Thăm đền thờ Cụ Nguyễn Trung Trực
17:28', 11/6/ 2004 (GMT+7)

Cụ Nguyễn Trung Trực, anh hùng dân tộc, vốn là một người dân chài ở Bình Định. Nhân dân tỉnh Kiên Giang gọi Nguyễn Trung Trực bằng "Ông", "Cụ" hoặc "Cụ Nguyễn" vì kiêng gọi tên húy. "Cụ Nguyễn" bị giặc Pháp đưa ra pháp trường lúc mới 30 tuổi. Cuộc đời ông tuy ngắn ngủi nhưng rất hào hùng, với những chiến công hiển hách đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Để tưởng nhớ đến ông, ở Kiên Giang có rất nhiều miếu thờ Cụ Nguyễn.

Đền thờ Nguyễn Trung Trực nằm ở phía tây của trung tâm thị xã Rạch Giá, trên đường Nguyễn Công Trứ. Mặt đền quay ra cửa biển và cách biển khoảng 100m. Năm 1869, đền chỉ là ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá, do người dân chài dựng lên để thờ thần Nam Hải (cá voi). Mỗi năm đến ngày mất của Cụ, nhân dân các nơi tụ tập về đây tổ chức cúng cơm cho Cụ. Qua nhiều lần sửa chữa và mở rộng vào các năm 1881-1964-1970, ngôi đền đã khang trang hơn. Đến năm 1988, Bộ Văn hóa đã ra quyết định công nhận mộ và đền Nguyễn Trung Trực là di tích lịch sử - văn hóa.

Ngôi đền hiện nay được khởi công xây dựng vào ngày 20-12-1964, khánh thành ngày 24-2-1970, do kiến trúc sư Nguyễn Văn Lợi thiết kế, toàn bộ kinh phí xây dựng do nhân dân đóng góp. Đền được xây dựng theo kiểu chữ tam, gồm có chánh điện, đông lang và tây lang. Cột kèo bằng bê tông, mái lợp ngói. Cổng đền ba cửa (dạng cổng tam quan). Trước cửa chánh điện có một lư hương bằng đá, trên nóc mái đền được trang trí cảnh "lưỡng long tranh trân châu", các góc mái đắp hình lá cúc cách điệu và hình rồng. Tất cả các mảng phù điêu trên được làm bằng xi măng cẩn những mảnh gốm nhiều màu rất đẹp. Cửa đình có hai cột đắp nổi hình rồng uốn lượn từ dưới lên quấn quanh cột, biểu tượng cho uy quyền và sức mạnh. Trong đền có 10 cây cột bằng bê tông, mỗi cột có chân hình bát giác, phía trên hình bát giác có đắp nối hai lớp cánh sen.

Trong chánh điện có rất nhiều bài vị thờ. Phía ngoài là bài vị Chánh soái Đại càn, di ảnh Nguyễn Trung Trực, chư vị hội đồng trăm quan cựu thần, thờ tiền hiền, đồng bào nghĩa quân liệt sĩ. Phía trong có ba ngai thờ chính của đền: chính giữa là ngai thờ Nguyễn Trung Trực; bên trái là ngai thờ cụ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều, Phó lãnh binh Lâm Quang Ky; bên phải là ngai thờ thần Nam Hải đại tướng quân. Trên nóc đền có bức hoành phi ghi 4 chữ "anh khí như hồng", nghĩa là khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bảy sắc.

Rời khỏi đền, chúng tôi đến bên mộ Cụ Nguyễn. Mộ Cụ nằm ở phía tây đền thờ, xây hình chữ nhật, đặt xuôi theo đền. Phía sau mộ là bức tường hình chữ nhật cao khoảng 2m, rộng hơn 1m, trên tấm bia khắc: Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1838-1868). Ở góc phải mộ có một tảng đá nhỏ ghi lại quá trình xây mộ Cụ Nguyễn. Ngày đặt viên đá đầu tiên là ngày 18-10-1986. Xung quanh mộ Cụ, cây lá bốn mùa tươi tốt.

Nói đến Nguyễn Trung Trực, nhiều người đã biết đến chiến công vang dội đốt cháy tàu Espe’rance (Hy Vọng) của Pháp năm 1861 trên vàm Nhật Tảo. Và biết đến ông với câu nói bất hủ trước mặt kẻ thù: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây".

Chia tay với Kiên Giang, chia tay với đền Cụ Nguyễn, chúng tôi, những người con Bình Định, cảm thấy quyến luyến không muốn rời và trong lòng một niềm tự hào cứ dâng trào.

. Phước Lộc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề rớ đánh cá sông ở Bình Định xưa  (06/06/2004)
Tâm tình người dân biển trong ca dao Bình Định   (01/06/2004)
Thăm mộ chí sĩ Tăng Bạt Hổ tại Huế   (24/05/2004)
Nghề làm dầu dừa ở nông thôn Bình Định  (23/05/2004)
Cây dừa ở Bình Định  (20/05/2004)
Cây dừa ở Bình Định  (20/05/2004)
Làng võ Bình Định  (16/05/2004)
Phương tiện hành nghề đánh bắt cá ngày xưa ở Bình Định   (13/05/2004)
Nghề câu cá hố của ngư dân Bình Định xưa   (11/05/2004)
Bí ẩn 14 tháp cổ trên đất Bình Định   (10/05/2004)
Thăm cứ địa Tây Sơn   (07/05/2004)
Nghề đánh lưới chuồn xưa của ngư dân Bình Định  (02/05/2004)
Sông núi An Nhơn   (26/04/2004)
Chùa Bà - Nước Mặn   (23/04/2004)
Tục thử dâu của người Ba na   (20/04/2004)