Việc mua nghĩa điền, lập nghĩa thương đã có từ xưa. Ở bên Tàu, đời Tống có Phạm Trung Yêm đã mua 1.000 mẫu ruộng cấp phát cho những người nghèo khổ trong họ, ruộng đó là nghĩa điền. Vua Văn Đế nhà Tùy đặt ra lệ mỗi năm đến kỳ thu hoạch mỗi nhà phải đong một thạch lúa hay bắp trữ vào kho để phòng năm đói kém, kho đó gọi là kho nghĩa thương. Ở làng Phụng Sơn huyện Tuy Viễn (nay là Tuy Phước), năm Tự Đức thứ 13 (1860) các ông Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn Thế Lương và Trần Điển lập nghĩa thương cho làng.
Nguyễn Thế Hiển và Nguyễn Thế Lương là hai anh em ruột, con trai nhà nho nghèo Nguyễn Thế Tân ở làng Phụng Sơn, đều là bậc danh sĩ nổi tiếng trong vùng. Thấy dân làng thường đói khổ vào vụ giáp hạt và nhất là những năm hạn hán, lũ lụt, hai ông bàn với quan Án sát hưu trí Trần Điển, người cùng làng, quyên góp ruộng đất của các nhà giàu có, lập quỹ nghĩa thương. Đầu tiên quỹ giúp người nghèo và trẻ mồ côi, sau phát triển lớn, giúp người nghèo không những trong làng mà còn ở làng khác và đóng góp nhiều việc nghĩa trong huyện, trong phủ. Việc quyên góp nghĩa điền lập nghĩa thương của thôn Phụng Sơn là một hoạt động "xóa đói, giảm nghèo", chăm lo dân nghèo "áo lành, cơm đủ". Công nghiệp của các ông được ghi lại trong bài thơ "Tế dân ký" của ông Nguyễn Thế Lương, còn lưu truyền đến ngày nay.
Năm Tự Đức thứ 16 (1863), triều đình nghe tiếng ông Nguyễn Thế Hiển là bậc hiền tài nên chỉ thị ông ra Kinh để sát vấn được thọ hàm Hàn Lâm Viện Cung Phụng, sung chức tri phủ Thăng Bình (Quảng Nam). Ông làm quan được ba tháng thì cáo bệnh xin về chăm lo việc nghĩa thương làng Phụng Sơn cho đến lúc mất (1871). Tưởng nhớ công đức ông, dân làng Phụng Sơn chung công góp của xây một ngôi miếu gọi là nghĩa tự để thờ ông và dựng một tấm bia đá ghi công đức cao 1m, rộng 0,6m. Một mặt bia khắc bài ký của ông Tú Nhơn Ân Nguyễn Diêu ca ngợi hoạt động của nghĩa thương làng Phụng Sơn: "… Cái làng này từ năm Bính Dần trở lại đây dân tình đói kém, binh lính khổ sở chết chóc, thật khốn đốn. May nhờ trời mở ra vận tốt nên ông Tú tài Nguyễn Thế Hiển mới sinh ra hướng dẫn nhân dân tạo được công nghiệp như thế. Tiền lúa trong kho lẫm làng Phụng Sơn có thể giúp được nhiều việc…". Mặt bia còn lại khắc bài ký của quan tri phủ Tuy Phước Lê Trung Khoản: "… Các ông họ Nguyễn, họ Trần lúc đầu đặt ra lẫm lúa của làng chẳng qua có ý làm lợi ích cho thôn mình thôi, nhưng ý đó hôm nay lại phổ cập đến cả việc nước, đến cả các thôn làng khác… Nhân phẩm và công đức của các ông họ Nguyễn, họ Trần hiếm thấy trong triều Tự Đức… Tôi chỉ mong mỏi dân Phụng Sơn giữ gìn tốt cái công nghiệp đã thành tựu đó và tăng thêm lối làm của các ông để khuếch trương sự lợi ích đến vô cùng…". Hiện nay bia đá khắc 2 bài ký trên được họ Nguyễn - Phụng Sơn bảo quản.
Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đang lưu giữ một bảng gỗ sơn son dài 1m, rộng 0,5m khắc năm Khải Định thứ 1, ghi danh sách những người đóng góp tiền của, xây dựng nghĩa thương làng Phụng Sơn, do bà Nguyễn Thị Thế Ngân (cháu 3 đời cụ Nguyễn Thế Lương) giao.
Ngày nay, nghĩa tự đã sập đổ, nghĩa điền nghĩa thương cũng không còn, nhưng nghĩa cử của các ông họ Nguyễn, họ Trần làng Phụng Sơn mãi mãi được người đời sau nhắc đến.
. Nguyễn Thanh Quang |