Thành Bình Định
16:25', 18/3/ 2004 (GMT+7)

Thành Bình Định được xây dựng vào năm 1814 dưới thời vua Gia Long. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã dời thành Hoàng Đế (ở Nhơn Hậu) về xây dựng tại thị trấn Bình Định (An Nhơn) ngày nay. Thành được xây trên một khu đất quan phòng (đất của vua) và lấy một phần đất của các thôn Kim Châu, thôn An Ngãi và thôn Liêm Trực (thị trấn Bình Định).

Thành Bình Định được xây bằng đá ong và vôi, cao khoảng 5m, dày khoảng 1m. Đá ong xây thành có những viên rất to, có viên 2 người hoặc 4 người khỏe mạnh mới khiêng nổi. Bên trong thành đổ đất dày khoảng 10m, cao ngang với mặt thành; dày nhất là mặt hậu và mặt tiền của thành, người sau này gọi nơi đó là "Thổ sơn" (nghĩa là núi đất).

Thành có 4 cửa được gọi là cửa đông, cửa tây, cửa tiền và cửa hậu. Nhưng không rõ vào thời gian nào cửa hậu đã bị lấp lại, xây kín liền như thành nguyên, chỉ còn lại dấu vết của hai trụ cửa. Cửa đông là cửa mỗi khi vua rời cung, lúc trước gọi là đường Lò Rèn, nay là đường Mai Xuân Thưởng. Cửa tây là cửa đưa người chết ra khỏi thành, trước là đường Kim Tây, giờ là đường Lê Hồng Phong nối dài. Cửa tiền là cửa vua vào nơi Hành cung, trước gọi là đường Cửa Tiền, nay gọi đường Thanh Niên. Cửa thành xây bằng gạch đất nung rất chắc. Cửa xây hình cong bán nguyệt, rộng 4m, cao 5m. Cánh cửa đóng bằng gỗ rất dày, mỗi cửa có hai cánh, dưới cánh cửa có bánh xe bằng gỗ. Khi mỗi chiều đóng cửa thành sẽ có hai lính gác khiêng một khúc gỗ dài 4m bỏ ngang giữa hai cánh cửa, vì mỗi cánh cửa có một con bọ hình chữ L chắc chắn để gác khúc gỗ làm chốt cửa thành. Trong lòng cửa, cửa nào cũng có xây một lõm sâu dài khoảng 2m, rộng 1m, cao 1,5m, trong đó đặt một chiếc giường tre để ban đêm lính gác ngủ canh cửa thành. Trên mỗi cửa thành đều có lầu, không xây vách, cao 4m, có 4 cột gỗ lớn, lợp ngói âm dương. Tối đến lính canh thành sẽ trèo lên lầu của cửa thành để quan sát cho xa hơn.

Bên trong thành là Hành cung và các Dinh thự. Hành cung là nơi để thờ tiên đế, cũng là nơi khi các vua đi kinh lý vào viếng và nghỉ ngơi. Còn các Dinh thự là nơi làm việc của các quan.

Do chiến tranh, vào năm 1946 thành bị đập phá và dần bị quên lãng. Để khôi phục lại một phần giá trị lịch sử vốn có của nó, vừa qua UBND huyện An Nhơn đã đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng lại cửa đông thành Bình Định (từ đường Lê Hồng Phong vào trung tâm huyện). Hiện huyện An Nhơn đang phát động cuộc thi thiết kế lại cửa thành Bình Định trên mô hình cũ. Sau đó sẽ chọn mẫu thiết kế phù hợp, rồi khởi công xây dựng để kịp hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng huyện An Nhơn (30.3.1975-30.3.2005).

. Nguyễn Phúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề thợ mộc và chạm khảm ở Nhơn Thành   (17/03/2004)
Hát thứ lễ   (16/03/2004)
Cá chẻm Thị Nại   (15/03/2004)
Vị tướng Xênêgan mang dòng máu Việt  (14/03/2004)
Nón ngựa   (12/03/2004)
Hát hò dân gian vào những đêm trăng xưa   (11/03/2004)
Con cua nước lợ   (09/03/2004)
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3: Kỷ lục của phái… yếu  (07/03/2004)
Những nữ tướng của Việt Nam  (05/03/2004)
Tây Sơn thượng đạo   (27/02/2004)
Phủ Thành Quy Nhơn  (26/02/2004)
Núi Mò O - thắng cảnh độc đáo của An Nhơn  (25/02/2004)
Thăm chùa Bộc, nơi thờ anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ   (24/02/2004)
Lễ hội "Đô thị Nước Mặn"  (23/02/2004)
Lễ hội chùa Linh Phong  (17/02/2004)