Hằng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, người dân quê tôi (Gò Bồi, Tuy Phước, Bình Định) tổ chức lễ hội cầu ngư tế thần: Ông Nam Hải (Cá Voi). Người ta thường nhắc đến ông với lòng cung kính và biết ơn vì ông là người giúp đỡ, là nơi nương tựa của ghe bầu khi gặp nạn. Trước lễ một ngày, dân làng xôn xao, lui tới, bàn bạc về lễ cầu ngư này. Các vị bô lão đốc thúc bè bạn, con cháu tham gia.
Làng tôi cách biển Đông chừng năm sáu dặm nhưng theo các cụ thì ngày xưa là biển, trải nhiều năm bồi đắp nay thành làng. Sông nước đã ăn sâu vào đời, nuôi sống họ. Từ con thuyền buôn đến người đánh bắt cá đề tin vào lễ hội này.
Lễ hội bắt đầu bằng lễ rước thủy thần. Hai chiếc thuyền lớn được kết lại, trang trí cẩn thận, trọng thể. Những vòm cung bằng tre, được phủ lá dừa. Các góc mái cuốn cong như đình miếu. Phía trước là "bái hạ" kết bằng lá đủng đỉnh. Cờ đuôi nheo cắm bốn góc bay rập rờn, trống chiêng rộn rã. Trong thuyền là hương áng. Thuyền đi lần về phía biển đến ngã tư là nước mặn hoàn toàn. Thuyền dừng lại, các vị bô lão cùng lễ sinh trong lễ phục áo thụng xanh, đầu mũ gia lễ có hoa chữ thọ. Họ làm lễ tế thần. Cúng bái mấy lượt, được nửa tuần hương, một vị lão thành có uy tín nhất trịnh trọng đem chiếc "chén cổ" - chén có chân và có nắp, ra mũi thuyền múc một chén nước biển, đặt cẩn thận lên hương áng. Nhạc trỗi, trống thúc họ cử bài "rước sắc". Thuyền quay về dinh hay gọi là lăng. Họ lại tiếp tục cúng bái, tiếp theo là những lái buôn từ phương xa cũng vào lễ, góp một ít tiền gọi là "hương, đăng, trà, quả". Giờ ngọ, cuộc lễ vừa xong, họ mời nhau tiệc tùng phía sau lăng. Sau đó là lệ đua thuyền. Những chiếc ghe to đủ màu, phía mũi có hình đầu rồng đã sẵn sàng. Các lực sĩ đồng phục theo màu sắc địa phương, áo vàng, áo đỏ, quần chẽn, thắt lưng điều. Người điều khiển chít khăn đỏ, cầm chèo dài đứng trên bờ chờ đợi. Khi có lệnh đua, họ đồng thanh hô "chèo, chèo". Người lái cầm chèo nhảy xuống thuyền. Thế là cuộc đua bắt đầu. Những tiếng hô vang dậy cả vùng sông.
Năm nào thu hoạch khá, cúng lễ nhiều thì có tổ chức hát bội để mừng thần linh và dân giải trí. Những mạnh thường quân là "các lái". Họ rất nhiệt tâm với lễ hội này vì đời sông nước của họ gắn liền với chiếc ghe bầu.
Ghe bầu là loại thuyền khá lớn, rộng đến 4-5 mét, dài 10-15 mét. Ghe đi "ăn hàng" khá xa, thường mua cá mắm ở Phan Rang, Phan Thiết, có khi đến Cấp (Vũng Tàu). Ghe di chuyển bằng buồm nhờ sức gió. Những lúc thiếu gió hay gió hơi ngược họ lại chạy "nghiêng" chạy "vát". Khi trời thanh bể lặng, thuyền dong cả 3 buồm rẽ sóng mà chạy. Ông Nam Hải thường bơi theo, phun những cột nước đến 2-3 mét, thỉnh thoảng họ gặp ông Nược (cá heo) cùng đua với ghe. Khi biển động thì cập bến trú ẩn. Đời sống sông nước bồng bềnh, chẳng biết đâu là tai họa mà lường. Những lúc nguy cấp, họ thắp hương van vái rồi đánh thùng, gõ mõ hoặc đập vào mạn thuyền gọi ông Nam Hải. Nghe tiếng kêu cứu, ông vội đến, tựa lưng vào mạn thuyền, sóng gió có to cũng thành nhỏ, bình an. Các cụ còn kể rằng: gặp những cơn bão lớn, ghe chìm người không bấu víu vào đâu được, bơi vẫy trong tuyệt vọng đến ngất xỉu. Bỗng nhiên thân xác họ được nâng lên và ngày hôm sau lại thấy mình nằm trên bãi.
Sau cơn bão tố, không phải chỉ có ghe thuyền và người bị hại mà cả ông Nam Hải cũng phải trải qua những cơn thịnh nộ của sóng gió. Đôi khi ông "lụy", những lần ấy gió mưa cũng sụt sùi cảm động. Xác ông trôi tấp vào bờ. Ngư dân nào thấy trước sẽ là chủ tang, dân làng góp công sức tiền của chôn cất long trọng. Chung quanh Gò Bồi có nhiều lăng được xây cất tương tự như miếu. Trong lăng bàn thờ chính thờ ông Nam Hải. Đó là xác thân cá voi được lấy cốt xếp vào hòm to. Những đốt xương sống to bằng quả bánh.
Chuyện về ông Nam Hải rất nhiều và cặn kẽ, ngư dân biết rất rõ từ cách sinh hoạt của ông. Ông chỉ ăn toàn ruốc hoặc cá cơm tăm, bằng cách chỉ há miệng ra là từng đàn chạy vào. Ông còn hợp lực với ông Gù, ông Nược, cá đao, cá ép đánh nhau với lũ cá mập, cá đuối, cá nạn. Những khi đánh nhau, sóng biển dâng cao, những cột nước phun lên, những cái quẫy đuôi kinh hồn làm mù mịt biển cả. Còn chuyện cứu người, ghe thuyền mới nghe như huyền thoại nhưng bô lão làng tôi quả quyết: đó là chuyện thật. Do đó, không chỉ riêng dân làng tôi mà cả những làng ven biển khắp nước đều có tập tục thờ ông Nam Hải và lễ Cầu Ngư.
. ST |