Lưới chuồn là một loại lưới đánh khơi để bắt cá chuồn, là một loại nghề chính của ngư dân Bình Định xưa. Lưới chuồn dạu (bề cao) thấp, nhưng lưới rất dài, đánh nổi trên mặt biển, là vì giống cá chuồn ở nổi và thường sống theo các mé nước hoặc những đám tảo trôi trên mặt biển. Có lẽ ông cha ta ngày trước đặt tên như vậy là vì có lúc cao hứng hay khi có động tĩnh gì đó nó rộ cất cánh bay lên là là khỏi mặt nước lối vài ba chục mét rồi chúc xuống trông như con chuồn chuồn.
Đặc thù của cá chuồn là sống trên mặt nước biển ở ngoài khơi, ngang hoặc khơi hơn vùng nước câu to. Cho nên lưới không làm cao (dạu rộng) nhưng rất dài. Lưới cá chuồn có cấu tạo như sau: Lưới thân, lưới kê chưn, viềng lưới, phao, ghim (đày).
Lưới thân được đan bằng sợi gai, chắp dài và đánh săn thành dây nhợ, nhợ đó đem đan lưới theo chiều xuôi, bề ngang cỡ 24-26 mặt lưới (lỗ lưới), mỗi mặt rộng vừa mút hai đầu ngón tay trỏ và giữa (từ năm 1955 về sau, ngư dân dùng sợi vải cô tông và gần đây dùng sợi cước). Cứ theo chiều xuôi, lưới đã được rạt ngang và cột phao dài khoảng 50 sải tay thì gọi là một "đé", theo chiều đứng cỡ 2/3 sải. Đầu trên luồn một sợi dây viềng vào trong mặt lưới và một sợi viềng ngoài để cột những cái phao đều nhau. Đầu dưới người ta kê thêm một thớt lưới cũ to sợi hơn, cao khoảng hơn 2 gang tay gọi là lưới chưn. Lưới kê chưn là loại lưới cũ hơn nhưng hơi thưa và lớn nhợ hơn một ít để thay cho chì và giúp lưới thân giằng xuống rảnh rang để cá đến đóng. Chiều cao của lưới chưn khoảng 2 gang tay mà thôi. Viềng lưới là một sợi dây nhợ lớn hơn nhợ lưới trên mười lần, cỡ 1ly đường kính, được đánh săn và nhuộm cứng, dùng làm xương sống và chuẩn mực cho lưới. Phao lưới được người ta làm từ cây sặc lấy ở trên rừng về, cỡ cây có đường kính 12 ly và được cắt thành từng khúc khoảng 12 phân. Để có một cái phao, người ta gọt mỏng bớt phần vỏ ở 2 đầu và thắt túm nhỏ lại, để khi cột vào lưới cho khỏi rớt và nước cũng không thấm vào 2 đầu làm kém độ nổi của phao và tránh không làm hỏng phao. Để tránh các nhược điểm trên, người ta còn cho sơn hoặc nhuộm kỹ 2 đầu phao. Đày lưới là một miếng gỗ mít cỡ 10 x 6 cm, có khoan 2 lỗ, một lỗ để tra ghim lưới, đầu ghim kia vót nhọn để xâu lưới vào. Khi tra lưới xong, người ta lấy hai đầu ghim nhọn xỏ vào hai lỗ của hai đày ngược chiều nhau lại vặn cứng để cho tấm lưới khỏi xổ. Mỗi một tấm lưới có 2 đầu cột 2 đày, khi đánh thì xổ ra và khi kéo lên thì được xâu vào đày, rồi đóng hai đày lại.
Khi đi đánh lưới cá chuồn, vào chiều hôm trước, ngư dân đã sắm trong ghe đầy đủ gạo, nước, củi lửa, đồ ăn. Tối đến là bắt đầu ghe mở biển ra khơi chạy bằng buồm suốt đêm cho đến rạng đông, mọi người đều chuẩn bị đánh lưới. Trời hừng sáng, khi đã thấy một vài chú cá chuồn bay là biết chỗ đó có cá. Lưới được đem từ dưới khoang lên, được giáp lai (cột dính tấm này với tấm khác) và bắt đầu bủa lưới. Thường là bủa xuôi theo chiều gió và giữ theo hướng Nam - Bắc. Người ta cột một cây dọi lớn ở tấm đầu, rồi sau đó cứ cách 3 tấm có một dọi nhỏ, cho đến khi hết lưới.
Công việc vừa xong mọi người tập trung để lo bữa cơm. Người cầm lái quay ghe chạy trở lại đầu lưới đánh lúc đầu (gọi là trở đỏi). Cơm nước và nghỉ ngơi độ vài tiếng là trở vào kéo lưới. Vì là lưới ăn riêng của từng người nên lưới và cá được chất riêng theo chỗ của người ấy trên ghe. Lưới được kéo lên xong là giong buồm lên để đem tin vui vào bờ. Lúc nầy thì phần ai lo nấy, nào gỡ cá, lượm lưới, xâu lưới và tranh thủ sớm hơn có thể nghỉ lưng một lát.
Thuyền đã vào bờ cập bến, một hồi tù và được thổi lên báo cho người nhà ra để cùng nhau xổ lưới, phơi lưới và bán cá. Như vậy, nhờ gió thuận, một chuyến biển khởi hành tối hôm qua và đến chiều hôm nay là cập bến, khoang đầy ắp cá. Nhờ vậy mới bù đắp lại nhiều tháng ngày gian khổ cho cả gia đình.
Để có được phần lưới chuồn làm kế sinh nhai thì cả nhà tập trung vào việc làm lưới. Đàn bà thì lo chắp gai, đàn ông thì đánh nhợ, mấy đứa nhỏ đều phải xúm nhau đan lưới cả ngày lẫn đêm, nên việc học hành của đám trẻ ít được quan tâm. Còn khi đã đi làm, nhưng gặp lúc biển nhiều gió và láng mé, nên lưới lăn tròn như sợi dây (gọi là lưới xe) thì cả nhà cũng phải lăn ra xở, có lúc quên cả ăn. Còn một cảnh khổ nữa là hằng tháng, đến kỳ sắn lưới (tức nhuộm lưới). Lưới chuồn không cần nhuộm cho đậm đen mà phải nhuộm cho cứng. Ngư dân phải dùng huyết bò khô, rồi đem xôi. Nghĩa là nhận lưới vào một cái bồ trét kín, đậy kín lại, rồi bắc lên trên một chảo nước, nấu cho nước sôi, hơi nước làm chín lưới và huyết nhuộm ngã màu xanh đen mới được lấy ra. Chỉ hấp hơi mà không cho nước ngập lưới. Đó là những gì mà ông cha ta ngày trước đã chịu thương, chịu khó trong công việc và đáp lại nghề lưới chuồn đã đưa ngư dân Hoài Nhơn nói riêng và ngư dân Bình Định nói chung có được cuộc sống ấm no, khá giả, tươi vui như hôm nay.
Cũng cần nói thêm rằng cá chuồn là loại cá sinh sống sát mặt biển, ở khơi nhiều hơn ở lộng, chúng không sợ lưới mà tránh lưới như các loại cá khác. Người ta đánh bắt cá chuồn vào ban ngày, nhất là lúc mặt trời vừa sắp mọc. Mặt trời lên cao, càng thấy lưới, cá càng mừng, càng nhào vô đóng và đẻ. Khoảng tháng 3-4 âm lịch là lúc cá đẻ nên ngư dân coi đây là tháng mùa bội thu. Như đã trình bày ở trên, lưới chuồn dạu thấp chỉ không đầy một sải nhưng lưới rất dài. Mỗi tấm lưới gồm 3 đé khoảng 100 sải, mỗi một người đi trong ghe có từ 5-6 tấm và mỗi ghe có từ 7 đến 9 người. Cá chuồn bị đánh thường cùng một lứa cỡ bằng cán rựa, thỉnh thoảng lại có năm mười chú chuồn lớn bằng cườm tay, người ta gọi là chuồn cồ. Có điều lạ là, cá chuồn nhỏ, coi như cá mái thì dĩ nhiên có trứng, còn cá chuồn lớn gọi là chuồn cồ mà bụng vẫn mang 2 thỏi … trứng ứ nự. Chuyện đó xin nhường lại cho các nhà hải dương học trả lời.
. Trần Xuân Liếng |