Đêm. Bến cá Quy Nhơn nhộn nhịp, xao động. Tiếng những bạn hàng gọi nhau í ới. Tiếng ghe, tàu nổ máy phành phạch. Tiếng xe lam, xe máy chạy xình xịch... Xen kẽ là những tiếng cười rộn ràng, vui tươi... Tất cả cùng hòa quyện, đan vào nhau làm đêm ấm áp lạ.
* Xôn xao mùa cá Quy Nhơn
Khung cảnh tấp nập, rộn rịp: Chiếc vào xuống cá, chiếc ra lấy đá, lấy dầu... háo hức, xăm xăm lao về phía đường chân trời xanh thẳm.
|
Chế biến cá bò gù |
"Cá gù bắt đầu về từ khi trời êm, gió nồm thổi. Hàng đàn, hàng đàn, chẳng bù cho những ngày cháo chan... Bò gù năm nay không nhiều như hằng năm, nhưng loại dưa gang và sọc dưa thì lủ khủ", ông Nguyễn Hóa, chủ một ghe cá, kể cho tôi nghe về công việc của mình. Ông dẫn dắt tôi qua một rừng rậm dày đặc những từ ngữ địa phương trúc trắc, khó hiểu.
À, thì ra, cá ngừ đại dương theo tiếng Bình Định quen gọi là bò gù, vì thân mình cá ngừ tròn trịa, gù lên với những sọc xanh đen. Cũng thế, cá nhỏ hơn được mang cái tên: dưa gang. Còn cá ngừ thường là sọc dưa. Cháo chan có nghĩa là thất nghiệp. Và lủ khủ có nghĩa nhiều vô kể.
"Bò gù là loại năm bảy chục ký một con, phải câu. Dưa gang chỉ vào khoảng mươi ký nên có thể đánh bằng lưới vây, lưới rút", ông Hóa cho biết. Rồi ông chỉ dàn lưới đằng mũi: "Khi nhận biết đàn cá, ghe bắt đầu đánh vòng xung quanh, vừa chạy vừa thả lưới. Khi lưới đã vây kín, trên tàu bắt đầu rút chì lưới. Rút bằng một con quay trục. Sau đó là kéo lưới, mang cá bỏ xuống hầm đá để ướp. Toàn bộ công đoạn diễn ra chỉ trong 4, 5 tiếng đồng hồ".
Thuyền của ông chỉ mười người: "Toàn là người trong gia đình, con cháu, không có người ngoài. Mỗi chuyến đi mất chừng tuần lễ, mười ngày. Chừng nào hết đá để ướp cá thì về". Hết đá, khi ấy cả 3 hầm đá ướp đầy cá ngừ, độ chừng 20 tấn.
* Kinh nghiệm đi câu cá bò gù
"Câu cá bò gù là một cái thú. Thú cả về tiền bạc lẫn tinh thần. Hai con cá bò gù có giá trị bằng một tấn cá sọc dưa. Câu bò gù không phải ngồi chồm hổm cần câu như câu sông đâu. Dàn câu bò gù dài tới một cây số, có phao nổi và cả ngàn thẻo (dây câu) thả xuống nước, mang lưỡi câu lớn. Mồi câu bò gù là mực xà, cá chuồn. Phao động là kéo dây. Câu bò gù ham lắm, ông Hóa kể.
Thành một kinh nghiệm của những người đi biển mùa cá vụ: Thuyền nào may mắn tìm được một cây núi trôi trên biển đã bắt đầu mọc rêu, đóng hà, chỉ cần 2, 3 ngày là cá đầy hầm. Cá ngừ sống thành đàn, thích bám theo những cây núi ấy để ăn rong rêu, sinh vật phù du.
"Vừa ra biển là tui gặp ngay một cây núi. Mới 3 ngày đã hết đá ướp cá. Tui gọi anh em đến đánh tiếp, quay vào bờ đổ cá rồi ra lại", ông Hóa hồ hởi kể.
Theo lời của ông, thuyền nào đi biển cũng ăn chia theo tỉ lệ 4-6. Đồ ăn thức uống và dụng cụ, chủ thuyền lo hết. Đánh cá về, chủ lấy 4, còn 6 phần thợ thuyền chia nhau.
"Mỗi lần ra biển như thế, chuẩn bị tất cả mất khoảng 20 triệu đồng. Mùa này có ăn rồi, chuyến nào cũng lãi khoảng 50, 70 chục triệu cả. Anh em ai cũng dư ăn. Vui.", ông Hóa nói bằng giọng sang sảng.
Vâng, niềm vui ấy bừng trên khuôn mặt tất cả mọi người trên bến cá Quy Nhơn. Đến những người đi chầm hâm (xin cá sót) cũng được san sẻ ít nhiều.
* Gian nan nghề biển
Không có gì bảo đảm cho cái nghề ''đâm hà bá" đầy hiểm nguy này trong từng chuyến đi biển. Trong mỗi chuyến ra biển, những ngư dân luôn phải đối phó với biết bao khó khăn, nguy hiểm.
Sóng gió, bão tố đã là chuyện thường tình đối với họ. Bên cạnh đó là những nỗi đe dọa bất thường khác như hỏng hóc về máy móc, trục trặc kỹ thuật: hết dầu, mất liên lạc... Đó là chưa kể nạn cướp biển đe dọa ở một số vùng biển phía Nam như Kiên Giang, Phú Quốc...
Theo lời ông Hóa, đi câu cá ngừ đại dương, khó khăn nhất là lúc vây lưới. Vây không khéo, để lưới cuốn vào chân vịt, phải lặn xuống gỡ ra là cực kỳ nguy hiểm. Chong chóng chân vịt có thế chém vào người thợ lặn nếu không có nghề. Đã có nhiều trường hợp tử vong như thế.
"Nhất đâm hà bá, nhì phả sơn lâm. Làm nghề biển đâu phải dễ ăn. Nếu ai hiểu câu ấy theo nghĩa giàu có thì không đúng bởi chính những người đi biển sẽ thấu hiểu nghề này cực khổ thể nào", ông Hóa kết luận.
. Theo Người Lao Động |