Có lẽ ít có nơi được may mắn như ở An Nhơn (Bình Định), một huyện miền Trung nắng cháy lại từng là đất kinh đô của một triều đại oanh liệt của dân tộc - triều Tây Sơn - và là đế đô của vương quốc Chăm-Pa thời cực thịnh (khoảng từ năm 982 đến năm 1471). Dù thời gian và chiến tranh tàn phá khốc liệt thì nơi đây vẫn còn lưu dấu những di tích quý giá, nhất là những thành xưa, tháp cũ, được xem là những tiềm năng to lớn để phát triển ngành du lịch địa phương trong tương lai.
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ năm 1771. Hai năm sau (1773), nghĩa quân giải phóng toàn bộ Phủ Quy Nhơn lúc bấy giờ ở thôn Châu Thành (xã Nhơn Thành - huyện An Nhơn). Từ đó Phủ Quy Nhơn trở thành một căn cứ địa vững chắc, một bàn đạp chiến lược để nghĩa quân tiến công ra Bắc, vào Nam. Năm 1776, Nguyễn Nhạc cho xây dựng lại và mở rộng thành Đồ Bàn (kinh đô cũ của Chăm-Pa) làm sở chỉ huy và đổi tên là Thành Hoàng Đế. Từ đây, năm 1785, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã vượt biển vào Gia Định đánh tan 5 vạn quân Xiêm, lập nên chiến công vang dội ở Gạch Gầm - Xoài Mút. Cũng từ đây, giữa năm 1786, quân Tây Sơn đã tiến quân ra Bắc, lật đổ chế độ chúa Trịnh, thống nhất giang sơn. Từ năm 1786 đến năm 1793, thành Hoàng Đế là kinh đô của chính quyền trung ương Hoàng Đế Nguyễn Nhạc.
Thành Hoàng Đế nằm ở phía Bắc huyện An Nhơn, trên địa phận thôn Nam Tân, Bắc Thuận (xã Nhơn Hậu) và thôn Bá Canh (thị trấn Đập Đá). Thành ở phía tây Quốc lộ 1, cách thị trấn Bình Định khoảng 10km. Căn cứ theo các tài liệu lịch sử và những di tích còn lại, thành Hoàng Đế gồm 3 vòng: thành Ngoại, thành Nội và Tử Cấm Thành. Vòng thành này dễ nhận biết vì nó nhỏ (chu vi khoảng 600m) và còn nhiều dấu tích. Năm 1779, sau khi chiếm được thành Hoàng Đế, Nguyễn Ánh đổi tên là thành Bình Định. Đến năm Gia Long thứ 12 (1814) nhà Nguyễn cho phá dỡ thành cũ lấy đá ong để xây dựng thành mới ở 2 thôn Kim Châu và An Ngãi (thị trấn Bình Định). Từ đó Thành Hoàng Đế bị hủy hoại, hoang phế. Rất may thời gian, kể cả bom đạn chiến tranh khốc liệt vẫn chưa xóa nhòa tất cả. Chân Tử Cấm Thành vẫn còn đó, tạo nên một gờ đất nổi rõ. Trên đó một số đoạn thành còn nguyên với những viên đá ong to lớn xếp chồng lên nhau. Hơn 200 năm rồi mà những viên đá ong vẫn còn sắc cạnh, khó có loại đá nào bền hơn thế. Có lẽ nhờ vậy mà những đoạn thành ít ỏi còn giữ lại được cho đến ngày nay. Nhưng không biết tương lai rồi sẽ ra sao? Nghe nói đá ong ở đây đem về xây móng nhà thì rất tốt, nên liệu những đoạn thành ít ỏi kia có giữ nổi không?
Trong Tử Cấm Thành hiện có lăng mộ và đền thờ Võ Tánh, viên tướng trấn thủ của Nguyễn Ánh, phải tự thiêu chết năm 1801 trước sự vây hãm của quân đội Tây Sơn. Những kiến trúc này đều thuộc thời Nguyễn nhưng điều quan trọng là dựa vào đó có thể xác định vị trí một số kiến trúc thời Tây Sơn. Ví như Tiểu đình Bát giác chính là di tích Lầu Bát giác thời Tây Sơn.
Từ trên đỉnh cao phóng tầm mắt ra xa mới hiểu vì sao nghĩa quân Tây Sơn đã chọn nơi đây làm đại bản doanh của mình. Hai dòng sông Đập Đá và La Vĩ như hai cánh tay ôm lấy thành, từ hai mặt bắc, nam và gặp nhau dưới chân núi Mò O, về phía đông bắc của thành. Tương truyền sông La Vĩ là do Nguyễn Nhạc đào để tạo cho thành Hoàng Đế cái thế "tứ thủy triều qui" (?). Hai con sông này có tác dụng như một hệ thống hào thiên nhiên bảo vệ thành, đồng thời là những con đường thủy thuận lợi. Bến Gỗ ở phía tây bắc thành là di tích của bến thuyền xưa. Từ đó, có thể ngược lên sông Côn và xuôi xuống sông Đại An ra cửa biển Thị Nại. Giữa thành và ngoài thành là những gò, núi rất thuận lợi cho việc dùng binh. Phía nam có gò Vân Sơn, gò tập là những điểm cao lợi hại bảo vệ cửa nam thành ngoại. Gọi là gò tập vì nơi đây là nơi tập luyện của quân sĩ. Sau gò tập có núi Long Cốt được coi là "tiền án" của thành, đã từng diễn ra những trận đánh dữ dội giữa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn.
Có cả một chiều dài và chiều dày của lịch sử dân tộc ẩn chứa bên trong của Thành Hoàng Đế, một tòa thành lớn nhất trong các kiến trúc quân sự được xây dựng thời Tây Sơn. Thời gian đã làm cho ngôi thành hoang phế và cô đơn đến nao lòng. Mừng thay vừa nghe các ngành chức năng của tỉnh và Bộ Văn hóa Thông tin đã lập xong dự án trùng tu, nâng cấp di tích Hoàng thành với kinh phí nhiều tỷ đồng. Mong người dân Bình Định và của cả nước sớm được đọc lại trang sử đáng tự hào của mình trên các dấu tích thành xưa?
Ngược lại thời gian cũng chính tại đây, từng là kinh thành Vijaya, Đế đô của vương quốc Chăm-Pa trong hơn 4 thế kỷ sau khi dời đô từ Quảng Nam vào (khoảng năm 982- 983). Thành Vijaya trong các tài liệu lịch sử thường được phiên âm là Đồ Bàn, Chà Bàn, Trà Bàn… Ở vào thời hoàng kim, Vijaya là một tòa thành nguy nga, tráng lệ. Theo sách Việt sử lược, "vào khoảng 1069, khi vua Lý Thánh Tông chiếm được thành đã sai kiểm tất cả các nhà trong và ngoài thành, cả thảy có tới 2560 khu." Đến thế kỷ XVIII, khi viết "Lịch sử triều hiến chương loại chí", trong mục Phủ Hoài Nhơn, Phan Huy Chú vẫn còn nhận xét: "Trong phủ có thành Đồ Bàn, là nơi xưa vua Chiêm ở đó, lộng lẫy kiên cố, nay dấu cũ hãy còn".
Bị phế bỏ khá lâu, tuy nhiên dấu tích Chăm-Pa vẫn còn lại khá nhiều. Trong thành Nội còn giữ được ba con nghê đá thuộc nghệ thuật Chàm (một con ở cổng đi vào và 2 con trước lăng Võ Tánh). Xa hơn có 2 con voi đá với hình khối và đường nét rất sinh động. Đó là hai di vật quý của nghệ thuật Chàm, có thể coi là độc nhất vô nhị. Ngày nay hai con voi đứng cạnh một trường tiểu học của xã Nhơn Hậu. Giờ ra chơi, các em trèo lên đầu voi, lưng voi, đánh trận giả, cây gậy quất tứ tung. Vui cho các em nhưng đau cho voi quá. Mấy cái vòi gãy từ hồi nào là một bằng chứng. Nhưng đâu thể trách được các em, chúng đâu biết giá trị những con voi này lớn đến cỡ nào.
Theo sử sách cũ, thành Vijaya vốn là khu vực có nhiều tháp nhưng hiện còn tương đối nguyên vẹn chỉ có hai tháp là Cánh Tiên và Phú Lốc. Tháp Cánh Tiên tọa lạc trên đỉnh gò không cao lắm ở trung tâm thành Đồ Bàn nay thuộc xã Nhơn Hậu (người Pháp gọi là Tourde Cuivre - Tháp Đồng). Tháp không cao lắm (khoảng hơn 20m) nhưng đẹp, kiến trúc hoành tráng, gây ấn tượng từ xa. Các góc thân tháp được bó bằng các khối đá lớn, vững chãi. Tháp có 4 cửa vòm nhọn, vút lên như mũi giáo nhưng chỉ có cửa chính hướng đông là ăn thông với lòng tháp, còn lại là 3 cửa giả. Bộ diềm mái nhô ra tạo thành bệ đỡ cho các tháp góc bên trên với những mảng đá đuôi phụng trông lả lướt như "cánh Tiên" đang bay trên trời xanh (có lẽ vì vậy mà tháp có tên là Cánh Tiên). Ngoài gạch, chất liệu đá đã được sử dụng nhiều trong việc xây dựng tháp; các góc trên tháp đều được ốp bằng đá và được chạm khắc tinh vi, tạo cho tháp dáng vẻ uy nghi sang trọng, ít có tháp nào sánh kịp. Năm 1982, di tích tháp Cánh Tiên đã được Nhà nước công nhận xếp hạng là di tích quốc gia, được đưa vào kế hoạch, dự án bảo vệ, tôn tạo, phục vụ cho nhu cầu tham quan, du lịch của tỉnh.
Tháp Phú Lốc được xây dựng trên một quả đồi cao, cách thành khoảng 2km, nay thuộc xã Nhơn Thành. Phân tích phong cách kiến trúc, các nhà chuyên môn đoán định rằng tháp có niên đại tương đương với tháp Cánh Tiên, nghĩa là được xây dựng vào đầu thế kỷ 12.
Quy mô tháp không lớn. Tháp hình vuông, mỗi chiều đo được 9,7m. So với Cánh Tiên, trang trí tháp Phú Lốc có phần đơn giản hơn; các cột đá ốp chung quanh tháp thẳng trơn, không có họa tiết hoa văn trang trí. Giống như mọi tháp Chăm-Pa, Phú Lốc cũng có 3 cửa và một cửa chính hướng về phía đông. Vòm cửa hình lưỡi mác vút lên cao, bên trên là các phù điêu trang trí tuyệt đẹp. Cửa giả có đến 3 tầng, tạo thành một hình khối giống như 3 lưỡi mác nhọn, xếp nối nhau đến sát bộ diềm mái. Mái tháp cũng có 3 tầng, ngăn cách với thân tháp bởi một bộ diềm đá trơn. Tầng mái được tạo dáng thu nhỏ dần lên phía trên với các mặt tường được chạm khắc tinh vi.
So với Cánh Tiên, Phú Lốc bị hư hại nhiều hơn; các tháp góc đều bị gãy đổ nên nó không còn dáng vẻ hoành tráng, bề thế như vốn có. Nhưng nhờ đúng trên đồi cao, phong quang nên tháp nổi rõ từ xa. Đứng bên chân tháp ta có thể nhìn thấy tất cả một vùng đồng bằng rộng lớn của cả hai huyện An Nhơn và Phù Cát.
Tháp Phú Lốc cũng được xếp hạng năm 1995, là một di sản văn hóa quý báu đang được tôn tạo, giữ gìn. Dù chỉ còn dáng vẻ hoang tàn, cổ kính thì đây vẫn được xem là một điểm hẹn khi về lại đất thành xưa.
. Ngọc Minh |