Thăm cứ địa Tây Sơn
17:43', 7/5/ 2004 (GMT+7)

Mùa xuân năm 1771 Nguyễn Nhạc cùng hai em Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và các dũng tướng thân thuộc, ở ấp Tây Sơn, dấy binh khởi nghĩa chống ách cai trị tàn bạo, thối nát của chúa Nguyễn. Từ đấy, cứ địa Tây Sơn đã đi vào lịch sử dân tộc ta, nêu cao tấm gương bất khuất, quật cường.

Hơn 100 năm sau (1885) triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng giặc Pháp, anh hùng Mai Xuân Thưởng cũng từ đất này khởi binh Cần Vương đánh Pháp. Phong trào Cần Vương do ông lãnh đạo đã phát triển rộng khắp các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, năm 1945, phong trào Việt Minh ở Tây Sơn phát triển mạnh mẽ nhất tỉnh Bình Định. Ngày 21 tháng 8 năm 1945, tự vệ đỏ Phú Phong cùng nhân dân các xã ở huyện Bình Khê (Tây Sơn) do đồng chí Võ Xán và các chiến sĩ Việt Minh huyện lãnh đạo, kéo về Quy Nhơn, phối hợp với nhân dân thị xã lật đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật, thiết lập chính quyền cách mạng tỉnh Bình Định. Mùa xuân năm 1959, nhân dân 12 làng vùng Tà Lóc, Tà Lét ở phía Tây huyện Bình Khê (Tây Sơn) khởi nghĩa chống chính quyền Ngô Đình Diệm, mở đầu cho một giai đoạn mới, đấu tranh võ trang giải phóng miền Nam nước ta khỏi ách nô dịch của đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai. Năm 1909 Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, được triều đình Huế bổ nhậm làm tri huyện Bình Khê. Trước khi rời Tổ quốc tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã đến đây thăm cha. Trong thời gian trị nhậm, ông Sắc đã thẳng tay trừng trị bọn cường hào ác bá, bảo vệ người dân nghèo, phóng thích những người dân bị cầm tù vì tội chống sưu thế… Triều đình Huế đã hạch tội, bãi chức tri huyện của ông.

Cũng như nhiều địa danh nổi tiếng khác của cả nước, Tây Sơn là đất "địa linh nhân kiệt", giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Cùng với bề dày truyền thống ấy, Tây Sơn còn là nơi có nhiều thắng cảnh hấp dẫn vào loại nhất nhì của tỉnh Bình Định. Đất Tây Sơn được phân thành Tây Sơn thượng đạo và hạ đạo. Qua khỏi thị trấn Phú Phong, huyện lỵ Tây Sơn, khoảng hơn 10 cây số, vượt đèo An Khê hiểm trở, một bình địa sơn nguyên rộng hàng nghìn héc-ta trải rộng trước tầm mắt ta, đó là xứ Tây Sơn thượng đạo. Nguyễn Nhạc, sinh trưởng ở làng Kiên Mỹ - Tây Sơn hạ đạo. Tây Sơn hạ đạo là vùng đất nằm hai bên bờ sông Côn, một trong hai con sông lớn nhất Bình Định. Sông Côn phát nguyên từng vùng giáp ranh ba tỉnh Bình Định - Quảng Ngãi - Kon Tum và đổ ra đầm Thị Nại, Quy Nhơn. Khoảng trung độ sông Côn, phía tả ngạn là thị trấn Phú Phong; đối diện với Phú Phong, bên hữu ngạn là làng Kiên Mỹ - nơi sinh của tam Kiệt Tây Sơn và anh hùng Mai Xuân Thưởng. Vùng Kiên Mỹ đồng hẹp, nhiều núi thấp, bà con địa phương gọi là hòn. Nhiều hòn núi có hình dáng đẹp, cảnh trí kỳ thú. Ví như: hòn Vỏ Cá (cao gần 800m) dưới chân nở rộng như một cái mâm thau lớn, giữa chừng thon lại, khi đến gần đỉnh thì vụt đứng sững lên như đống rơm vun ngọn. Phía nam hòn Vỏ Cá là Da Két, thấp hơn hòn Vỏ Cá nhưng dáng đường bệ, từ lưng núi lên đến đỉnh không có cây to, tranh săng mọc dày. Khi ánh mặt trời ban mai, chiều vãn chiếu vào bề mặt đám tranh săng đang rập rình theo chiều gió, tạo thành những màu sắc trông tựa màu lông con két (con vẹt). Địa phận làng Kiên Mỹ có hòn Trưng Sơn, gọi nôm na là hòn Sung hay hòn Sưng. Đứng xa ngắm hòn Trưng Sơn giống con bò đực mập mạp, sung sức, lúc nào cũng như sẵn sàng xung trận chiến đấu. Lưng núi nổi lên từng vồng, từng ụ như bị đánh sưng. Trên đỉnh núi có 2 tảng đá lớn vuông vức, chồng lên nhau. Tục truyền đó là mộ Mẹ của Chàng Lía - một thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa đầu thế kỷ thứ 18 ở Quảng Ngãi - Bình Định. Mạn Phú Phong, đồng đất rộng rãi, khoáng đạt hơn. Vùng này tập trung nhiều thắng tích của đất Tây Sơn hạ.

Dưới chân đèo An Khê, chạy dọc hai bên quốc lộ 19, xuôi về Phú Phong là một cánh rừng xoài bát ngát. Vào đầu xuân hàng năm, hoa xoài nở rộ, cả một vùng rộng lớn, đượm một màu vàng nhạt lung linh dính liền với sắc trời xanh thẳm, tỏa mùi hương ngào ngạt, đắm đuối. Chếch về phía đông đèo An Khê, trong sơn hệ Tây Sơn có 2 ngọn núi cao gần 1.000m, đó là núi ông Bình, ông Nhạc. Núi ông Bình, tên gọi của Nguyễn Huệ thuở nhỏ, trông rất kỳ vĩ và hiểm hóc. Đặc biệt, trong lòng núi ông Bình còn có một hang đá lớn, trước cửa hang cây che, đá dựng như một cánh cửa tự nhiên rất kín đáo. Lòng hang rộng, dài hun hút, càng vào sâu càng rộng, nhiều ngóc ngách. Trần và tường hang nhũ đá tạo thành những hình thù kỳ quái. Một khe nước trong leo lẻo chạy dọc theo lòng hang. Quanh năm ánh nắng mặt trời không thể luồn được vào hang nên dân địa phương gọi là "Hang tối trời". Từ núi ông Bình xiên về đồng cỏ núi ông Nhạc, sau khi Tây Sơn thất thủ, dân gọi chệch là núi ông Nhược. Núi ông Nhạc cao và rậm không kém núi ông Bình, khí thế rất hùng hiểm. Núi ông Bình, ông Nhạc là đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn và Mai Xuân Thưởng.

Ngoài những thắng tích trên, vùng này còn nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử khác, như: hòn Phù Phép, hòn Nguyệt, hòn Hóc Yến, Hầm Hô, vực Trầm Hương, Miếu Xà, lăng Mai Xuân Thưởng, từ đường họ Bùi và đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân...

Ngày xuân về thăm căn cứ địa Tây Sơn, tâm hồn chúng ta sảng khoái không chỉ vì sắc cảnh đất trời nên thơ mà còn vì truyền thống anh hùng nghĩa hiệp của lớp lớp con người nơi đây.

. Theo QĐND cuối tuần

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề đánh lưới chuồn xưa của ngư dân Bình Định  (02/05/2004)
Sông núi An Nhơn   (26/04/2004)
Chùa Bà - Nước Mặn   (23/04/2004)
Tục thử dâu của người Ba na   (20/04/2004)
Hành trình từ Gia Hưng đến Điện Biên Phủ   (19/04/2004)
Quy Nhơn quyến rũ  (18/04/2004)
Tháp Mẫm   (16/04/2004)
Lễ hội tháng ba trên đất Tây Sơn   (16/04/2004)
Khi vua xin lỗi bề tôi   (08/04/2004)
Hoạt động "xóa đói giảm nghèo" của người xưa  (07/04/2004)
Vua Lý Thái Tông đi cày   (02/04/2004)
Những dịch vụ hậu cần cho nghề cá xưa kia ở Hoài Nhơn  (01/04/2004)
Về Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử   (26/03/2004)
Dấu tích đất kinh xưa  (25/03/2004)
Khám phá Bình Ðịnh  (23/03/2004)