Ngày trước, ngư dân không có dụng cụ cân đong đo đếm một cách thông dụng, thống nhất và khoa học như bây giờ mà chỉ dùng những gì sẵn có từ bản thân và xung quanh mình để đo lường. Trong bài viết này, chúng tôi ghi lại cách đo lường của thời xưa (mà nay vẫn còn dùng) ngư dân Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung, đã sử dụng qua nhiều đời rất thông dụng, mà nói ra là họ hiểu ngay như: ngón, gang, sải, giạ, rổ, giỏ, lào… Ngoài ra, ngư dân còn dùng loại thước mộc để đo chiều dài, ngang của ghe thuyền, chèo, buồm…
Đại loại các phép tính trên ta có thể hiểu như sau:
* Về cách đo có ngón, gang, sải, thước mộc
Ngón là cách tính theo đầu ngón tay, như gọi lưới một thì cỡ mắt lưới chỉ lọt một đầu ngón tay, lưới hai là cỡ mắt lưới chỉ lọt hai đầu ngón tay. Và cứ thế cỡ lưới, mắt lưới lọt mấy ngón thì được gọi tên luôn. Ngoài ra mỗi ngón còn có 2 kích cỡ như: lưới ba chẳng hạn, nếu chỉ vừa núm ba đầu ngón tay thì gọi là lưới ba dày (hay ba đực), còn mắt lưới lọt chỉ đủ 3 ngón tay thong thả thì gọi là lưới ba thưa, do đó không nhất thiết phải là một cỡ.
Gang là độ dài bằng một khoảng dài từ đầu ngón tay cái đến đầu ngón tay giữa chừng 20 cm gọi là một gang. Cách tính này cũng vô chừng vì có người có bàn tay ngón dài ngón ngắn không như nhau.
Sải là khoảng chiều dài được đo từ hai tay được giang ra qua trước ngực từ đầu ngón tay giữa bên phải cho đến đầu ngón tay giữa bên trái là một sải. Và sải cũng vậy, không có chừng mực vì có người tay dài, người tay ngắn. Ngoài ra người ta còn dùng một cánh chỏ (tức ¼ sải), một cánh tay ( tức ½ sải).
Thước là cách đo bằng chỏ tay, từ cùi chỏ cho đến đầu ngón tay giữa là một thước (khoảng 38-40 cm). Ngư dân dùng cách đo thước này để đo chiều dài, chiều ngang của ghe, đo ván, then, cây chèo.
* Về cách lường gồm có giỏ, giạ, lào, cân tư mã
Giỏ được đan bằng nan tre dùng để chứa như rổ, đường kính chừng 2 gang tay, lòng sâu cỡ một gang rưỡi (có nơi gọi là rổ) dùng để đo lường cá nhỏ như cá nục, cá cơm, cá trích.
Giạ được đan bằng nan tre chứa được ba giỏ hay rổ.
Lào cũng được đan bằng nan tre, vành cứng, xung quanh có nhiều công để giữ lào chắc cứng. Lào có sức chứa khoảng 3 giạ cá, được đặt cố định dưới khoang ghe.
Cân tư mã là loại cân đơn giản, đòn cân là một cây danh mộc chắc chắn, được chuốt tròn, bằng ngón tay cái, một đầu lớn, một đầu nhỏ. Đầu lớn có khoan 3 lỗ, một lỗ cột dây có móc cân, hai dây kia là để xách cân lên cân tùy theo vật cần cân nhiều hay ít mà người ta xách dây trong hay dây ngoài. Quả cân là một hòn chì hay một một số đồng tiền được xâu chung. Nếu quả cân bằng chì cũng nặng tương đương với số tiền đồng được quy định. Trên đòn cân người ta xoi hai hàng lỗ nhỏ, đều nhau được nạm nhôm để dễ thấy mà biết được trọng lượng của đồ vật đem cân. Loại cân này không phải dùng để cân cá mà cân vật liệu quý hiếm trong nghề biển như: bả gai, nhợ, lưới, vi cước cá…
* Cách đếm:
Có 3 đơn vị đếm:
- Một lằm: Tức là 100 con cá.
- Một thiên: Tức là 1000 con cá.
- Một muôn: Tức là 10 thiên hay 10 ngàn con cá.
Có địa phương khác thường gọi một muôn là một ngón như vùng Thanh Khê (Đà Nẵng) chẳng hạn.
Nói tóm lại, cách đo lường ngày trước không nhất định và tùy theo địa phương, có thể dài ngắn, nhiều ít, già non, và thường dùng những phương tiện sẵn có tại chỗ. Càng về sau việc cân đo càng có tiến bộ hơn. Để đo lưới, ngư dân dùng thước tây (mét) đo vào một cái cây dài 1,8m coi như một sải cho thống nhất và quy định mỗi người một phần lưới là bao nhiêu sải cây, không hơn không kém.
. Trần Xuân Liếng
|