Phương tiện đánh bắt cá ngày xưa của ngư dân vùng biển Bình Định thường có hai loại: ghe chèo và ghe buồm.
Về ghe chèo thì ngày xưa gồm có 2 loại: ghe be và ghe vành.
Ghe be là loại ghe hai đầu có hai sỏ tròn cong trên lớn dưới nhỏ làm bằng các loại gỗ thịt rối, nắng không nứt, tốt nhất là loại gỗ mù u. Hai bên vành hông là hai miếng ván be dài, dày gần 3 phân, rộng chừng một gang rưỡi tay, được uốn cong theo khổ ghe, hai đầu được đóng chặt vào hai sỏ (lớn là sỏ lai, nhỏ là sỏ mũi). Phần hông và dưới lườn người ta lận vào một tấm mê đan bằng nan cật tre gọi là mê ghe, đồng thời ghép dính vào đôi vành ván be bằng chốt tre gốc già gọi là đường triên. Mê ghe được trét lần đầu cho kín kẽ bằng phân bò tươi hoặc cám gạo được khấy chín, rồi sau đó mới trét dầu rái. Để tạo bộ sườn cứng bên trong, người ta dùng nhiều con lươn dài theo ghe bằng tre đẹt và có đà ngang để nống phần mê cho thật cứng thẳng thì ghe chèo và lướt sóng mới nhẹ nhàng. Bên trong chia làm nhiều khoang, cho phù hợp với nghề làm, trên mặt khoang thường lát ván hoặc lợp sạp tre để đi đứng trong khi thao tác và nằm ngồi trong khi nghỉ ngơi. Mỗi khoang có một bộ chèo có cọc chèo để đưa ghe lướt tới theo nhịp của người đứng cầm chèo phách (chèo trước mũi ghe). Còn việc đưa ghe đi theo hướng nào là do chèo lái sử dụng. Chỉ có chèo lái mới nằm dọc theo chiều dài của ghe nên người ta gọi là chèo dọc. Tất cả chèo khác nằm ngang ghe và chỉ làm cho ghe lướt tới hay lùi lại mà thôi. Người cầm chèo dọc thường là người chỉ huy tổng quát. Ghe be nặng nề hơn ghe vành nhưng chắc chắn, có tuổi thọ cao.
|
Thuyền cá cập bờ (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Ghe vành được người ta dùng nan cật của cây tre để đan. Mê ghe vành được đan bằng phẳng như mê nong, có kích thước và hình dáng của ghe, xong người ta mới đào cát theo hình dáng của ghe mà người ta đã dự tính, bỏ tấm mê xuống hầm và nhiều người leo vào trong, dùng kể cả chày vồ, để lận thành chiếc ghe. Để tạo cho ghe cứng cáp, người ta dùng một cặp đồng hào thay cho be ván. Đồng hào là cây rừng dài thẳng có đường kính từ hai phần gang tay trở lên tùy theo ghe lớn nhỏ, được đẽo thon nhỏ dần ở hai đầu và cột kèm hai bên vành ghe. Các then ghe cũng được cột dính vào phía dưới. Ghe đẹp hay xấu, cong hay ngay đều do thợ uốn cặp đồng hào có cân đối hay không.
Ngày trước cột đồng hào vào vành chỉ bằng lạt tre cật được chẻ và luộc chín cho dẻo, sau này mới dùng sợi kẽm hoặc sợi đồng nhưng phải giữ dầu rái trét bao để nước mặn không làm rỉ mục hư ghe. Trong lòng ghe cũng đầy đủ con lươn, đà, dan như ghe be để tạo sự cứng cáp cho ghe trong mọi tình huống. Cứ mỗi hai tháng là đến kì làm nước, ghe được kéo lên bờ chà rửa sạch rong, sau đó tu bổ sơn sửa, ngư dân gọi là "làm nước ghe". Chừng 5-6 ngày là ghe được đẩy lại xuống nước và tiếp tục đi biển.
Về ghe buồm thì hình dáng và cấu tạo cũng như các loại ghe chèo như đã trình bầy ở trên. Duy chỉ có kích cỡ lớn hơn và chắc chắn hơn. Sau đây là mô tả của 2 loại ghe thông dụng ở vùng Hoài Nhơn có gắn buồm và bánh lái: Ghe be chạy buồm và ghe vành chạy buồm.
Gọi là ghe be chạy buồm vì ghe được đặt một then lớn nằm quá nửa ghe về tận phía trước, có đục lỗ để trồng cột buồm thẳng đứng, có 4 dây giằng bằng mây song lấy từ núi, từ đầu cột xuống hai bên be mỗi bên 2 dây, gọi là cột buồm lòng. Phía trước mũi cũng cái một then và cột nhỏ hơn nằm cách mũi, gọi là cột buồm mũi. Cánh buồm thường là bằng lá đệm. Buồm lòng lớn gấp hai buồm mũi. Ghe be thường chạy buồm ngang có 4 cạnh, nhưng không đều góc (có hai cạnh rộng và hai cạnh hẹp). Để cho buồm được cuốn lại và giương ra khi cần là nhờ có 2 trục: trục thượng, trục hạ.
Tóm lại ghe be chạy buồm thì dùng cột đứng, buồm ngang, lái ống và xa bác (một bánh lái nhỏ). Khi chạy thì lái và xa đều thụt sâu xuống. Khi không chạy thì được rút lên vừa khỏi nước là giữ nêm lại mà không lấy ra ngoài.
Ghe vành chạy buồm được dùng đánh bắt khơi hơn nên được làm chắc chắn để chạy bằng buồm. Cấu tạo của ghe vành chạy buồm cũng như ghe vành chèo. Ghe có hai buồm, một buồm lòng, một buồm mũi. Từ lái đến 2/3 ghe có gắn một then già (then lớn) có đục lỗ nghiêng để cắm cột buồm lòng. Cách mũi nửa sải về phía sau cũng gắn một then nhỏ hơn then già, có đục lỗ đứng để cắm buồm mũi. Đặc điểm của ghe vành chạy buồm là buồm lòng thì cột xiên, buồm dóc (chỉ có 3 góc) và xiên theo chiều trục thượng. Cột mũi thì cột đứng, buồm ngang (bốn góc). Các cột buồm đều không có dây chằng và khi chạy thì mọi người trong ghe đều xúm nhau mà dựng cột, kéo buồm. Khi đã đến nơi hành nghề thì cuốn buồm hạ cột xếp qua một bên tay phải của ghe (còn gọi là bên đốc), chỉ điều khiển bằng chèo. Ghe vành chỉ chạy bằng lái đeo chứ không chạy lái ống và xa bác như ghe be.
Khi điều khiển loại ghe chạy bằng buồm cần lưu ý: Người cầm lái lúc nào cũng giữ dây lèo buồm, dây lèo được cột một cách khéo léo mưu mẹo. Chặt nhưng dễ tháo khi có sự cố hay gió giật. Ghe chạy buồm thường sử dụng 2 từ là: nhóng và ghé. Ghe chạy nhóng phải riết lèo để mũi ghe hướng về phía đầu gió (hay trên gió) tốc lực có thể chậm hơn. Ghe chạy ghé là lèo được lơi hơn, mũi ghe hơi xuôi theo chiều gió. Cũng chừng ấy gió chạy ghé thì tốc độ nhanh hơn. Nhóng và ghé là hai động tác của ghe chạy buồm, trái ngược nhau.
. Trần Xuân Liếng
|