Ở Bình Định, cá cơm được đánh bắt bằng nghề mành cơm. Mành cơm cũng giống như các loại mành khác như mành chà dắt, nhưng dài và rộng hơn, có nhiều lưới dày hơn để cá cơm khỏi chui lọt. Mành cơm được đánh gần bờ khoảng nước từ 7 đến 12 sải tay. Thường vào khoảng tháng 11 đến tháng 2 âm lịch năm sau, nhất là lúc trời thật êm, biển lặng, là thời điểm thích hợp cho nghề mành cơm.
Bốn giờ sáng, ghe đã rời bến chèo đến những vùng có cá cơm nổi. Trời vừa hừng đông, mành đã được đánh xuống biển. Người cầm chèo trên 2 ghe (lối chừng 10 người) đều đứng quay lưng ra phía trước, xoay mặt ngược ra sau lái găm chèo xuống nước và giật mạnh một cách nhịp nhàng để cho mành nới rộng đón cá. Để tăng thêm phần sức mạnh và được đều nhịp, người cầm chèo lái (chèo dọc) hát lên những câu hò như hò kéo lưới để anh em cùng dô ta giựt mạnh. Thường là những câu hò như:
Thủng thỉnh (dô ta) mà lượm hoa rơi (dô ta)
Lượm cho (dô ta) có chí (dô ta) hơn người trèo cao (dô ta)
Mặt trời đã bắt đầu lên, mẻ mành đầu tiên được kéo để thu hoạch cá và bán lại cho bà con làm nghề câu mồi, rồi tiếp tục đánh mẻ khác. Khi mặt trời đã lên cao và nước đi thuận, 2 ghe chỉ giật lúc đầu rồi sau đó bỏ neo để nghỉ tay. Cá cơm cũng thường chạy vào các canh như: thủy triều, nước trở, trăng mọc, trăng lặn, lại gió. Có lúc đến 2-3 giờ chiều, ghe mới về bến và mành phải được khiêng lên bãi cát phơi khô.
Ngày nay đã có các loại lưới bằng sợi ni lông dệt máy thay thế, ghe cũng được gắn máy thay sức người. Có một điều đáng nói là mành cơm hôm nay coi như đã bị mai một và có phần lỗi thời. Hiện tại, người ta dùng đèn điện chong thâu đêm tập trung cá lại rồi mới vây lưới bắt. Lưới thì dày, dài rộng, không phơi khô, muốn đánh lúc nào cũng được nên sản lượng cá được tính bằng tấn tạ chứ không bằng giỏ, rổ như cha ông ta ngày trước.
. Trần Xuân Liếng
|