Rớ là một loại nghề đánh cá ở sông. Xưa kia ngư dân Hoài Nhơn (Bình Định) nói riêng và ngư dân Bình Định nói chung thường sử dụng rớ chồ (hay rớ vàn) và rớ thuyền để đánh bắt.
|
Đợi thuyền về |
Rớ chồ có nơi còn gọi là rớ vàn, gồm một tấm lưới hình vuông mỗi cạnh từ 10-12 sải tay. Bốn bề có viền lớn bằng ngón chân cái gọi là miệng rớ. Từ miệng rớ trở vào giữa là lưới, từ thưa cho đến dày. Bốn góc có 4 cây tre thẳng thường gọi là gọng rớ. Mỗi gọng có 2 dây giằng theo góc thẳng của miệng rớ. Để rớ được kéo lên, hạ xuống nhờ có chòi rớ (chồ rớ), trên chòi có trục quay với 6 tay quay (chia làm 2 bên, mỗi bên gồm 2 tay đôi và một chiếc để cho thuận tay kéo - đạp).
Thành phần chính của rớ là: Lưới rớ - Chòi rớ - Gọng rớ - Dây giằng.
Rớ chồ là một loại nghề cố định đánh bắt cá vùng sông, đầm nước lợ và cửa biển (ở Nam Bộ vì biển cạn, nên rớ được cắm ngoài biển). Tùy theo thủy chế của khúc sông, lạch nước mà người ta đặt cố định một rớ chồ. Đầu tiên là cắm chồ, kế tiếp là cắm cọc gốc cho 4 gọng rớ và các dây giằng. Công việc xong mới đưa vàn lưới rớ ra móc 4 góc rớ vào 4 trụ gọng rồi cho kéo thử một vài lần để điều chỉnh. Ngoài việc xem hướng gió, dòng nước chảy, công việc cắm rớ cũng khá phức tạp, ít ra làm nghề rớ cũng phải biết lặn để xoay xở mỗi khi cọc dây có trở ngại. Vì rớ thường ngâm bùn và ngâm dưới biển nên muốn khỏi bị mục, ngày xưa ngư dân thường dùng huyết bò trộn với dầu trầu để nhuộm rớ và đưa vào bồ cho lên chảo để hấp hơi nước sôi đến chín (thường gọi là xôi lưới). Lưới được xôi thường bền và không thấm bùn. Đây quả là một việc khó nhọc.
Các công đoạn cắm chòi, dộng nọc, dựng gọng, giăng dây xong là bắt đầu mắc vàn rớ vào để ổn định một rớ chồ. Và cứ từ đó trở đi, ngày đêm tùy theo con nước thủy triều, nước trở, trăng lặn, trăng lên mà trực nới kéo rớ. Để thu hoạch được cá, sau khi đã quay trục kéo rớ lên, nếu có người thứ hai đã chực sẵn ở một chiếc xuồng con hoặc thúng chai, thì người này đội lên đầu cái nón tự chế, mặt hơi bằng, không có mũi nhọn, bơi ra rớ lấy một roi tre đập đập (gọi là quét rớ) vào rớ cho rớt bớt nước và để dồn cá vào chỗ rún của rớ rồi mở dây rún (dây rún có thể ở giữa rớ hoặc hai bên gần đáy rớ) kéo xuống cho tất cả cá tôm lọt xuống xuồng. Xong, cột dây rún lại và bơi về chỗ cũ. Công việc cứ như thế mà kéo dài…
Ngày nay dù đã có lưới ni lông thay cho lưới gai nhưng nghề rớ chồ vẫn không hề bị mai một.
Rớ thuyền là một loại nghề di động, rớ được đặt gọn trên một con thuyền nan (hoặc gỗ) dài khoảng 7,8 mét. Thuyền cũng là một cái nhà cho cả gia đình đủ cả vợ chồng con cái vừa ăn ở, vừa hành nghề. Để phụ giúp cho con thuyền, ngư dân còn sắm một vài xuồng con dùng để lừa đuổi cá, làm phương tiện ra vào bờ, đi chợ bán cá. Rớ thuyền và cả nhà thuyền là nhà cửa, là mạch sống của dân "bình giang" (dân sống trôi nổi trên thuyền của những vùng sông, rạch đầm, phá). Họ ngày xưa là dân đinh không điền, không nộp thuế, không lao dịch. Rớ được đặt ở mũi thuyền với 2 cây tre gọng chính tạo thành chữ A, sau 2 gọng chính, phía trong thuyền là 2 gọng phụ cũng hình chữ A có cây tre làm thanh chuyền từ đầu A này tới đầu A nọ dùng làm đòn bẩy để nới và kéo rớ. Phần rớ cũng có 4 gọng bung ra hình chữ X ở 4 đầu gọng để cột 4 góc dưới rớ. Khi cần di chuyển xa hoặc nghỉ ngơi, 4 gọng được thụt vào và xếp sập gọn xuống thuyền.
Thành phần chính của rớ thuyền là: Thuyền - Sõng - Gọng tre - Lưới rớ - Dây ngao - Vợt múc cá.
Rớ thuyền thường cùng nhau đi hành nghề ba hay bốn chiếc sắp ngay hàng. Cứ chiều đến, sau khi cơm nước xong, gọng rớ được bung ra và hạ thấp để sõng con chèo vào mắc rớ vào 4 đầu gọng. Các dây ngao được sắp đặt xuống sõng và người nào việc nấy. Trời vừa sẩm tối, các thuyền rớ đồng loạt nới rớ xuống nước, các sõng chèo được chèo rộng xa rớ tạo hình vòng cung, nới dây ngao và vòng về thuyền chính. Hai người hai đầu dây ngao bắt đầu kéo nhanh, để ngao khua lộp bộp dưới đáy sông. Cá nằm sát đáy cũng được dây ngao lùa dần vào vùng có thả rớ. Các sõng còn lại cũng thả ra xa và cũng vừa chèo vừa đập gõ cho cá trên hoặc đáy nước cũng vào vòng. Liền lúc đó các thuyền đồng nhịp cất rớ nhanh là cá khó bề thoát. Lúc này mọi người mới đưa vợt ra để múc vào rún rớ thu hoạch cá.
Những ngày có thủy triều, khi nước trở là lúc bà con ta được bội thu. Tưởng cũng nên nhắc lại, khi kéo rớ phải nhanh, vì rớ bọc nước rất nặng, nên ngoài hai ông bà chủ lo việc điều khiển còn có đứa nhỏ nào trong thuyền cũng đều xúm ra leo lên đòn gọng làm đòn bẩy cho rớ cất nhanh.
Ngày nay thì nghề rớ thuyền ở Hoài Nhơn coi như đã bị mai một, hiện chỉ còn thấy ở vùng phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế). Dân "bình giang" đã có cuộc sống hòa nhập trên đất liền ở các khu dân cư để con cái họ kiếm được cái chữ.
. Trần Xuân Liếng |