Tục thử dâu của người Ba na
10:23', 20/4/ 2004 (GMT+7)

Theo phong tục của người Ba na, khi các chàng trai, cô gái đến tuổi trưởng thành, họ được phép chọn người bạn đời cho mình. Và, sau một đôi lần hát đối, họ chọn ngày lành để kết duyên. Tuy cưới xong các chàng trai phải đi ở rể, nhưng khi dẫn vợ về thăm nhà, các nàng dâu vẫn bị mẹ chồng thử tài. Ví dụ, để xem con dâu có tính cẩn thận hay không, mẹ chồng bỏ trong cối một cây kim may hoặc một ít đất, cát rồi bảo nàng dâu xem xem trong cối có bụi bẩn hay vẫn sạch. Nếu cô dâu là người có tính cẩu thả thì sẽ đổ lúa vào cối giã cùng những thứ nói trên, đến khi sàng sảy mới hay là mình bị thử thì đã bị nhà chồng "chấm điểm" và "xếp loại". Có khi mẹ chồng trộn chung gạo với thóc rồi bảo nàng dâu nấu cơm. Cách thử này có ý xem con dâu có chịu khó nhặt số thóc lẫn trong gạo với thái độ ngoan hiền, vui vẻ, hay là cằn nhằn gì với con trai của mình.

Vì cuộc sống của người Ba na gắn liền với công việc ruộng nương, nên điều người ta cần nhất ở nàng dâu là sự cần cù, chịu thương, chịu khó. Ai không có đức tính trên, rất dễ bị người khác coi thường. Để thử điều này, bà mẹ chồng sẽ nói: "Sáng mai con lên rẫy cuốc cỏ nhé! Chỉ còn một khoảnh nhỏ, làm một chốc sẽ xong ngay ấy mà!". Nghe mẹ chồng bảo thế, các nàng dâu đều muốn chứng tỏ mình chẳng chịu thua kém ai trong việc đồng áng, rẫy nương, nên mới sáng sớm tinh mơ đã tắm sương gội gió tìm đến cái rẫy. Đến nơi rồi mới hay mình bị thử, vì cỏ không phải chỉ còn một khoảnh nhỏ như mẹ chồng nói, mà cả rẫy vẫn còn nguyên chưa ai cuốc bụi nào. Đây là cách thử của những bà mẹ chồng giàu sang, khó tính hoặc những mẹ chồng không ưng ý nàng dâu. Còn các bà mẹ chồng hiền hậu thì họ chỉ thử xem sự khéo tay, cách cư xử của con dâu mình đạt đến đâu…

Ví dụ, vừa thấy mặt con dâu, bà mẹ liền đon đả mời trầu, trải chiếu. Nàng dâu mà ngồi ở sàn nhà đưa hai tay đón lấy trầu từ tay mẹ chồng là nàng dâu ngoan; chứng tỏ trước khi lấy chồng, cô gái đã được hưởng một sự giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ. Ngược lại, khi được mời mà nàng dâu ngồi chiếu ngang hàng với cha mẹ chồng và chồng thì là nàng dâu ít được giáo dục. Tệ hơn, nếu nàng dâu dám chạm tay vào khăn trầu của mẹ chồng hoặc đón lấy trầu bằng một tay, thì mặc dù mẹ chồng không chê trách, nhưng người ngoài sẽ coi đó là nàng dâu kiêu ngạo.

Sau việc mời trầu, các bà mẹ chồng thường làm ra vẻ lúng túng, khó xử vì đang mắc công việc. Bà liền trách con trai: "Sao con đưa vợ về thăm mà không cho mẹ biết trước? Hiện giờ mẹ đang dệt dở chiếc chăn vậy vợ chồng con cứ ngồi nghỉ, còn mẹ sẽ tiếp tục công việc". Bà mẹ nói rồi quay sang mở khung cửi chuẩn bị ngồi dệt. Nàng dâu tinh ý sẽ đến xin mẹ chồng nhường chỗ. Đây cũng là cơ hội để họ trổ tài thêu dệt cho nhà chồng biết.

Sau đợt thử thách, một số nàng dâu cảm thấy rất hãnh diện, mà dòng họ nhà chồng cũng tự hào không kém. Trái lại, có nàng dâu không vượt qua được thử thách, đã phải rơi lệ trước mọi sự chê bai… Nếu ở dưới xuôi, người Kinh chọn dâu cần bốn đức tính: công, dung, ngôn, hạnh thì ở miền ngược, người Ba na cũng đòi hỏi như vậy.

Ngày nay, ở vùng đồng bào Ba na, tục mẹ chồng thử nàng dâu chỉ tồn tại ở một số bản làng thuộc vùng sâu, vùng xa.

. Lang Ngọc Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hành trình từ Gia Hưng đến Điện Biên Phủ   (19/04/2004)
Quy Nhơn quyến rũ  (18/04/2004)
Tháp Mẫm   (16/04/2004)
Lễ hội tháng ba trên đất Tây Sơn   (16/04/2004)
Khi vua xin lỗi bề tôi   (08/04/2004)
Hoạt động "xóa đói giảm nghèo" của người xưa  (07/04/2004)
Vua Lý Thái Tông đi cày   (02/04/2004)
Những dịch vụ hậu cần cho nghề cá xưa kia ở Hoài Nhơn  (01/04/2004)
Về Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử   (26/03/2004)
Dấu tích đất kinh xưa  (25/03/2004)
Khám phá Bình Ðịnh  (23/03/2004)
Tục nhuộm răng ăn trầu của người Bình Định xưa  (22/03/2004)
Lễ cầu ngư ở Gò Bồi  (21/03/2004)
Thành Bình Định   (18/03/2004)
Nghề thợ mộc và chạm khảm ở Nhơn Thành   (17/03/2004)