Lễ hội cầu ngư ở Bình Định
16:34', 15/6/ 2004 (GMT+7)

Cầu ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với cuộc sống của cư dân miền ven biển từ Quảng Bình đến Nam bộ. Ở Bình Định, lễ hội cầu ngư có hầu hết các vùng ven biển của các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn.

Đua thuyền - một hoạt động thường có trong các lễ hội cầu ngư

Theo thống kê năm 2002, toàn tỉnh có trên 15 lăng Nam Hải -nơi tổ chức lễ hội cầu ngư. Lễ hội gắn liền với tục thờ cúng cá Voi với nhiều truyền thuyết còn ghi đậm nét trong dân gian. Bài viết này miêu thuật lại một vài tư liệu mà chúng tôi sưu tầm được qua một số lễ hội cầu ngư ở Bình Định, qua đó góp phần tìm ra sắc thái riêng về hình thức tín ngưỡng dân gian độc đáo của ngư dân miền biển Bình Định.

Nói đến lăng Nam Hải thì mọi người dân vùng biển ai ai cũng đều tôn kính, cầu mong ở sự che chở của Nam Hải Thần ngư, cầu mong cho những mùa cá bội thu và tai qua nạn khỏi. Lăng Nam Hải không những là chỗ dựa tâm linh mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của ngư dân miền biển mà thời điểm quan trọng là dịp tổ chức lễ hội cầu ngư.

Lăng Nam Hải (lăng cá voi, cá Ông) do ngư dân ở các vạn chài lập ra để thờ phụng. Cá voi hay còn gọi là cá Ông là một loại cá lớn có vú sống ở biển, có con dài đến hơn 30 m, nặng cả chục tấn, có sức mạnh phi thường. Ngư dân kể rằng nhiều lần gặp mưa bão ở ngoài khơi, thường hay có cá voi cứu nạn. Cá voi áp tựa lưng vào mạn thuyền đánh cá làm cho thuyền khỏi bị sóng gió lật đổ và chính cá voi cũng khỏi bị sóng gió đẩy vào ghềnh đá mắc cạn. Ngư dân xem đây là sự che chở của Nam Hải Thần ngư.

Từ sự cứu nạn lớn lao của cá voi, nên loài vật này đã trở thành vị Thần ngư Nam Hải (có địa phương còn gọi là Quan âm Nam Hải hoặc Nam Hải Ngọc Lân). Hễ dân vạn chài thấy cá voi "lụy" (vì bị mắc cạn lâu ngày hoặc đến lúc bệnh) là tập trung toàn dân vạn chài trong làng để tiến hành lễ an táng cá voi. Sau ba năm an táng, ngư dân làm lễ di hài cốt về lăng Nam Hải của làng.

Ở Bình Định, có lẽ lăng Nam Hải làng Hưng Lương xã đảo Nhơn Lý, TP Quy Nhơn là một trong những lăng có từ lâu đời. Các bảo vật còn lưu giữ tại lăng là 6 sắc phong của triều Nguyễn tặng lăng Nam Hải làng Hưng Lương: Minh Mạng thất niên cửu nguyệt nhất thập nhất nhật, Thiệu Trị tam niên bát nguyệt nhất thập tam nhật, Thiệu Trị tam niên cửu nguyệt nhị thập nhất nhật, Tự Đức tam niên nhất thập nhất nguyệt bát nhật, Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt nhất nhật, Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật; cùng với hai liễn phong: Ngọc Tôn Thần và Võ Cao Môn. Điều đó nói lên ở vạn chài Hưng Lương có lễ hội cầu ngư đã hình thành khá lâu đời, lăng Nam Hải làng Hưng Lương là một di tích có thể khẳng định niên đại ra đời muộn nhất là cuối thời vua Gia Long. Lễ hội cầu ngư ở lăng Nam Hải xã đảo Nhơn Lý, TP Quy Nhơn diễn ra vào ngày 10 tháng 5 âm lịch hằng năm và đã trở thành một lễ hội truyền thống của nhân dân ở đây.

Thông qua tế lễ ngư dân bày tỏ niềm kính tín, chiêm tượng thần linh, đồng thời gửi gắm ước nguyện thiêng liêng là cầu mùa bội thu và cầu an cho vạn chài. Nghi lễ tế cá Ông tương tự nghi thức tế Thành Hoàng. Bởi vậy có nhà nghiên cứu gọi cá Ông là Thành Hoàng vạn chài. Nhân sự thực hiện cuộc tế là một ban khánh tiết do vạn chài cử ra, gồm các bậc cao niên đức độ, gia đình trọn vẹn, hòa thuận và không bị vướng tang. Người đứng chánh tế phải tập quỳ, tập lạy hàng tháng trước đó và phải ăn chay, dọn mình sạch sẽ ba ngày trước lễ tế. Khi tế lễ thần nếu lạy sai cũng sẽ bị vạn chài bắt vạ.

Theo thông lệ, lễ hội được diễn ra trong quỹ thời gian 3 ngày đêm. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành nghi lễ nghinh thần, lễ an thần; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Phần hội gồm có: Chèo bả trạo, hội xây chầu hát bội, hát dân ca và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển, được diễn ra vào ngày thứ ba và có sự đan xen trong thời gian hành lễ ở ngày đầu tiên và ngày thứ hai.

Nghi thức lễ đầu tiên, có nơi còn gọi lễ vọng, được bắt đầu từ sáng sớm với mục đích cáo giỗ và cầu xin thần Nam hải báo ứng cho vạn chài điềm lành dữ trong năm. Lễ được cử hành trang nghiêm, dâng đủ ba tuần rượu và đọc văn cúng. Bản văn tế ca ngợi công đức của cá Ông trong việc giúp đỡ các vạn chài.

Nghi thức lễ nghinh thần, có nơi còn gọi là nghinh ông Sanh (tức Đông Hải Ngọc Lân), có lăng thực hiện lễ nghinh thần cả dưới biển lẫn trên bờ (nghinh thủy lục), được di chuyển về ngự tại điện lăng để chứng lễ tế thần Nam Hải. Sau đó là lễ di thỉnh cô bác, chư vị tiền hiền vãn ngự các nơi trong vạn chài về lăng cùng phụ hưởng.

Tiếp đến là lễ tế cô hồn tại sân lăng Nam Hải với các lễ vật gồm: bát cháo thánh (cháo hoa), gạo, muối, trầu cau, rượu cùng hương đăng, đồ vàng mã. Khởi sự tế, vị chánh bái gõ ba hồi mõ sau đó dâng tuần rượu đọc văn tế. Nội dung văn tế cô hồn biểu hiện sự thương yêu cho những kẻ bất hạnh và tình cảm cộng đồng nhân ái dành cho những kiếp người khốn khổ đã khuất.

Lễ chánh tế (Đại lễ nghinh thần) được tiến hành vào lúc nửa đêm ngày thứ hai bước sang sáng ngày thứ ba. Thức cúng gồm đầu heo, hoa quả, bánh tráng (không bao giờ dùng đồ hải sản). Phần tế đủ nghi thức lễ lục cúng, đọc văn tế ca ngợi công đức của thần, cầu xin cho thần ban cho vạn chài mùa bội thu, thuyền ra khơi xuôi chèo mát mái, khi trở về tôm cá đầy ghe. Sau đó ngư dân làm lễ xuống thuyền mở màn cho một vụ mùa đánh bắt cá.

Lễ xây chầu hát bả trạo là nghi thức bắt buộc, mở màn cho buổi hát án, trở thành một lệ không thể thiếu. Hát bả trạo là một bộ phận nghi lễ, thể hiện diễn xướng tổng hòa nhiều yếu tố hát và múa với đạo cụ là mái chèo. Đội hình trình diễn bao gồm các con trạo (tay chèo) dưới sự chỉ huy của các tổng mũi, tổng thương, tổng lái và tổng khậu. Tất cả được xếp theo hình một chiếc thuyền rồng - thuyền linh để đưa hồn cá Ông phiêu diêu miền cực lạc. Nội dung xuyên suốt là tạ ơn và ca ngợi đức cá Ông, xin thần ban cho vạn chài cuộc sống bình an, no đủ.

Đan xen với phần nghi lễ là phần hội gồm các sinh hoạt dân gian truyền thống, đặc trưng của các ngư dân làm nghề biển. Có hình thức sinh hoạt văn hóa vừa thuộc lễ vừa thuộc hội như hát bả trạo, lại có những hình thức hoàn toàn thuộc về hội, là sự giải trí, giải tỏa, tạo không khí vui vẻ, náo nức trong làng trước khi bước vào một vụ mùa mới như hò đối đáp trên thuyền, hô bài chòi, tổ chức hát bộ trong đêm, thi đua ghe, lắc thúng vào ban ngày…

Từ việc tôn thờ một hiện tượng tự nhiên, một sinh vật có mối quan hệ gắn bó lâu đời với ngư dân trong phương thức sinh tồn, đã trở thành một hình thức tín ngưỡng và cũng từ một hình thức tín ngưỡng đã có sự tích hợp những giá trị văn hóa phi vật thể, trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của ngư dân làm nghề biển hàm chứa những giá trị nhân văn.

Là những người sống nhờ biển khơi, gắn bó với biển, thường xuyên phải đối đầu, ứng phó với sóng gầm, gió dữ, con người rõ ràng có nhu cầu gửi gắm niềm tin, cầu xin sự viện trợ ở một đối tượng nào đó. Họ đã gửi niềm tin của mình vào thần ngư Nam Hải, tức cá Ông. Ngư dân vạn chài lập lăng để thờ phụng, mở lễ hội tế thần để cầu an, cầu mùa qua đó thể hiện ước vọng thiêng liêng của ngư dân về cuộc sống bình an, phồn thịnh mà khía cạnh cụ thể ở đây là được mùa biển.

Gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, lễ hội cầu ngư góp phần giải tỏa, điều tiết đời sống tâm lý, tinh thần của cá nhân và cộng đồng ngư dân. Quanh năm bận rộn với việc đi biển cùng bao khó khăn, vất vả. Lễ hội là dịp để ngư dân thư giãn, tạo lập thế cân bằng trong đời sống tinh thần sau một năm đánh bắt vất vả, cực nhọc. Các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đã đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới. Mặt khác, đây còn là dịp để cộng đồng tri ân với thần linh, với thế hệ tiền nhân đi trước, những người có công trong việc phát triển nghề cá, đồng thời là dịp hội ngộ bằng hữu xóm làng.

Ngày nay, những nét văn hóa phi vật thể được biểu hiện từ các lễ hội cầu ngư đã được quy tụ và thể hiện một cách tài hoa tại các lễ hội văn hóa thể thao ngư dân miền biển do chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện đứng ra tổ chức hằng năm. Nhất là những nét đặc sắc trong diễn trình hát bả trạo của các đội chèo bả trạo được dịp bày tỏ vốn nghệ thuật của mình cho các đội bạn thưởng thức, cho ngư dân mọi miền trong tỉnh cũng như cả nước cùng chiêm ngưỡng ở một sắc thái riêng trong nền văn hóa đa dạng, phong phú.

. Nguyễn Văn Ngọc

(Sở VHTT Bình Định)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề làm bún ở An Nhơn   (14/06/2004)
Nghề nấu đường thủ công ở An Nhơn   (13/06/2004)
Thăm đền thờ Cụ Nguyễn Trung Trực  (11/06/2004)
Nghề rớ đánh cá sông ở Bình Định xưa  (06/06/2004)
Tâm tình người dân biển trong ca dao Bình Định   (01/06/2004)
Thăm mộ chí sĩ Tăng Bạt Hổ tại Huế   (24/05/2004)
Nghề làm dầu dừa ở nông thôn Bình Định  (23/05/2004)
Cây dừa ở Bình Định  (20/05/2004)
Cây dừa ở Bình Định  (20/05/2004)
Làng võ Bình Định  (16/05/2004)
Phương tiện hành nghề đánh bắt cá ngày xưa ở Bình Định   (13/05/2004)
Nghề câu cá hố của ngư dân Bình Định xưa   (11/05/2004)
Bí ẩn 14 tháp cổ trên đất Bình Định   (10/05/2004)
Thăm cứ địa Tây Sơn   (07/05/2004)
Nghề đánh lưới chuồn xưa của ngư dân Bình Định  (02/05/2004)