hơn thì chỉ có biết nghe. Điều đó cũng có nghĩa rằng, hát hò đã dần bị mai một theo thời gian.

Mới đây tại xã Nhơn Phong (An Nhơn) đã tổ chức đêm hội hát hò dân gian, đây là lần đầu tiên xã đứng ra tổ chức và là một trong những địa phương "hiếm có" tổ chức hát hò trở lại sau mấy mươi năm đi vào quên lãng. Nói như bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Phong: "Chúng ta là lớp hậu sinh, phải biết giữ gìn và phát huy vốn quý của cha ông để lại. Đây là lần đầu tiên Hội phụ nữ xã đứng ra tổ chức hội thi hát hò và đã được các cụ rất khen ngợi. Năm sau chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức như thế này để các cụ yêu hát hò tham gia, đồng thời qua đó nhằm góp phần lưu giữ cho được thể loại hát hò".

Việc làm của Hội phụ nữ xã Nhơn Phong rất đáng được khích lệ và nhân rộng. Nếu không, thế hệ sau này chỉ sẽ còn biết đến hát hò như một câu chuyện cổ tích.

. Nguyễn Phúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Con cua nước lợ   (09/03/2004)
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3: Kỷ lục của phái… yếu  (07/03/2004)
Những nữ tướng của Việt Nam  (05/03/2004)
Tây Sơn thượng đạo   (27/02/2004)
Phủ Thành Quy Nhơn  (26/02/2004)
Núi Mò O - thắng cảnh độc đáo của An Nhơn  (25/02/2004)
Thăm chùa Bộc, nơi thờ anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ   (24/02/2004)
Lễ hội "Đô thị Nước Mặn"  (23/02/2004)
Lễ hội chùa Linh Phong  (17/02/2004)
Lễ cưới hỏi của người Bình Định xưa  (13/02/2004)
Xuân về thăm bến Trường Trầu  (11/02/2004)
Lễ hội vía Bà - Nhơn Phong  (08/02/2004)
Mấy dấu tích về Tây Sơn trên đất Quảng Ngãi   (06/02/2004)
Lên núi hoa mai vàng   (03/02/2004)
Lễ hội cầu ngư  (29/01/2004)