Nghề thợ mộc và chạm khảm ở Nhơn Thành
16:29', 17/3/ 2004 (GMT+7)

Sản phẩm của nghề chạm

Nghề thợ mộc ở Nhơn Thành (An Nhơn) có từ rất sớm. Ngày xưa có những toán thợ chuyên đi làm nhà lá mái với tay nghề cao và nghệ thuật chạm khắc tinh xảo.

Cụ Trần Đình Quyền (96 tuổi), một thợ mộc giỏi ở thôn Tiên Hội cho biết, ngày xưa nghề thợ mộc và chạm khảm rất được coi trọng vì hầu hết đều làm nhà bằng gỗ, chứ không phải nhà xây như bây giờ. Hồi ấy, người có tay nghề cao nức tiếng ở nhiều vùng là ông thợ Đồng ở Kiều Huyên (Phù Cát), rồi mới đến ông thợ Quỳ, thợ Tỵ, thợ Lực, hoặc ông Cả ở thôn Phú Thành. Ở Vĩnh Phú có ông thợ Mười chuyên đi làm nhà lá mái, sau truyền nghề lại cho con cháu lưu giữ sinh sống đến ngày nay. Thế hệ tiếp nối là các cụ Trần Đình Quyền, Mai Xuân Lang ở Vĩnh Phú, họ là những thợ mộc giỏi của Nhơn Thành.

Nghề thợ mộc đòi hỏi tính kiên trì, tỉ mỉ, con mắt nghệ thuật cao và bàn tay phải khéo léo để vẽ những hoa văn, tạo mẫu chạm trên cột kèo, xiên trính, trên cửa bàng khoa của nhà lá mái.

Tác phẩm để đời của người thợ mộc Nhơn Thành xưa là những ngôi nhà lá mái  làm ngạc nhiên du khách, là những chiếc án thờ, trường kỷ, hoành phi thật nghiêm cẩn, mang dáng dấp tài hoa bay lượn qua từng họa tiết chạm nổi, chạm lộng…

Nét đặc biệt trong các tác phẩm của người thợ mộc xưa là tất cả các khớp nối, mộng ngàm đều không dùng đinh thép đóng như ngày nay mà dùng tre cật già  chuốt tròn làm con sẻ, khoan lỗ đóng vào thay đinh. Con sẻ có tiện lợi hơn là khi  đóng vào rồi có thể tự do bào, chạm mà không sợ đụng làm mẻ lưỡi bào, và khi cần có thể khoan ra để tháo rời từng bộ phận vật dụng. Nhà ông mai Bích, ông Mai Xuân Nhanh ở Vĩnh Phú còn những chiếc án thờ do ông Mai Xuân Lang làm cách nay gần nửa thế kỷ theo lối như vậy.

Để giữ độ bền, bóng cho án thờ hoặc đồ gỗ cho nhà lá mái, người ta không dùng vec-ni như bây giờ mà dùng sáp (đèn cầy) đánh rất bóng, lại giữ được độ bền lâu hơn nhiều.

Bên trong nhà lá mái của ông Ma Bích (Nhơn Thành)

Để được vào trong tốp thợ làm nhà lá mái, người thợ mộc phải trải qua thời kỳ làm nhà cặp, nhà tranh thường, hoặc học việc làm lán trại, chuồng trâu bò cả năm trời. Để làm được công việc chạm khảm, người thợ mộc cũng phải có thêm năm - ba năm trong nghề và không phải thợ mộc nào cũng chạm khảm được.

Thợ chạm khảm tài hoa là người không chỉ có đôi tay vàng mà còn có óc thẩm mỹ, biết kết hợp sáng tạo hình khối, màu sắc, vân vi trên thớ gỗ thành những họa tiết, dáng vẻ hài hòa độc đáo.

Trong chạm có nhiều cách, nhưng tập trung ở ba cách chính là chạm khắc, chạm nổi và lộng, và tượng tròn. Trong đó tượng tròn đòi hỏi tính thẩm mỹ cao, còn chạm khắc thì đơn sơ hơn.

Ngoài nguyên liệu chính là gỗ, người ta còn dùng ốc xà cừ, sừng bò, trâu hoặc sang hơn là ngà voi… để khảm lên những vật dụng đắt giá như bàn ghế, án thờ, sập gụ, liễn đối, tam sơn, bình phong… Những tác phẩm này khá đắt giá, chỉ dùng cho các bậc quyền quí cao sang. Vì vậy các nghệ nhân ở Nhơn Thành chủ yếu là chạm trang trí cho các nhà lá mái với hình sóc, nho, lân, long… ở các đầu cột kèo.

Một trong những mặt hàng khá thông dụng của thợ chạm Nhơn Thành là án thờ với các kiểu chạm kín, chạm lộng, án giò nai hay án chân quì bằng gỗ hương, gỗ trắc rất đẹp và cổ kính.

Ngày nay, sản phẩm chạm khảm được ưa chuộng nhất là bàn thờ, tam sơn, liễn đối… khảm ốc xà cừ rất đẹp. Nghề chạm bây giờ ở Nhơn Thành còn rất ít, khảm lại càng ít hơn. Chỉ còn một vài người ở Vạn Thuận, Phú Thành, Tiên Hội vừa chạm khảm vừa kiêm luôn nghề thợ mộc hoặc viết hoành phi, liễn đối sau kính để bán.

Nghề thợ mộc và chạm khảm ở Nhơn Thành tuy ra đời sớm, nhưng không nổi tiếng bằng hai làng Lương Lộc và An Cửu của huyện Tuy Phước, hoặc Cẩm Văn của Đập Đá.

. Mai Thìn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hát thứ lễ   (16/03/2004)
Cá chẻm Thị Nại   (15/03/2004)
Vị tướng Xênêgan mang dòng máu Việt  (14/03/2004)
Nón ngựa   (12/03/2004)
Hát hò dân gian vào những đêm trăng xưa   (11/03/2004)
Con cua nước lợ   (09/03/2004)
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3: Kỷ lục của phái… yếu  (07/03/2004)
Những nữ tướng của Việt Nam  (05/03/2004)
Tây Sơn thượng đạo   (27/02/2004)
Phủ Thành Quy Nhơn  (26/02/2004)
Núi Mò O - thắng cảnh độc đáo của An Nhơn  (25/02/2004)
Thăm chùa Bộc, nơi thờ anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ   (24/02/2004)
Lễ hội "Đô thị Nước Mặn"  (23/02/2004)
Lễ hội chùa Linh Phong  (17/02/2004)
Lễ cưới hỏi của người Bình Định xưa  (13/02/2004)