Sông núi An Nhơn
11:13', 26/4/ 2004 (GMT+7)

Sông núi An Nhơn liên hoàn trong thế núi hình sông của Bình Định như một khổ thơ giữa bài thơ hùng tráng và trữ tình, tạo cho khuôn mặt đất đai vẻ sôi động và trầm tĩnh, dịu dàng và cương nghị. Ở đây, dáng vẻ hội tụ và kết tinh, giao lưu và lan tỏa ở một vùng từng là kinh đô vẫn chưa phai nhạt trên đường nét của thiên nhiên, dầu bao vật đổi sao dời: "Từ khi có trời đất thì có núi sông. Của báu một nước không gì quý bằng đất đai: nhân dân và của cải đều do đấy là sinh ra". Khi tìm hiểu về sông núi cõi bờ đất nước, tác giả Lịch triều hiến chương loại chí đã dẫn giải như vậy. Chúng ta tìm hiểu thêm về sông núi ở một vùng đất mà Phan Huy Chú đã mô tả "Núi ở xa chạy lại liên tiếp từ đầu nguồn sông cho tới bờ biển. Một đặc điểm của sông núi Phủ Hoài Nhân xưa nói riêng và cả vùng duyên hải miền Trung nói chung.

Về mặt địa hình, An Nhơn tọa lạc giữa một vùng sông núi không hiểm trở chất ngất mà đượm vẻ ôn hòa nhu thuận, vừa hướng nội vừa hướng ngoại, những yếu tố không thể thiếu để hình thành vùng đất kinh đô. Quả vậy, việc phát triển của châu Vijaya xưa với các thành Đồ Bàn, thành Cha, thành Thị Nại có liên quan mật thiết đến thế núi hình sông của xứ sở này với tư cách trung tâm của những vương triều. Đến thế kỷ XVIII, việc hình thành thành Hoàng Đế, tổng hành dinh của nghĩa quân Tây Sơn, kinh đô của triều đình Nguyễn Nhạc, là một minh chứng đầy vẻ vang cho vượng khí sông núi An Nhơn.

Sông núi đất đai An Nhơn ôm trong lòng những di tích đặc biệt, dấu ấn vàng son của lịch sử.

Sông chính ở An Nhơn là sông Côn, một dòng sông hùng tráng và trữ tình, nơi phát tích của nhiều anh hùng và thi nhân Bình Định. Vượt qua An Thái, sông Côn làm một cành nhiều nhánh, vươn ra những ngón tay dài bao bọc địa cuộc sơn kỳ thủy tú An Nhơn. Dòng phía Nam xưa gọi là Nam Phái xuống đến Phụng Ngọc lại rẽ đôi, một dòng chảy vào Phụng Ngọc ra đến cửa Tiền thành Bình Định rồi chảy về Đông, thường gọi là sông Cửa Tiền. Một dòng chảy thẳng xuống Tân An qua hết An Nhơn đến Tuy Phước, đổ ra Thị Nại, thường gọi là Trung Phái. Sông Cửa tiền tiếp nhận thêm nguồn nước từ sông An Tượng phía Tây Nam đổ ra. Riêng ở đoạn dưới An Thái, có dòng chảy ra phía Bắc gọi là Bắc Phái. Đến Thị Lựa, dòng này phân hai một nhánh là Thạch Yển chạy vào đông nam rồi ra Đông Bắc, quành lên nhịp xuống dịu dàng qua núi Mò O. Một nhánh là La Vỹ chảy về phía Gò Găng rồi hợp cùng dòng Thạch Yển ở Lý Nhơn. Từ hợp lưu này, hai sông chia đôi rồi lại hợp nhau ở cửa vào Thị Nại. Tương truyền, nhánh sông La Vỹ xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XVIII, do vua Thái Đức đào từ phía tây thành Đồ Bàn làm thế phòng địch, đồng thời lấy đất tôn cao nền thành. Mùa lụt sông lở, vua cho đắp Đỉnh Nhĩ đê, do đó sông La  Vỹ còn mang tên là sông Quai Vạc.

Bên cạnh sông, núi ở An Nhơn tạo cho địa cuộc cái thế chở che, ôm ấp, quấn quýt mở lòng ngân mãi dư ba. Núi ở An Nhơn tiêu biểu như núi An Tượng phía nam với thế voi nằm; núi Kỳ Đồng phía tây bắc với hình tượng "Thanh Long ẩm thủy"; một ngọn độc sơn đã đi vào ca dao truyền thuyết địa phương là Núi Mò O ở phía đông bắc. Trước khi đến Mò O, có nhiều hòn núi thấp ở phía tây như hòn Đại An, hòn Tân Nghị, gò Thành Cũ, gò Vân Sơn, núi Long Cốt. Có người ví núi Trà Sơn ở phía Tây hợp với các hòn Đại An, Tân Nghi, Kỳ Đồng thành bộ tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng. Lại có người cho rằng các dãy gò núi ở An Nhơn nối miên man theo hơi thở Trường Sơn như một chuỗi ngọc bích. Đó là những hòn núi đầy mầu sắc bể dâu, ôm gọn trong lòng những dấu tích bi tráng của lịch sử, ẩn tàng khí thiêng của sơn mạch. Nghìn năm trước, khi mảnh đất này giang tay đón những vận hội kinh kỳ, núi Mò O trở thành sự che chở kỳ vĩ, một vùng đất thiêng trong tâm thức hoàng triều và thần dân. Hơn hai thế kỷ trước, một lần nữa núi Mò O làm thiên chức cao quý của xứ sở đế vương, nơi đặt đô của một triều đại nông dân rực rỡ trong lịch sử dân tộc: triều Tây Sơn. Và bây giờ, núi đứng đó trong sắc trời kinh xưa, uy nghi trầm mặc, minh triết mà giản phác.

Cái thế núi hình sông điệp trùng đã bao đời tạo nên khí chất của một vùng đất thiêng, nơi  tiềm ẩn nội tâm phong phú và hội tụ bốn phương đa dạng. Ở đó, người An Nhơn bao đời đã tạo dựng cơ ngơi văn hóa bền vững cùng đất trời sông núi An Nhơn, trong đất trời sông núi Bình Định, Việt Nam. Bài ca xứ sở này chứa đựng những giai điệu vừa tưng bừng vừa lắng đọng, vừa trần thế vừa thần tiên… Bao hàm trong từng gương mặt di tích cỏ cây, sông núi dáng vẻ vững bền và dâu bể, sôi động và an nhiên, biến dịch và tĩnh tại… Trong tiếng gió mưa tràn qua dòng thời gian hưng vong bĩ thái, dường như không chỉ có những âm vang của chốn phàm trần.

. Nguyễn Thanh Mừng

                               

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chùa Bà - Nước Mặn   (23/04/2004)
Tục thử dâu của người Ba na   (20/04/2004)
Hành trình từ Gia Hưng đến Điện Biên Phủ   (19/04/2004)
Quy Nhơn quyến rũ  (18/04/2004)
Tháp Mẫm   (16/04/2004)
Lễ hội tháng ba trên đất Tây Sơn   (16/04/2004)
Khi vua xin lỗi bề tôi   (08/04/2004)
Hoạt động "xóa đói giảm nghèo" của người xưa  (07/04/2004)
Vua Lý Thái Tông đi cày   (02/04/2004)
Những dịch vụ hậu cần cho nghề cá xưa kia ở Hoài Nhơn  (01/04/2004)
Về Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử   (26/03/2004)
Dấu tích đất kinh xưa  (25/03/2004)
Khám phá Bình Ðịnh  (23/03/2004)
Tục nhuộm răng ăn trầu của người Bình Định xưa  (22/03/2004)
Lễ cầu ngư ở Gò Bồi  (21/03/2004)