Bình Định là nơi trồng rất nhiều mì (người miền Bắc gọi là sắn), nhất là tại Hoài Nhơn và các vùng lân cận. Ở đây, có nhiều hộ gia đình nông dân chuyên nghề chế biến củ mì thành hàng hóa hay thực phẩm để nuôi sống con người và chăn nuôi súc vật.
Mì góp phần không nhỏ tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân trong vùng, song song với việc đồng áng, thu hút nhiều lao động không kể độ tuổi già, trẻ, trai gái đều có thể tham gia như những công việc thường nhật trong gia đình.
Cây mì được trồng ở bất cứ loại đất nào như đất rẫy, đất cát pha, đất thịt, đất bìa rừng, bên bờ ao, hay cồn bãi đều trồng được. Sau khi đất đã được cày, cuốc cho xốp và đã làm sạch cỏ gốc rễ xong, ta có thể trồng mì được. Giống để trồng là thân cây mì (tức choái mì). Cây mì trồng tốt nhất là trước và sau tết âm lịch, nghĩa là lúc trời ít mưa, đất vẫn giữ độ ẩm để choái mì nảy mầm tốt. Sau ngày trồng mà gặp trời mưa nhiều, gốc choái mì thường bị chữa nên sau này cho củ cũng bị giảm. Tùy theo giống mì (như mì gòn, mì nếp, mì lao, mì xanh) mà mật độ trồng có dày cây dày hàng hơn, nên được người ta căng dây mà trồng.
Chỉ có mì gòn là có thể thu hoạch sớm, khoảng 7-8 tháng sau khi trồng, cho nên người ta chọn trồng mì ở những vùng đất thường ngập lụt, thường vào tháng 8 âm lịch trở đi. Các giống mì khác đều được thu hoạch muộn hơn, nhất là mì Ấn phải tới một năm.
Để làm ra tinh bột, mì được nhổ cả tấn chất thành đống, vào lúc chiều và tối lại, cả nhà lớn bé cùng những người hàng xóm được đổi công vần công, vây quanh đống mì để lột vỏ rồi bỏ vào giỏ, sau đó đổ vào lu chờ ngày mai có thợ đến mài. Cứ thế hết đám này đến đám khác, thợ, công, gồng, gánh rất bận rộn, tất bật.
Có những năm khó khăn trong kháng chiến chống Pháp, dân ở các vùng ven biển Hoài Nhơn đã dùng mì lát khô, lấy dao xắt nhỏ mỏng thêm một lần nữa cho thêm vào nồi cơm hằng ngày. Vì vậy, mì lát lúc bấy giờ cũng được vào bao chở đi lưu thông trong các vùng như một loại hàng hóa. Như vậy là, cùng song hành với cây dừa, cây mì cũng góp một phần không nhỏ vào những công ăn việc làm và duy trì cuộc sống của nông dân vùng Hoài Nhơn từ những năm 1955 trở về trước, nhất là trong kháng chiến chống Pháp, bởi hạt gạo phải được chắt chiu để dân công đưa ra chiến trường nuôi quân. Chẳng những ăn dùng cho những bữa ăn phụ trong gia đình mà những bữa cơm chính cũng được độn mì. Thời ấy, việc chuyên canh cây lúa còn lạc hậu, rất nhiều địa phương trong huyện chỉ canh tác một vụ và sức người không thể kham nổi cho việc tưới tiêu, nên hạt gạo rất quí hiếm. Vì vậy, củ mì vẫn đóng vai trò không nhỏ trong mọi bữa ăn gia đình lúc bấy giờ. Cho nên, người dân ở vùng này đã lưu truyền câu ca dao:
Khen cho bạn rẫy có tài
Có một chén gạo nồi hai cũng đầy
Hay là:
Ra đi quần soọc áo sơ mi
Về nhà hỏi mẹ rổ củ mì để đâu
để nói lên tầm quan trọng của củ mì.
Để cho người già và trẻ con có thể dùng mì trong bữa ăn mà không sợ khô cứng, và cũng để thay đổi cách ăn cho hợp khẩu vị tránh sự ngao ngán, người ta đem mì lát khô giã thành thành bột, rây mịn xong bỏ vào thùng đậy cất, khi cần dùng đem ra một ít, lấy nước sôi sú lên bột để cho bột dẻo và nhồi cục lại cho nhuyễn, sau đó nặn thành bánh. Bánh này ở giữa lấy cơm dừa đã được sò thành sợi, xào lên và trộn gia vị cho vừa ăn để làm nhân, rồi lăn thành bánh tròn như quả trứng đem luộc hay hấp chín lấy ra dùng một chảo khác khử dầu dừa hay dầu phụng, thêm củ hành hay hành lá để tăng độ thơm hấp dẫn, thường gọi là bánh trụng hay bánh tròn. Cả nhà, mỗi người dùng dăm ba quả bánh, với tô nước chè xanh, là có thể chắc bụng đi làm suốt cả buổi. Hoặc đơn giản hơn, sau khi sú và nhồi bột người ta không nặn bánh, không làm nhân bằng dừa mà cứ nặn tròn mỏng thành lát như khu chén, rồi đem luộc, vớt ra cũng cho vào chảo dầu có hành hẹ thơm, luộc thành bánh rồi cả nhà vui vẻ dùng bữa, thường vào sáng hay trưa, còn chiều thì mới dùng bữa cơm có ghế ngô hoặc khoai.
Ngày nay, với mức sống cao dần của người dân, thì ngô, khoai, sắn (mì) đã cũng dần vắng bóng trong các bữa ăn. Tuy nhiên, ngoài việc xuất khẩu ra nước ngoài, mì vẫn còn được dùng trong việc chế biến thực phẩm cho gia súc và một số món ăn khác.
. Trần Xuân Liếng |