Cây dừa ở Bình Định
11:15', 20/5/ 2004 (GMT+7)

Người dân Bình Định, nhất là người Hoài Nhơn (Bình Định) ai cũng thuộc lòng câu ca dao:

Công đâu công uổng công thừa

Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan

để nói rằng dừa ở Bình Định nói chung, ở vùng Hoài Nhơn nói riêng rất nhiều.

Dừa Bình Định

Thật vậy, trước chiến tranh chống Mỹ, vùng Hoài Nhơn - Tam Quan rợp mát bóng dừa xanh. Cuộc sống của nhiều người dân gắn liền với những vườn dừa và cây dừa là cây kinh tế truyền thống và mũi nhọn cho mọi gia đình ở đây. Toàn bộ cây dừa đều có ích, nhưng người ta quý cây dừa trước hết là do những chùm "lơ lửng giữa trời, sông không đến, bến không vào, sao có nước" (câu đố về quả dừa) của nó.

Từ cột nhà, kèo nhà, đòn tay nhà, cây ruôi cho đến mái lợp… cũng bằng toàn bằng gỗ dừa, cọng dừa và lá dừa. Còn thứ liệu của dừa cũng được tận dụng làm chất đốt để nấu nướng và sưởi ấm cho các cụ già vào mùa đông tháng giá. Từ cây dừa đã tạo ra không biết bao nhiêu công việc làm ăn, nuôi sống làng xóm qua nhiều thế hệ. Các món ăn được chế biến từ dừa, những đồ gia dụng, ngư cụ đến nông cụ cũng được chế biến từ cây dừa, chẳng những tiêu thụ tại địa phương hay quanh vùng mà còn làm thành sản phẩm hàng hóa chở đi bán cho cư dân các tỉnh miền Trung và miền Nam. Đi trong làng rợp bóng dừa như những hành lang tự nhiên có mái che, nhất là ở vùng Cửu Lợi-Tam Quan. Ánh sáng mặt trời ở Tam Quan bao giờ cũng đi cùng gió biển ban mai. Gió đẩy nắng vờn trên ngọn lá. Trời đầy tiếng chim chích chòe hối hả gọi nhau qua những tàu lá dừa dài phấp phới. Con đường vàng và rợp mát. Làn gió lướt qua, những tàu lá dừa xôn xao lấp lánh. Đi trong rừng dừa khoan khoái biết bao, không khí như có mùi thơm. Bóng dừa đã tạo cho các cô gái ở nơi đây có mái tóc dài đen bóng (vì xức tóc bằng dầu dừa) cùng với làn da trắng mịn (nhờ bóng rợp mát của dừa, cả ngày không lọt nắng) như quyến rũ, mời gọi các chàng trai từ các vùng khác tìm đến, nên thường có câu ví trong dân gian: "Trai An Thái, gái Cửu Lợi" quả cũng không ngoa. Dân gian ở đây còn có câu ca:

Tam Quan ít mít nhiều dừa

Nhiều cô gái đẹp mà chưa có chồng.

Thiên nhiên từ lâu đã ưu đãi con người miền Trung nắng gió. Nếu Quảng Ngãi có rừng mía, Phú Yên có rừng bông thì Bình Định có rừng dừa bạt ngàn. Không rõ cây dừa đã được trồng ở Bình Định từ đời nào, nhưng người ta kể rằng: Thuở ấy, vùng này đất đai phì nhiêu nhưng nhân dân đói khổ. Có một con chằn tinh và một con đại bàng từ xa đến, chúng thường phun nọc độc hủy hoại cây cối, ruộng đồng. Mọi người đều lo sợ. Một hôm con đại bàng sà cánh xuống làng và cắp mất Nàng Nếp, một cô gái chăm chỉ, xinh đẹp, hiền hậu nhất làng. Chàng Lửa - người yêu của cô gái - vội vã vượt suối, trèo non lên đỉnh núi cao, giết chết đại bàng cứu được cô gái. Chàng Lửa đem người yêu về nhà. Cha mẹ cô gái vì quá nhớ thương cô gái nên đã chết. Cô gái phiền muộn nên chẳng bao lâu cũng qua đời. Lúc hấp hối, cô cầm tay chàng Lửa căn dặn: "Em chết, nhưng trái tim em nguyện ở mãi cùng dân làng, cùng anh".

Ít lâu sau, trên nấm mồ của nàng Nếp nảy sinh một chồi con và chiếc lá đầu tiên dài có hình cái lược của người con gái hiện ra. Cây lớn lên rất nhanh, nở ra những chùm quả vàng chi chít ôm tròn quanh ngọn cây. Nước ở trong quả ngọt lịm và lớp thịt màu trắng thì béo ngậy. Mọi người trìu mến gọi quả lạ là quả Nàng Nếp. Nhưng lúc này, từ ngoài khơi con chằn tinh lại bơi vào. Chàng Lửa liền cùng dân làng vây đánh. Chằn tinh bị chém mất đầu lại mọc ra đầu khác. Đánh mãi đến chiều tối thì nó thua chạy ra biển. Dân làng dùng thuyền vượt biển đuổi theo. Ra đến đảo xa, chàng Lửa giết chết con chằn tinh nhưng chàng cũng bị thương nặng. Thuyền về đất liền thì chàng tắt thở. Thi hài của chàng được chôn cạnh nấm mồ của Nàng Nếp. Kỳ lạ làm sao, ngay ngày hôm sau, một thân cây đã hiện ra cao vút. Từng chùm quả giống hệt quả Nàng Nếp đung đưa trong gió chiều, duy chỉ có sắc da thì đỏ như ráng chiều, trông nước da trên khuôn mặt của chàng Lửa.

Để tưởng nhớ công ơn chàng trai tài giỏi, dân làng gọi cây lạ là cây chàng Lửa. Năm tháng theo nhau qua, ở vùng đất này dân làng ươm trồng hai loại cây này thành những cánh rừng rộng bạt ngàn; cây nhiều không sao đếm xuể nữa. Khách xa đến nhìn khó mà phân biệt đâu là cây Chàng Lửa và đâu là cây Nàng Nếp. Dần dần người ta gọi một tên chung là cây dừa.

Sống gắn bó và rất mực thủy chung với người, cây dừa là niềm kiêu hãnh của người dân Bình Định:

Dừa xanh sừng sững giữa trời

Đem thân mình hiến cho cho đời thủy chung

Từ đầu thế kỷ 20 cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp, người dân các tỉnh miền Trung, Trung bộ và nhất là các tỉnh thuộc Liên khu 5 cũ rất quý cây dừa, vì nó cho ta đủ mọi thứ, quan trọng nhất là dầu dừa được làm dầu ăn, dầu thắp sáng và có khi người ta dùng để bón cây rất tốt. Những đêm văn nghệ, liên hoan nhiều người cũng dùng những đĩa đèn dầu dừa lớn đốt nhiều ngọn. Họp chợ ban đêm (để tránh máy bay địch), các lớp bình dân học vụ, xóachữ cũng đều sử dụng đèn dầu dừa. Ngay cả khi lau chùi bảo quản khí tài, quân cụ, bôi trơn các loại máy móc, sản xuất bánh xà phòng… cũng đều dùng đến dầu dừa. Thật là dễ hiểu vì nó là nguyên liệu tại chỗ, mà lúc bấy giờ chưa có các loại dầu ăn như: dầu xà lách, dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu Tường An… như bây giờ để thay thế. Cho đến các loại dầu mỏ như: dầu hỏa, dầu cặn để thắp sáng cũng chỉ có sau năm 1955, chứ chưa nói gì đến đèn điện. Nhiều thức ăn và việc chế biến thức ăn, thức uống cũng lấy dừa làm gốc như: các thứ bánh đều có nhân dừa hay nước cốt dừa. Khi ấy dừa được coi như kem để kẹp bánh (bánh thuẫn, bánh măng, bánh trụng), có thành phần là dừa như bánh ít lá gai, bánh tráng nước dừa, thậm chí cả bánh chưng, bánh tét nhân dừa nữa. Bởi vì các loại bánh đó phải có dừa bánh mới thơm ngon và sang trọng. Các mẹt hàng ngoài chợ nông thôn xưa kia ít khi thấy bán kẹo, nếu có chỉ là loại "kẹo ú" sản xuất tại chỗ bằng đường mật mía mà thôi. Kẹo dừa được người dân Bến Tre - một xứ sở của dừa - sản xuất có thương hiệu nổi tiếng ở nhiều nước. Riêng các hợp tác xã sản xuất đồ gia dụng từ vỏ dừa, gỗ dừa ở Hoài Nhơn vẫn có mặt hàng trên khắp nước và đang "chống cự" lại với mặt hàng nhựa tiện dụng và rẻ tiền. Những năm trước đây họ cho xuất khẩu cả cơm dừa phơi khô, than hoạt tính đốt từ sọ dừa.

Lợi ích từ cây dừa đem lại, với không biết bao nhiêu công ăn việc làm cho cư dân vùng này. Tuy nhiên, cây dừa nhiều lúc lâm vào đại dịch của bọ cánh cứng tàn phá vô kể mà nông dân cứ nhìn lên trời mà than thở, mặc dầu trước đó các cơ quan hữu trách đã dùng nhiều biện pháp chống trừ.

Dừa trở thành sản phẩm đặc trưng của người dân Hoài Nhơn nói riêng và của người dân Bình Định nói chung nên trên báo Bình Định điện tử gần đây đã có hẳn một chuyên mục riêng mang tên "Ẩm thực xứ Dừa".

. Trần Xuân Liếng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng võ Bình Định  (16/05/2004)
Phương tiện hành nghề đánh bắt cá ngày xưa ở Bình Định   (13/05/2004)
Nghề câu cá hố của ngư dân Bình Định xưa   (11/05/2004)
Bí ẩn 14 tháp cổ trên đất Bình Định   (10/05/2004)
Thăm cứ địa Tây Sơn   (07/05/2004)
Nghề đánh lưới chuồn xưa của ngư dân Bình Định  (02/05/2004)
Sông núi An Nhơn   (26/04/2004)
Chùa Bà - Nước Mặn   (23/04/2004)
Tục thử dâu của người Ba na   (20/04/2004)
Hành trình từ Gia Hưng đến Điện Biên Phủ   (19/04/2004)
Quy Nhơn quyến rũ  (18/04/2004)
Tháp Mẫm   (16/04/2004)
Lễ hội tháng ba trên đất Tây Sơn   (16/04/2004)
Khi vua xin lỗi bề tôi   (08/04/2004)
Hoạt động "xóa đói giảm nghèo" của người xưa  (07/04/2004)