Cũng giống như các nghề làm bánh tráng, làm bánh ít, làm đậu hũ, đậu miếng, hoặc nghề làm nón… nghề làm bún ở Nhơn Thành, An Nhơn, vốn có từ lâu đời và hiện nay còn tập trung ở các thôn Vạn Thuận, Châu Thành, Tiên Hội…
Các nghề truyền thống này đều có một số công đoạn giống nhau như ngâm, ủ, xay nguyên liệu và lọc, nấu. Ở nghề làm bún, công việc chủ yếu là của người phụ nữ. Trước kia, khi chưa có điện, tất cả các công đoạn trong nghề làm bún, cũng như các nghề thủ công khác đều thực hiện bằng tay nên rất vất vả, nặng nhọc. Từ việc chọn mua gạo cho phù hợp đến việc ngâm, vo, xay, giã, nấu, vớt, các mẹ, các chị đều nhuần nhuyễn.
Bây giờ điện đã về, máy móc đã làm thay một số công việc, như xay bột, ép bún… không còn phải oằn lưng ra xay cối đá, giã cối cần đạp, hay hí hoáy nhào nặn, vặn từng vắt bún như ngày xưa, nhưng không vì thế mà vai trò chị em lại giảm đi. Nghề nào cũng có cái riêng đặc biệt của nghề đó. Với nghề làm bún và làm đậu miếng thì có thể nói không ngoa rằng, thành phẩm làm ra sẽ không được ưa chuộng nếu thiếu đi bàn tay tinh tế của người phụ nữ với những kinh nghiệm truyền đời và qua học hỏi, đúc kết.
Ở Bình Định, từ xưa đã nổi tiếng với nghề làm bún Song Thằng, nên có câu ca dao:
Nón ngựa Gò Găng
Bún Song Thằng An Thái
Người Nhơn Thành thường làm hai loại bún tươi và khô. Bún tươi để tiêu thụ cho các quán ăn sáng hàng ngày và các ngày hội hè, tiệc tùng; còn bún khô thì để dùng dần…
Để làm bún, người ta dùng loại gạo cũ, đãi sạch, ngâm nước rồi xay thành bột (trong lúc ngâm phải thay nước mỗi ngày hai lần để khỏi chua và hỏng bột). Bột gạo xay xong được đăng trong tấm vải dày cho ráo nước, rồi nắm thành những quả tròn như quả bưởi trước khi thả vào chảo nước đang sôi, luộc cho chín phần vỏ ngoài.
Sau đó người ta giã nhuyễn những quả bột này để làm thành bột nguyên liệu dẻo nhuyễn rồi cho vào túi vải có gắn khuôn gồm nhiều lỗ nhỏ bằng đầu tăm (hoặc lớn hơn tùy theo từng loại bún), rồi bóp cho bột tuồn qua lỗ, chảy thành sợi xuống chảo nước đang sôi. Khi thấy các sợi bún đã chín trắng thì vớt ra thả vào nước lạnh, sau đó lấy ra vắt thành lá, hoặc trải thành đường, quấn thành bánh đem phơi khô. Cách làm bún tươi dùng ngay thì cũng như trên, nhưng khuôn có lỗ to hơn. Khi bún vừa chín tới thì vớt ra ngay là dùng được. Bún ngon là loại bún không có vị chua, sợi trắng và không đục.
Ở Nhơn Thành hiện nay, với nghề làm bún gạo cũng như các nghề làm bánh tráng, bánh ít, nấu rượu hay làm đậu miếng, chằm nón… hầu như phụ nữ lớn bé trong gia đình đều có công việc để tham gia. Bé gái thì hốt trấu, đun lửa, làm những việc lặt vặt; các bà, các chị thì đảm đương những khâu quan trọng hơn, nặng nhọc hơn và không quên chỉ dạy cho con cháu những bí quyết gia truyền để có được những mẻ bánh, mẻ đậu, mẻ bún thơm ngon, chất lượng.
Để tiêu thụ được sản phẩm, người làm bún phải dậy từ 3-4 giờ sáng, dù mưa hay nắng vẫn đạp xe đem thành phẩm bán tận các chợ xa như Nhơn Mỹ, Mỹ Yên, Phù Cát, Tuy Phước… Vất vả là thế, nhưng bù lại, tan mỗi buổi chợ, thành phẩm bán hết, các chị mang về cho gia đình niềm vui hân hoan, phấn khởi. Nghề làm bún gạo cũng như một số nghề khác đã thực sự đem lại cho hầu hết các gia đình ở Nhơn Thành một cuộc sống đàng hoàng, êm ấm. Và chính họ cũng đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn nét độc đáo của địa phương.
. Mai Thìn
|