Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2004):
Hành trình từ Gia Hưng đến Điện Biên Phủ
17:29', 19/4/ 2004 (GMT+7)

Nghĩa trang A1 (ảnh: Báo Điện Biên Phủ)

Điện Biên Phủ xưa thuộc đất Gia Hưng - An Tây - Hưng Hóa. Theo sử cũ, thời Hùng Vương đất này thuộc bộ Tân Hưng. Nước ta đời Lý là đất đạo Lâm Tây và Châu Đằng. Đất Điện Biên khi đó mang tên là Mường Then (còn gọi là Mường Than). Đời nhà Trần đặt làm đạo Đà Giang, sau lại đặt làm trấn Thiên Hưng. Lúc này đất Điện Biên gọi là châu Ninh Viễn (có nghĩa là vùng đất yên ổn nơi xa). Thời nhà Lê, đất Điện Biên mang tên Ninh Biên (nghĩa là vùng đất yên ổn nơi biên thùy). Đến năm Minh Mạng thứ 12, đất Hưng Hóa chia tỉnh hạt, đổi làm tỉnh Hưng Hóa, đem huyện Tam Nông thuộc tỉnh Sơn Tây lệ vào tỉnh này và đặt 2 ti bố chánh, án sát.

Sử sách xưa cho biết, tên ban đầu của Điện Biên Phủ là Mường Then (có nơi đọc là Mường Than), sau đó đọc thành Mường Thanh. Theo tiếng của người Thái (một cộng đồng dân cư đông đúc và lâu đời ở Điện Biên Phủ), thì Mường Then có nghĩa là vùng đất thiêng liêng như cõi thiên đường (có nghĩa là Mường Trời). Cũng theo đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên Phủ và vùng Tây Bắc, thì Mường Then, Mường Thanh chính là nơi "phát tích" cội nguồn quê hương của họ. Tại vùng đất này xưa kia có khá nhiều địa danh gắn với chữ Mường. Chẳng hạn như: Mường Chan, Mường Khỏa, Mường Hoài, Mường Cương, Mường Kiên, Mường Bàng, Mường Hoài, Lự, Kim…

Đến thời Pháp thuộc, vùng Hưng Hóa đổi thành tỉnh Lao Cai, sau đó lại trích các hạt Bảo Hà, Nghĩa Lộ, Yên Bái của Lao Cai và châu Lục Yên tỉnh Tuyên Quang đặt làm tỉnh Yên Bái. Năm 1887, người Pháp lấy đất Hưng Hóa và Sơn Tây đặt thành tỉnh Hòa Bình, rồi lại lấy đất Hưng Hóa đặt thành tỉnh Sơn La; sau lại lấy một phần tỉnh Sơn La đặt tên thành Lai Châu. Cái tên Lai Châu hình thành mãi cho đến sau này. Nhưng, 3 chữ Điện Biên Phủ ra đời từ khi nào? Đó là năm Thiệu Trị nguyên niên (Tân Sửu - 1841).

Số là, sau khi lên ngôi, vua Thiệu Trị đã có chỉ dụ thay đổi địa danh hành chính ở một số địa phương, trong đó có vùng đất An Tây - Hưng Hóa. Theo đó, vốn là một ông vua hay chữ, giỏi thơ, vua Thiệu Trị đã cho đổi tên đất An Tây - Hưng Hóa thành Điện Biên Phủ. 3 chữ Điện Biên Phủ có ý nghĩa là huyện vững vàng nơi biên giới (ĐIỆN là vững vàng, BIÊN là biên giới, biên cương và PHỦ là cấp hành chính ngang với cấp huyện sau này). Sách Đại Nam Nhất Thống Chí (Quốc Sử quán triều Nguyễn, tập 4 - NXB Thuận Hóa) có chép rõ về việc này.

Ngày 4-11-2003, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XI đã nhất trí thông qua việc cho phép tỉnh Lai Châu được chia thành 2 tỉnh mới là Lai Châu và Điện Biên. Tỉnh Điện Biên gồm 8 đơn vị hành chính (gồm 6 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố tỉnh lỵ). Diện tích tự nhiên của Điện Biên là 9.562,22 km2, dân số 443.414 người. Đặc biệt, trước ngày kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thành phố Điện Biên đã được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, trở thành một trong những trung tâm chính trị, văn hóa của vùng Tây Bắc.

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn quyến rũ  (18/04/2004)
Tháp Mẫm   (16/04/2004)
Lễ hội tháng ba trên đất Tây Sơn   (16/04/2004)
Khi vua xin lỗi bề tôi   (08/04/2004)
Hoạt động "xóa đói giảm nghèo" của người xưa  (07/04/2004)
Vua Lý Thái Tông đi cày   (02/04/2004)
Những dịch vụ hậu cần cho nghề cá xưa kia ở Hoài Nhơn  (01/04/2004)
Về Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử   (26/03/2004)
Dấu tích đất kinh xưa  (25/03/2004)
Khám phá Bình Ðịnh  (23/03/2004)
Tục nhuộm răng ăn trầu của người Bình Định xưa  (22/03/2004)
Lễ cầu ngư ở Gò Bồi  (21/03/2004)
Thành Bình Định   (18/03/2004)
Nghề thợ mộc và chạm khảm ở Nhơn Thành   (17/03/2004)
Hát thứ lễ   (16/03/2004)