Nằm ở phía Bắc đồi Long Bích giữa suối Bàn Khê và sông Quai Vạc thuộc địa phận thôn Vạn Thuận (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn), tháp Mẫm giờ chỉ còn là một gò đất um tùm xoài, mít với lởm chởm gạch vụn và đất sỏi.
Gò tháp Mẫm do ông Mắm cai quản, nên người dân Vạn Thuận gọi gò tháp Mẫm là gò ông Mắm. Vì thế có người lầm tưởng tên gọi tháp Mẫm là phiên âm từ tiếng Mắm, song thực tế thì không phải vậy.
Theo bà con thôn Vạn Thuận kể lại thì gò này từ lâu đã thuộc đất vườn của nhà họ Nguyễn, do ông Nguyễn Mai (đã chết) cai quản. Từ gò này, ông Nguyễn Mai khai thác củi, trồng cây trái thu hoa lợi để cúng giỗ từ đường họ Nguyễn - một dòng họ lớn ở thôn Vạn Thuận.
Ông Nguyễn Mai lấy bà vợ người Đập Đá làm nghề bán mắm dạo, nên người ta gọi là ông Mắm, bà Mắm, lâu dần thành quen. Khi bà Mắm mất, ông Mai lấy vợ lẽ là bà Huỳnh Thị Hạ (82 tuổi) hiện giờ có nhà ở ngay gò Tháp Mẫm.
Theo lời kể của thầy Thích Mật Hạnh, trụ trì chùa Tân An, lời kể của bà Huỳnh Thị Hạ (vợ ông Mắm) và nhiều cụ cao niên khác, thì gò Tháp Mẫm đã có từ trước chứ không liên quan gì đến tên ông Mắm. Các cụ kể, năm 1934 có một đoàn khảo cổ dùng xe, máy khai quật Gò Ông Mắm, lấy đi nhiều tượng đá và cổ vật quí hiếm. Sau đó, người dân tiếp tục đào lấy gạch về xây nhà, còn đá xanh thì cạy về làm hòn đá mài hoặc kê ang nước. Còn giới sưu tầm đồ cổ thì tiếp tục lén lút đào bới tìm tượng quí (theo các tài liệu để lại thì cuộc khai quật qui mô năm 1934 mà bà con thôn Vạn Thuận chứng kiến là do Hội nghiên cứu Đông Dương thực hiện).
Năm 2002, khi dùng xe cơ giới xúc đất ở gò Tháp Mẫm làm đường bê tông, người ta đã phát hiện được 2 tượng voi và sư tử ở hai hố khác nhau, mỗi tượng nặng gần hai tấn, hiện được trưng bày tại bảo tàng tổng hợp Bình Định.
Qua những gì mà các nhà khảo cổ phát hiện được, họ đã xếp tháp Mẫm thuộc niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII và là tháp đại diện cho khuynh hướng thẩm mỹ và phong cách tháp Bình Định, gọi là phong cách tháp Mẫm, song hành cùng phong cách tháp Po-na-ga Khánh Hòa.
Ngày nay, đường lên gò tháp Mẫm khá thuận lợi nhờ nó nằm gần quốc lộ 1A và có đường bê tông bằng phẳng rộng lớn. Cạnh gò tháp Mẫm còn có chùa Tân An do thầy Phước Huệ lập năm Tự Đức thứ 13. Đây là một trong nhiều chi phái của chùa Thập Tháp. Chùa xoay mặt hướng Đông, lưng gối đầu lên gò tháp Mẫm với đầy vẻ thâm nghiêm u tịch.
Đặc biệt, trong các xóm ven chùa, ven tháp Mẫm hiện còn một số nhà lá mái giữ đầy đủ phong cách nhà lá mái Bình Định, như nhà ông Nguyễn Cao Đệ, Nguyễn Hữu Nguyện, hoặc nhà ông Lưu, ông Đáng với nhiều đồ thờ cổ giá trị, phong phú và sân vườn, cây cảnh khá đẹp.
Nếu biết trùng tu, khai thác thì Chùa Thập Tháp, gò Tháp Mẫm, chùa Tân An, nhà lá mái… ở riêng thôn Vạn Thuận sẽ làm nên tuyến du ngoạn nhiều ý nghĩa cho khách thập phương.
. Mai Thìn
|