Nghề câu cá hố của ngư dân Bình Định xưa
11:23', 11/5/ 2004 (GMT+7)

Câu cá hố thuộc loại câu khơi. Vào khoảng tháng 5, 6 và 7 âm lịch, cá hố thường sống ở độ nước sâu từ 45- 60 sải tay. Nghề câu cá hố rất gọn nhẹ và chỉ câu tay (tức cầm trên tay để câu), chứ không bủa cả vàn dài dưới nước như các loại câu khác. Vì là nghề câu cầm tay nên trước đây, trong phần nghề thì phần ai nấy câu và ăn chia riêng, do đó ngư dân nào có tay nghề cao sẽ có thu nhập cao.

Mỗi người trên ghe đều sắm riêng một bộ dụng cụ để câu cá hố được đựng trong một cái rổ hay giỏ, gồm: Ống câu: từ 5 đến 10 ống; hòn đản: từ 20 đến 30 hòn; đòn gánh: từ 5 đến 7 cái; nhiều lưỡi câu và chưn mí.

Vá lưới (ảnh: Cát Hùng)

Về ống câu thì ngày trước ông cha ta lấy thân cây tre lòng ngà cắt ra từng đoạn từ 10 đến 12 phân và cũng tùy thân tre lớn nhỏ để làm ống. Mỗi ống được cuộn từ 50 đến 70 sải dây, đường kính dây nhợ khoảng 1 ly để làm sợi câu (ngày nay dùng bằng sợi cước). Hòn đản là một hòn sắt nặng nhiều cỡ: 1 lạng, 1 lạng rưỡi, 2 lạng, dài 7-8 phân có làm đai bằng dây nhợ xuyên qua lỗ, để cột vào và lấy ra khi câu hoặc khi có nước. Vì không có chì nên người xưa phải dùng hòn sắt, lấy từ những cây bù lon phế liệu của đường ray xe lửa, hoặc đến các lò rèn thì tốt hơn. Đòn gánh trong nghề câu là một sợi mây rừng, cỡ bằng chiếc đũa dài khoảng 3 gang tay, vuốt nhỏ hai đầu để thắt nhợ cho khỏi tuột, dùng để cột các hòn đản vào đó. Khi nới câu, người ta uốn thẳng đòn gánh để phần thẻo, lưỡi và mồi khỏi dính rối vào dây triên. Chưn mí câu là một sợi dây đồng thau được luộc mềm, cỡ bằng sợi dây rề của đàn ghi ta; léo đôi, một đầu tròng vào thẻo, một đầu vắt vào lưỡi câu. Lưỡi câu là một sợi dây đồng thau lớn cứng, đường kính cỡ 3 hoặc dưới 3 ly. Đầu lưỡi nhọn, sau đó chừng một phân (cm) được đục 1 cái ngạnh để khi cá ăn thì không thể đứt. Lưỡi được uốn một vòng rộng gần 3 cm và phần chuôi dài khoảng 6 cm (thường gọi là đốc lưỡi). Đầu đốc được chuốt nhỏ và uốn thành khoen nhỏ để xỏ dây chưn câu (như đã nói ở trên).

Cách thao tác trong nghề câu hố của ngư dân ta ngày xưa như sau: Ngư dân cho ghe được chạy bằng buồm ra khơi và xem chừng vùng nào có cá hố, tùy theo cá ở khơi hay lộng và độ gió, mà người lái ghe cho chạy sớm hoặc sớm hơn trong ngày để chiều đến, mặt trời gần lặn thì có thể  neo ghe lại và vừa tối là đã đốt đèn chuẩn bị cho việc câu. Ngày ấy không có đèn điện, phải dùng đuốc bó bằng chai (cặn dầu rái) bọc áo tơi của cây dừa và đốt cháy. Rất khó khăn khi trời có mưa gió dông lớn (từ năm 1955 trở đi, người ta mới dùng đèn đá cạc bia hay đèn măng xông). Khi ghe đã ăn neo, coi như đã định vị, thì bắt đầu đốt đuốc. Mọi người trong ghe được phân chia sẵn chỗ ngồi và bắt đầu lạng mồi, nới câu, ít nhất là mỗi người 2 ống, cũng có thể nới từ 3 đến  4 ống, tùy theo chỗ ngồi và nước gió thuận. Dây câu hố được cột hòn đản ở đòn gánh và nới xuống tận đất, rồi mơn lên (tức kéo lên) độ vài sải để cho miếng mồi vừa cách đáy đáy biển là đủ. Nếu thấy câu quá xoãi (tức độ xiên quá nhiều) thì phải kéo lên cột thêm đản vào. Ngồi chờ nghe cá ăn câu, giật mạnh cho lưỡi câu bám chắc và kéo lên một mạch không được ngừng để cá không chạy bậy quấn phải câu khác. Khi cá được kéo lên đến ghe, người cầm câu phải tóm gọn cổ cá rồi bẻ ngược ra phía lưng đến khi nghe xương sống cá kêu cái "rốp" là lúc cá chết ngay, mọi tác hại của cá không còn nữa. Càng về khuya cá càng ăn nổi hơn. Và để thăm dò, người ta dùng đàng câu khác có gắn 2 sải câu, một thẻo lưỡi. Khi đã đến hồi canh cá ăn câu, ai lanh tay lẹ mắt và không bị rối câu, thì hiệu quả đánh bắt càng cao. Biết được canh cá ăn, biết được cá ăn ở độ sâu nông, lanh tay và giữ không cho rối câu là mẹo thuật nhà nghề được bảo mật của người làm biển ngày trước.

Trước đây, sở dĩ ngư dân dùng các bù lon sắt cũ để làm đản và dự trữ nhiều đản trong khi đi câu là vì cá hố có bộ răng rất bén nhọn, bén như dao lam và cũng thường cắn bậy, hễ gặp cái gì ngay miệng nó là coi như xong đời. Vả lại thời ấy chưa có hay còn hiếm hòn chì. Tóm lại khi đi câu hố, ngư dân chuẩn bị rất nhiều dụng cụ hành nghề. Ngày nay thì đã có đèn điện, sợi cước và hòn chì được đúc sẵn để thay thế. Và câu hố cũng được cột liên tiếp thành vàn và bủa ganh gần mặt nước, khi mặt trời vừa lên (nghĩa là được đánh cả ban ngày).

. Trần Xuân Liếng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bí ẩn 14 tháp cổ trên đất Bình Định   (10/05/2004)
Thăm cứ địa Tây Sơn   (07/05/2004)
Nghề đánh lưới chuồn xưa của ngư dân Bình Định  (02/05/2004)
Sông núi An Nhơn   (26/04/2004)
Chùa Bà - Nước Mặn   (23/04/2004)
Tục thử dâu của người Ba na   (20/04/2004)
Hành trình từ Gia Hưng đến Điện Biên Phủ   (19/04/2004)
Quy Nhơn quyến rũ  (18/04/2004)
Tháp Mẫm   (16/04/2004)
Lễ hội tháng ba trên đất Tây Sơn   (16/04/2004)
Khi vua xin lỗi bề tôi   (08/04/2004)
Hoạt động "xóa đói giảm nghèo" của người xưa  (07/04/2004)
Vua Lý Thái Tông đi cày   (02/04/2004)
Những dịch vụ hậu cần cho nghề cá xưa kia ở Hoài Nhơn  (01/04/2004)
Về Quy Nhơn thăm Hàn Mặc Tử   (26/03/2004)