Tuy không cổ kính bằng xứ Huế, thơ mộng như Đà Lạt, xinh đẹp bằng Nha Trang, quyến rũ bằng Vũng Tàu… nhưng thành phố biển Quy Nhơn vẫn có những nét đẹp riêng của nó. Nếu có dịp về quê hương Bình Định, xin mời các bạn đến thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Quy Nhơn như Ghềnh Ráng, bãi biển Quy Hòa, mộ Hàn Mặc Tử, đầm Thị Nại, Cù Lao Xanh, tháp Đôi, chùa Long Khánh…
|
Tháp Đôi |
Ghềnh Ráng là một làng chài thơ mộng nằm dưới chân một ngọn đồi quanh năm lộng gió, sóng vỗ rì rào, chỉ cách trung tâm thành phố chừng 2 km. Từ lâu, Ghềnh Ráng là nơi gặp gỡ, hẹn hò của biết bao trai thanh gái lịch Quy Nhơn vào các ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần.
Ghềnh đá trải dài đến hàng km, một bên tựa vào núi và một bên thì nằm xoài ra biển khơi. Những gộp đá lớn nhỏ, đủ hình dạng nằm xếp chồng lên nhau trông thật kỳ lạ và đẹp mắt. Du khách phải trổ tài "phi thân" mới mong vượt qua ghềnh đá này. Tiếp nối ghềnh đá là Bãi Trứng. Dưới chân khách là đá trải hàng hàng, lớp lớp, những viên đá tròn vo trông như những quả trứng chim "đại bàng" nên mới có tên là Bãi Trứng. Có lẽ, trên đất nước ta không có bãi tắm nào kín đáo, yên tĩnh mà lại thơ mộng và quyến rũ đến thế. Ba bề là núi đồi, điểm xuyết những gộp đá với nhiều hình thù kỳ dị. Vì cảnh đẹp như thế nên ngày xưa, Nam Phương Hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại thường đến nghỉ ngơi và tắm mát. Năm 1927, Bảo Đại cho xây dựng ở đây một nhà nghỉ mát cao ba tầng gọi là "lầu Bảo Đại", còn bãi tắm thì mang tên là "bãi Hoàng Hậu". "Lầu Bảo Đại" đã bị phá hủy vào năm 1949, hiện nay chỉ còn lại dấu tích bể nước và giếng tắm mà thôi.
Muốn đi thăm mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử, du khách sẽ đi theo con đường đá quanh co từ chân đèo Quy Hòa dẫn lên mộ thi sĩ nằm ở lưng chừng đồi, bốn bề cây cối tỏa bóng râm mát.
Mộ Hàn thi sĩ xây theo kiểu tân thời bằng xi măng và đá núi. Trên đầu mộ có dựng tấm bia ghi tên những người trong gia đình thi sĩ và nhà thơ Quách Tấn, người đứng ra di dời hài cốt thi sĩ từ nhà thương phong Quy Hòa về đây vào năm 1959. Phía trên đầu bia có tượng Đức Mẹ Maria cao lớn nhô lên giữa đỉnh đồi, đôi mắt nhân từ nhìn xuống mộ, hai tay dang ra như để đón lấy linh hồn Hàn Mặc Tử. Mộ trông đơn giản, thanh thoát. Cảnh bài trí chung quanh thật mộng mơ và u tịch. Theo lời nhà thơ Quách Tấn: "Đây thật là nơi đắc địa!".
Bên kia đồi là bệnh viện phong Quy Hòa nổi tiếng nhờ ở đây thu nhận và chữa trị hàng ngàn bệnh nhân phong từ khắp mọi miền đất nước. Quy Hòa trở thành nơi tham quan, du lịch, cắm trại, vui chơi trong những ngày hè oi ả, nóng bức, bởi lẽ Quy Hòa quanh năm đắm chìm dưới rừng dừa xanh, có bãi tắm lý tưởng với bãi cát phẳng phiu, mịn màng điểm xuyết những hàng phi lao vi vu trước gió. Còn khu bệnh viện, nhà cửa khang trang, sạch đẹp được kiến thiết như một "tiểu thị trấn" xinh xinh, thơ mộng. Chính nơi đây, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian chịu đựng căn bệnh nghiệt ngã, hiểm nghèo. Rời nơi đây, du khách có thể dùng thuyền máy đi dạo chơi trong đầm Thị Nại, vừa tham quan các thắng cảnh, vừa thưởng thức những món đặc sản biển một cách thích thú. Đầm Thị Nại là một đầm nước mặn có diện tích rộng 5.000 ha, chiều dài đến 15 km và rộng từ 3-5 km. Đầm nước được bao bọc bởi bán đảo Phương Mai với dãy Triều Châu nhô cao, xa trông như một bức trường thành thiên nhiên hùng vĩ che chắn sóng gió biển Đông. Dọc theo đầm là những di tích lịch sử như chùa Lồi, miếu Bà Cố Hỉ, pháo đài nhà Nguyễn, Nha Phiên Hải Tấn… Nha Phiên Hải Tấn là một thương khẩu của cảng Thị Nại thuở xa xưa, nay đã bị lấp cạn. Còn Eo Vượt thì nhắc đến sự tích ông Khổng Lồ tát cá trong đầm vào thưở khai thiên lập địa. Và Bãi Khách Thử là một thắng cảnh đẹp tuyệt vời trông như một hoang mạc với những đồi cát, thung cát tiếp nối nhau trải dài tít tắp. Ở đây có những bãi tắm thật hoang sơ, vắng vẻ và những động cát thật kỳ ảo, những suối nước ngọt trong veo, mát lạnh làm say đắm lòng người. Theo truyền thuyết và sử sách để lại thì, Khách Thử chính là Kẻ Thử, là nơi mua bán, trao đổi phẩm vật của thương cảng Thị Nại ngày xưa.
Du khách chớ quên đến tham quan Tháp Đôi, một di tích Chămpa nằm ven đại lộ Trần Hưng Đạo, cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố, từ lâu được xem như hình ảnh biểu trưng cho phố biển Quy Nhơn. Tháp có hai ngọn, một cao, một thấp đứng sát bên nhau như một đôi tình nhân dầm mưa dãi nắng từ bao thế kỷ. Tháp Đôi được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XI và đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Vì Tháp Đôi nằm gần cầu Đôi, nên người địa phương có câu ca:
Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi
Vật vô tri còn đèo bồng duyên lứa
Huống chi tôi với nàng…
Hiện nay, con đường du lịch Quy Nhơn (Bình Định) nối liền Sông Cầu (Phú Yên) dài trên 30 km chạy xuyên qua nhiều núi đồi cheo leo, uốn mình qua các làng chài thơ mộng đẹp như tranh, cảnh quan non non, nước nước thật hữu tình, cùng nhiều bãi tắm hoang sơ, quyến rũ. Nhiều khu du lịch đang được đầu tư xây dựng gấp rút. Hy vọng trong tương lai không xa, Quy Nhơn sẽ trở thành điểm dừng chân nghỉ ngơi, tham quan, giải trí đầy hấp dẫn đối với du khách bốn phương.
. Theo Báo Công Nghiệp |