Đối với ngư dân đánh cá, sống với sông nước và sóng biển bao quanh, họ phải luôn đối chọi với tất cả bão tố ập đến bất cứ lúc nào. Cuộc sống ở đây là cuộc sống trong cái trần trụi tiếp cận hoàn toàn với thiên nhiên mênh mông bao la. Ca dao chính là nơi để cho họ thể hiện tâm tình của mình một cách sâu sắc nhất.
Ra đi sóng biển mịt mù,
Trời cho lưới nặng dô hò ta kéo lên.
Trong điều kiện nghề đánh cá xưa còn là một cuộc vật lộn bằng sức người nhỏ bé, hàng ngày với biển cả, việc đi nghề của nam giới đã trở thành mối lo lớn nhất xâm chiếm lòng người phụ nữ. Trong cái nỗi lo ấy, họ chỉ biết dùng ca dao để biểu hiện:
Nồm nam, bấc chướng sóng lượn ba đào
Anh đi câu, biết chừng nào anh vô?
Nỗi lo ấy ngày cùng tăng dần lên xâm chiếm lòng người phụ nữ. Bởi người con trai ra đi trong buổi sáng có nồm nam, có bấc chướng, nghĩa là có sóng có gió. Sóng gió ấy cùng ngày như dữ dội hơn lên. Vần trắc trong từ "chướng", "lượn" trong bài ca làm cho ta có cảm giác như con gió bấc đang ập đến, ngọn sóng đang bổ đến. Hai từ đầy tượng hình ấy, như nhịp sóng nhấp nhô, làm nổi rõ sự thấp thỏm, lo âu của người phụ nữ ở nhà. Người phụ nữ đã biết rằng làm dâu vùng biển có nghĩa là phải chịu cảnh đơn chiếc, ngóng trông mong chờ:
Cha mẹ muốn ăn cá thu
Gả con dưới biển mù mù tăm tăm
Có khi đó là tâm trạng chọn chồng có nghề chắc chắn, chứ không như nghề biển:
Khó như nghề ruộng em theo
Giàu như nghề biển hết chèo hết ăn
Ca dao xuất hiện nhiều bài, nhiều ý bày tỏ sự mong chờ trông đợi của người phụ nữ:
Lạy bà cho nổi gió nồm
Cho chồng tôi ở ngoài khơi trở về
Hay:
Thuyền xuôi ra cửa Khánh Hòa
Buồm giăng hai cánh dạ em đà héo hon.
Và phải chăng, sự chờ mong trông đợi đó đã kết tinh thành nét tính cách phổ biến và được biểu hiện bằng hình tượng người đàn bà bồng con trông chồng hóa đá trong truyền thuyết Vọng Phu như ở vùng biển Phù Cát (Bình Định) và ở miền Trung.
Cư dân miền biển Bình Định có một đời sống tình cảm phong phú, bộc trực nhưng rất thủy chung:
Cá nục gai bằng hai cá nục vọng
Vợ chồng nghĩa nặng, nhân ngãi tình thâm
Xa nhau muôn dặm cũng tầm
Gặp nhau hớn hớ tay cầm lời trao.
Họ đã từng thề nguyền với nhau. Với chàng thì:
Gió đưa trăng chứ trăng nào đưa gió
Quạt đưa đèn chứ đèn có đưa ai
Bao giờ cho sóng bỏ gành
Cù lao bỏ biển thì anh bỏ nàng.
Còn với nàng:
Tay cầm chiếc chiếu luôn
Tay luồn chiếc chiếu cổ
Tay cầm chiếc chiếu cổ trải chỗ ghềnh Bà
Chàng than thiếp khóc đau dạ xót lòng
Lời thề giữa có gành Ông
Chết đi thì mất em không bỏ chàng.
Tình cảm của cư dân biển với nhau thật cụ thể, như cô gái miền biển ở đây:
Ngó ra ngoài biển ba lần
Thấy anh nằm trần trong dạ xót xa
Trở về mua lụa đậu ba
Cắt áo cổ giữa lại tra nút vàng
Không ai mà gởi đến chàng
Canh khuya chàng bận kẻo nhiễm thương hàn khổ thân.
Có một đêm trăng trên biển, rất trong và sáng, và cũng rất bao la. Gió hiu hiu thổi mát rười rượi. Người con gái, trước khung cảnh ấy, đã nhớ người yêu:
Đêm qua trăng dội xuống thuyền
Anh đi em nhớ sụt sùi lòng trông
Hay
Đêm qua trăng dội xuống thuyền
Tay cầm gáo nước sụt sùi nhớ em.
Câu ca mang đặc thù của miền biển không thể lẫn được. Cái ánh trăng ở đồng bằng êm ả hơn nhiều. Người ta chỉ có thể nói trăng dọi, trăng soi chứ không thể nói là trăng dội như người ở miền biển. Từ "dội" mạnh mẽ, phù hợp với tính chất biển, lại đi với từ "sụt sùi" - một từ mạnh nữa - nhằm thể hiện nỗi nhớ của cô gái đầy xao động và mạnh mẽ.
Tình cảm của người dân miền biển đối với nhau cũng rất mặn mòi như muối biển. Do vậy mà họ lên án những ai bội bạc nghĩa tình. Đây là một ví dụ:
Đem em mà bỏ đầu gành
Kéo neo mà chạy sao đành ông trời ơi!
Ca dao miền biển cũng diễn tả tâm tình với những hình ảnh gần gũi mà thật là tài tình:
Chiều chiều én liệng ngoài khơi
Thấy anh ba chốn bốn nơi em buồn.
…
Chim nhàn bắt cá lượn khơi
Thấy anh chơm chẩu nhiều nơi em buồn.
Nhưng bao trùm lên ca dao miền biển Bình Định là việc xây dựng hình ảnh chứa đựng những yếu tố bất ngờ vô cùng thú vị thể hiện niềm vui sống của họ. Câu ca ở đây thật là tuyệt diệu:
Anh về tìm vảy cá trê
Tìm gan tôm sú, tìm mề con lươn
Bao giờ sứa nọ có xương
Dây tơ hồng có rễ thiếp thương với chàng
Bao giờ đậu phụng bò giàn
Bí đao bò đất thiếp với chàng gày duyên
Nói là vô cùng thú vị bởi những sự vật đưa ra của cô nàng trong cuộc thách để trao duyên này thật là quá quắt. Tất cả đều là những sự vật, sự việc không thể có hoặc không thể xảy ra, và chàng trai chắc chắn là nếm mùi thất bại rồi. Làm gì có vảy cá trê, có gan tôm sú, có mề con lươn! Làm thế nào mà sứa nọ có xương, bí đao bò đất được cơ chứ! Mọi sự vật, sự việc đưa ra là trái ngược với thực tế, chính là để khẳng định dứt khoát cái tâm ý chẳng vừa lòng chàng trai nọ của cô gái.
Tương tự như thế, ta thấy có cặp hình tượng gắn liền với biển cả, sông nước như: cá - nơm; chài - cá… trong ca dao miền biển:
Chàng ràng như cá quanh nơm
Nhiều con ánh rạng không biết đơm con nào?
Ngôn ngữ của cư dân vùng biển rất hiện thực, là ngôn ngữ hằng ngày, với những hình tượng đẹp như: "Đêm nay anh gối tay nàng - Ngày mai ra biển gối đàn dây neo". Đó là hệ thống từ vựng: sóng, nước, cát, gành, cù lao, nậu nại (người làm muối), vạn (xóm), nậu rỗi (người buôn bán cá), nậu rớ (người làm rớ)…Chúng ta cũng có thể tìm thấy ở đây những cấu trúc ngôn ngữ, những mô típ như những câu mở đầu với: "Cầm… mà vãi….".
Thể hiện một sự thất vọng:
- Cầm chài mà vãi xuống đầm
Cá đâu không thấy chầm hâm hết ngày
- Cầm chài mà vãi xa ghe
Cá không thấy cá lại hè kéo lên
- Cầm chài mà vãi lỗ tre
Cá không thấy cá lại nghe rách chài
- Cầm chài mà vãi xuống sông
Cá đâu không thấy ngòi trông hết ngày
Hay cấu trúc "Ngó" (lên, ra, vô, xuống) thường đi với những lời âm tình:
- Ngó lên trên trời trời cao lồng lộng
Ngó xuống biển biển rộng chơi vơi
Rạng ngày mai mỗi đứa mỗi nơi
Bưng chén cơm lên, để xuống không vơi hột nào
-Ngó ra ngoài biển ba lần
Thấy anh ở trần trong bụng xót xa…
Khả năng sáng tạo và phát hiện của ngôn ngữ cư dân biển trong việc diễn đạt tâm tình của mình là vô cùng. Thật tài tình khi dùng hình ảnh "em có chồng như cá cắn câu" trong câu:
Em có chồng rồi như cá mắc vào câu
Mắc đàng đuôi thì thậm dễ, mắc đàng đầu thì thâm.
Một hình tượng rất thực tế, thực tế từ cuộc sống. Hay:
Thuyền không bánh lái thuyền quày
Em không cha mẹ ai bày em nên?
Diễn đạt mạnh mẽ hơn có câu:
Ai mà ở lỗi lời nguyền
Xuống ghe ghe úp, xuống thuyền thuyền trôi.
. Trần Xuân Toàn |