Bí ẩn 14 tháp cổ trên đất Bình Định
16:52', 10/5/ 2004 (GMT+7)

Nằm ngay cửa ngõ thành phố Quy Nhơn là hai ngọn tháp đứng sừng sững kề nhau, dân gian gọi là tháp Đôi. Theo các tư liệu xưa còn ghi chép được, tháp Đôi là tháp Hưng Thạnh. Ngày 10-7-1980, tháp Đôi được trùng tu và được các nhà nghiên cứu xếp vào loại di sản độc đáo của nghệ thuật kiến trúc Chăm bởi tháp Đôi không giống bất kỳ một ngôi tháp cổ nào hiện có. Các nhà khoa học đến nay vẫn chưa tìm ra lý do khác thường này.

Tháp Đôi

Tháp Đôi được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 12. Ở ngọn tháp lớn, có khắc nhiều bức phù điêu hình khỉ Hanuman trong tư thế nhảy múa. Còn tháp nhỏ lại có nhiều phù điêu hình thú vật như hươu, nai; phía trong vòm khám thờ có hình người ngồi thiền, đứng chầu hai bên là các sư tử đầu voi. Các góc tháp đều được trang trí hình chim thần Garuda bằng đá.

Ngược lại, vùng "Tây Sơn hạ đạo" có cụm tháp Dương Long. Người Pháp gọi đây là "tháp Ngà", còn dân địa phương gọi là tháp An Chánh. Tháp Dương Long có ba tòa tháp cổ với chiều cao 29-36m. Hệ thống cửa của cụm tháp này phần lớn đã bị sụp đổ. Các đề tài chạm khắc trên tháp Dương Long cũng có các hình thú như voi, sư tử đang đùa giỡn, phía bên trong tòa tháp cũng là những tu sĩ đang ngồi thiền. Hầu hết tòa tháp có cấu trúc nhỏ dần về phía đỉnh và kết thúc bằng một đóa sen đang nở. Những bức chạm khắc của tháp Dương Long rất tinh tế về nghệ thuật và kỹ xảo. Vòm cửa có hình quái vật Kala khạc ra rắn bảy đầu, bộ diềm mái được nghệ nhân khắc nhiều hoa văn với cảnh trí rất phong phú, đa dạng. Có thể nói, tháp Dương Long có giá trị nghệ thuật nhất trong số các kiến trúc Chăm thời kỳ này. Nhiều nhà nghiên cứu hiện xác định niên đại của tháp là vào khoảng nửa sau thế kỷ 12. Đây là cụm di tích thứ hai được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng cùng lúc với tháp Đôi.

Sau hai cụm tháp Đôi và tháp Dương Long là tháp Cánh Tiên và tháp Bánh Ít. Tháp Cánh Tiên được xây dựng ngay ở trung tâm thành Đồ Bàn (nay thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn). Có thể nói đây là một trong những kiến trúc còn khá nguyên vẹn. Theo tài liệu của Pháp, tháp Cánh Tiên còn được gọi là tháp Đồng, nhưng vì sao có tên gọi này thì vẫn chưa có ai xác định được nguồn gốc. Tháp cao khoảng 20m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời xanh. Khác với các tháp Chăm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng chất liệu sa thạch, xung quanh có nhiều phù điêu chạm khắc. Không giống như Cánh Tiên, tháp Bánh Ít có đến bốn tòa tháp lớn nhỏ khác nhau nằm trên một đỉnh đồi thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km. Đứng xa cụm tháp này trông như những chiếc bánh ít lá gai thường thấy trong các dịp cúng lễ, giỗ chạp ở miền Trung. Người Pháp gọi đây là tháp Bạc. Bốn ngôi cổ tháp đều có các tượng thờ, hình vũ nữ đang múa, hình voi, hình các vị thần linh.

Cũng tại Bình Định còn có tháp Bình Lâm nằm ở xã Phước Hòa (Tuy Phước). Người dân ở đây kể rằng thôn Bình Lâm là vùng đất phì nhiêu có những cư dân người Việt lần đầu tiên đến khai phá mở mang. Trong hệ thống tháp Chăm Bình Định, tháp Bình Lâm là nhóm tháp cổ có niên đại sớm nhất.

Một cụm di tích khác có tên là tháp Thủ Thiện ở xã Bình Nghi (Tây Sơn) - quê hương của những lò gạch ngói thủ công nổi tiếng nằm trên quốc lộ 19. Năm 1995, ngọn tháp này cũng được xếp hạng di tích quốc gia, nhưng hiện đang bị đổ nát nghiêm trọng. Nhiều di tích, cấu trúc của ngọn tháp đã bị thời gian và con người phá hủy.

Cùng được xếp hạng với tháp Thủ Thiện là tháp Phú Lốc mà người Pháp đặt tên là tháp Vàng, nằm giáp giới giữa 2 huyện An Nhơn và Tuy Phước. Cao 29m, Phú Lốc nằm trên đỉnh một ngọn đồi cao 76m so với mực nước biển. Dù đã bị đổ nát khá nhiều nhưng nhìn tổng quát, ngọn tháp vẫn có dáng bề thế, uy nghi của một công trình kiến trúc cổ.

Ngoài bảy cụm tháp ở Bình Định đã được Nhà nước xếp hạng, hiện nay vẫn còn một số di tích tháp cổ khác, trong đó có tháp Hòn Chuông ở huyện Phù Cát hiện chỉ còn chân đế, hoặc đã bị sụp đổ, do người dân đào bới tìm vàng.

Có thể nói rằng tám cụm tháp với tổng số 14 tòa tháp cổ còn lại được xem như một loại tài sản vô giá mà lịch sử đã ban tặng cho Bình Định. Những bí ẩn về tháp Chăm mặc dù đã được nghiên cứu tìm hiểu từ cả chục năm nay nhưng vẫn chỉ là những nghiên cứu bên ngoài. Nhiều bí ẩn kỳ lạ, nhiều huyền thoại lý thú vẫn đang chờ được hé mở.

. Theo suutap.com

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thăm cứ địa Tây Sơn   (07/05/2004)
Nghề đánh lưới chuồn xưa của ngư dân Bình Định  (02/05/2004)
Sông núi An Nhơn   (26/04/2004)
Chùa Bà - Nước Mặn   (23/04/2004)
Tục thử dâu của người Ba na   (20/04/2004)
Hành trình từ Gia Hưng đến Điện Biên Phủ   (19/04/2004)
Quy Nhơn quyến rũ  (18/04/2004)
Tháp Mẫm   (16/04/2004)
Lễ hội tháng ba trên đất Tây Sơn   (16/04/2004)
Khi vua xin lỗi bề tôi   (08/04/2004)
Hoạt động "xóa đói giảm nghèo" của người xưa  (07/04/2004)
Vua Lý Thái Tông đi cày   (02/04/2004)
Những dịch vụ hậu cần cho nghề cá xưa kia ở Hoài Nhơn  (01/04/2004)
Về Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử   (26/03/2004)
Dấu tích đất kinh xưa  (25/03/2004)