Ngày trước, với ngư dân Hoài Nhơn, khi nghề đánh bắt cá biển chưa được phát triển, mọi việc đều làm bằng thủ công, từ sức người cộng với óc sáng tạo của ngư dân đã hình thành một số lao động, ngành nghề hậu cần phục vụ cho nghề cá như: Chắp gai, đan lưới, tiếp xơ dừa, đánh dây, quấn nhợ, dệt trủ, thợ rèn và thợ kéo thau, làm nước mắm.
Vì vậy, khi vào một làng chài ven biển nào đó, ta thấy, ngoài việc chèo thuyền đi biển của cánh đàn ông, còn người ở nhà, người nào cũng có công việc. Có khi bộn bề, có khi nhàn nhã, nhưng bao giờ cũng là công việc thường nhật. Chắp gai thường là công việc của đàn bà. Đàn bà thì, khi ghe về bến đi gánh cá ra chợ bán, rồi bếp núc xong lại chắp gai. Đàn bà ở vùng biển còn phải đan lưới. Có khi là trẻ em, năm bảy đứa thì ngồi chung dưới bóng mát vừa trò chuyện vừa đan lưới.
Một số đàn bà ở nhà không có ghe mà chồng đi bạn (đi làm công cho chủ ghe khác) thì ở nhà ngoài việc đan lưới thuê, đến đêm lại tiếp xơ dừa, một số bán cho các nhà nghề đánh dây, còn để dồn lại lâu ngày gánh ra chợ Ân ở Tam Quan (Hoài Nhơn) bán. Các nhà đánh dây chuyên nghiệp đến mua về làm ra dây lớn nhỏ mà ghe bầu Tam Quan ngày xưa đã mang đi bán các vùng biển khắp nước. Nhất là vào những đêm trăng, các bà xúm nhau có lúc kể chuyện cười vui, có lúc vừa hò hát vừa tiếp xơ dừa, vừa đi quấn lại trụ giàn bí hay trụ ngõ và hẹn nhau tiếp được mấy vòng thì đi nghỉ. Mỗi ngày một tí nhưng nhiều ngày dồn lại cũng có ít tiền mua sắm.
Từ vỏ trái dừa, cũng như cả cây dừa, đã nuôi sống một số dân ngoài việc biển giã. Các nhà chuyên quây đánh dây đến chợ Hoài Ân mua sỉ xơ dừa mà người ta đã tiếp quấn thành cục như quả bí về đánh thành các loại dây lớn nhỏ. Một số cung cấp cho ngư dân trong vùng, số khác được đóng thành kiện như bánh xe hơi, xuống ghe bầu đem bán cho ngư dân các vùng phía Nam, phía Bắc. Vào thời đó ai đã đến vùng Cửu Lợi đông, Cửu Lợi tây (Hoài Nhơn) mới chứng kiến được cảnh nhộn nhịp dưới bóng dừa mát mẻ là những khung đánh dây, tiếng lắc cắc, cà rọc, cà rọc của những con quay chạm vào nhau đều đều một cách êm tai.
Những ngày biển nhàn, mọi người thường tham gia quay nhợ. Bả gai đã được tước nhỏ và chắp thành sợi dài đều nhau, bưu (quấn) lại thành cục như quả bưởi rồi đem ngâm nước cho bền. Sáng hôm sau khi vừa mờ mờ sáng, trên bãi, trong hàng dừa là những địa điểm quay nhợ. Bưu gai được ngâm kỹ và đánh sớm để tránh nắng lên làm khô, vì một khi bị khô dây dễ đứt không thể quay được. Nắng đã lên cao thì bọn quay cũng nghỉ, nên nhợ gai chỉ quay được vào buổi sáng và những lúc trời mát, gió nhẹ. Công việc này thường là của thanh niên và một số ít người đứng tuổi đảm nhiệm. Nhưng có nơi có cả phụ nữ thay chồng bận việc biển giã mà làm.
Lưới đánh bắt cá có loại gọi là lưới trủ. Lưới trủ được dệt bằng khung cửi thủ công như dệt thổ cẩm của các dân tộc miền núi. Sợi dây trủ được lấy từ sợi tơ tằm. Có 2 loại trủ: loại thanh khổ rộng cỡ một gang rưỡi, loại nầy thường dùng cho mành ruốc. Loại trủ khổ hẹp một gang sợi thô do lò ươm tơ kéo từ sợi kén xấu, thường dùng làm bộ phận đảy mành. Ngày đó ở làng Thạnh Xuân (xã Hoài Hương, Hoài Nhơn) có một khu chuyên ươm tơ, dệt lụa và dệt cả trủ để cung cấp cho các xã biển ngoài huyện như Phù Mỹ, Phù Cát.
Cũng ở làng Thạnh Xuân (Hoài Hương), có hẳn một khu lò rèn rất phát đạt. Hằng ngày từ sáng đến chiều tối, đầu trên xóm dưới đều vang rền tiếng búa đanh tai của cánh thợ rèn. Ngoài việc rèn nông cụ cho nông dân trong huyện và các huyện lân cận, các lò rèn này còn làm ra ngư cụ cho cánh bạn biển như: neo, âm dương lái, ròng rọc, đinh đản, dao mồi, dao vá lưới… Nghề rèn và nghề kéo đồng thau đã thu hút một số lao động thanh niên không ít. Nghề biển đã tạo theo một số ngành nghề cho cư dân vùng biển này.
Sản phẩm của biển thường được chế biến, mà làm nước mắm là phổ biến nhất. Ngày trước việc chế biến cá cơm, ruốc thành mắm không có quy mô cho lắm, mà chỉ có tính cách buôn gánh bán bưng riêng lẻ của từng hộ gia đình. Chỉ có các tỉnh Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận mới có nhà thùng to lớn, làm nước mắm quy mô. Nước mắm thường làm từ cá cơm, mà cá cơm thì vùng biển Hoài Nhơn không có nhiều, do đó cứ đến tháng 6 âm lịch trở đi thì tất cả những ghe lớn chạy buồm được mang gạo tiền vào ăn cá ở các vùng biển từ Cà Ná đến Phan Rang, Phan Thiết đem về chế biến nước mắm cung cấp cho các huyện xung quanh như Hoài Ân, An Lão.
Nghề làm vi cước cá có lâu đời ở Hoài Nhơn. Vi (vây) các loại cá họ nhám được cắt ra trước khi bán cả thây cá cho bạn rỗi để họ cắt từng miếng lớn nhỏ bán cho bà con về ăn. Vi được phơi thật khô, để dành cho nhiều rồi đem bán, hoặc tự nhà, làm ra cước cá rồi đem cân bán cho bạn hàng. Cước cá là mặt hàng ăn uống cao cấp, nhiều bổ dưỡng mà thời bấy giờ chỉ có người Hoa ở Chợ Lớn - Sài Gòn tiêu thụ, dùng trong các nhà hàng, hay làm quà biếu cho bà con họ ở đảo Hải Nam, Đài Loan hay Hồng Công. Trước khi làm cước, vi được ngâm rồi sau đó luộc nước sôi cho thật mềm, đem ra nạo lớp da cát cho sạch. Đoạn lóc lấy phần da thịt, xương rồi mới đến phần cước là những sợi trong suốt, ngắn lối 2-3 phân (cm). Những người làm vi cước là những người chuyên nghiệp, khéo tay, nhẫn nại mới phân tách được tỉ mỉ từng loại. Vi loài cá mập rất đắt giá vì có nhiều cước tốt nên người khách trú (tức người Hoa) rất ưa thích. Cước được tách ra phân loại xong, người ta rải đều lên từng tấm vỉ được đan bằng nan tre hình chữ nhật, bề dài cỡ gang rưỡi, bề ngang 1 gang, đem phơi khô, nên khi gỡ ra cước có hình thù từng tấm một để tiện việc đóng gói, chuyên chở, cất giữ và cần dùng. Thường là những nhà làm câu to mới có. Ở làng xóm, thường chỉ khi cúng giỗ lớn người ta mới dám dùng loại thực phẩm hảo hạng này.
. Trần Xuân Liếng |