Câu cá thu bằng câu xóng của ngư dân Bình Định
10:10', 4/8/ 2004 (GMT+7)

Câu xóng là một loại câu tay, chuyên câu cá thu, giống như câu cá hố. Nhưng câu xóng đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm rất cao, vì cá thu là loại cá ăn khôn, thích ăn mồi sống (nghĩa là con mồi còn chạy tới chạy lui được). Cá thu thường ở những vùng rạn khơi rộng, nhiều con mồi mà mành chà không thể vươn tới được.

Ghe để câu xóng là loại ghe vừa, nhẹ, chạy buồm, có cỡ 4 hoặc 5 lao động. Dụng cụ câu xóng không khác gì câu hố. Quan trọng là kỹ thuật, mẹo vặt và chút ít kinh nghiệm là đạt.

Ống câu xóng là loại tre lòng ngà, đường kính gần cả gang tay được chuốt cật và tạo thành răng cưa để khi được quấn triên câu vào cho mau khô, không bị ẩm mục. Giữa ống có khoan 2 lỗ hai bên để đóng vào đó một cây tre nhỏ bằng chiếc đũa để dễ bám cầm khi cuốn, nới câu.

Triên câu là một sợi dây vừa thanh vừa chắc, thường là người ta dùng tơ tằm. Triên có thể dài 50-60 sải, mặc dù độ nước sâu lối 25-30 sải tay, ấy là phòng khi cá thu ăn, nó là giống chạy bất kể. Khi cá chạy ra thì nới, khi chạy trở lại thì thu vô, và phải nhiều lần như thế cá mới yếu đi, lúc đó người ta dùng một cần câu bắt khác mới bắt nó lên ghe được.

Đòn gánh là một sợi mây rừng, đoạn chừng 3 gang ta để khi cột chì, khi nới nó làm cho bộ phận thẻo và lưỡi khỏi rối vào triên. Thẻo là một đoạn dây thật chắc hay sợi cước (cước thời đó rất hiếm) dài chừng 2 sải tay, là bộ phận tiếp nối giữa triên và chưn lưới qua trung gian đòn gánh. Thẻo được trôi tự do theo nước, để bộ phận móc mồi linh động làm cho cá nhận nhầm mới ăn câu.

Chưn câu và lưỡi câu cũng giống như các loại câu khác, chưn câu là một sợi dây đồng thau được luộc mềm để cho cá khỏi xuông răng. Lưỡi câu cũng là một sợi dây đồng thau lớn cứng được uốn thành lưỡi câu khéo léo. Câu xóng là câu cá thu nên có thêm lưỡi câu thứ hai nữa gọi là lưỡi chuyền. Lưỡi này cột cách lưỡi chính 2 lóng tay. Khi móc mồi, người ta móc luôn 2 lưỡi, lưỡi chính móc vào đầu con mồi, lưỡi chuyền thì luồn ra phía đuôi miếng mồi để phòng khi cá thu khôn thường chỉ cắn phần đuôi con mồi.

Về cá làm mồi, như đã trình bày ở trên, cá thu là một loại cá khôn, thường ăn mồi sống còn chạy tung tăng nên ở câu xóng đòi hỏi khâu móc mồi phải khéo tay, mẹo thuật tinh xảo. Để có con mồi sống, người ta phải chạy ra chực mua cá nục được đánh chà vừa mới vớt lên, xong rộng vào thau ngay. Trường hợp không có mồi sống thì có thể dùng mồi chết, nhưng khi móc mồi phải tạo sao cho con mồi khi mới xuống nước, được nước chảy, miếng mồi phải lách qua lách lại như còn sống, tạo lầm lẫn cho cá thu. Ấy là mẹo thuật và ngón nghề mà không phải ai cũng làm được.

Lưỡi câu bắt cá chỉ dùng độc nhất một lưỡi, là một cây thép cứng lớn bằng chiếc đũa con mài nhọn, uốn rộng khoảng 5-6 phân, cộng dài có mấu được gắn vào một cán cây bằng cườm tay, dài không đầy 1 sải. Khi cá ăn mồi, và người ta đã lừa gần chết, trước khi đưa lên ghe, một người khác cầm cần câu bắt móc vào mình cá thật nhanh nhẹn và phụ với người cầm câu đưa cá lên ghe. Tránh giờ phút chót, cá vùng vẫy sẽ bị gãy lưỡi, đứt chưn rồi rớt mất. Đồng thời vết thương do lưỡi câu bắt sẽ làm cá nhanh chết tránh nguy hiểm.

Ghe làm nghề câu xóng gọn nhẹ, chạy bằng buồm có bếp nấu, lương thực, thực phẩm để ở cả ngày ngoài biển, chờ con nước. Cá thu là loại cá ăn mồi rất khôn, chúng thường ăn, và ăn rộ ở các canh trong ngày. Nhất là những ngày trước và trong thủy triều và trong ngày có các canh: hừng đông, trăng mọc, trăng lặn, nước mẫy, nước trở, lại gió. Ghe được chạy ra khơi, đến vùng rạn rộng mà cá thường trú, người ta xem chừng nước gió, cho ghe neo ở đầu nước vùng rạn đó, và theo kinh nghiệm thì neo ở hòn rạn nào cao hơn thì có nhiều cá hơn. Bắt đầu nới câu thăm dò, câu nới đến khi nghe hòn chì đụng đá và được mơn lên cách đáy và miếng mồi lối 1 sải (nghĩa là phải kéo về lối 3 sải, vì thẻo câu đã có 2 sải rồi). Khi đến canh cá ăn rộ, bằng mọi cách giữ cho cá không cắn hoặc làm rối câu khác, lúc ấy là đạt yêu cầu. Gặp cá lớn quá chuyển động nhiều thì một người khác lập tức đến hỗ trợ nối thêm câu cho đủ, tránh bị làm ngặt hay rối câu, sẽ đứt câu là mất cả. Nếu khi câu mà có một ống câu nào đó không nghe cá ăn, phải lập tức kéo lên sửa và thay mồi khác, chuyển sang cách khác. Có một điều lạ là cùng trong một ghe mà trong có người câu 7-8 con mà có người chỉ được 1- 2 con hay không có con nào. Câu xóng thì mỗi người nới 1 hay 2 ống câu mà thôi.

Ngày nay thì người ta dùng sợi cước, chưn mí, lưỡi i - nốc, ghe được gắn máy, và câu bằng cần câu rảnh không rối nên cá hay ăn hơn.

. Trần Xuân Liếng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đi câu "bò gù"   (20/07/2004)
Làng rèn Phương Danh  (14/07/2004)
Cây mì với người dân Bình Định   (11/07/2004)
Ai về Quy Nhơn   (09/07/2004)
Tây Sơn có thác Hầm Hô  (06/07/2004)
Đánh bắt cá cơm bằng nghề mành cơm ở Bình Định   (22/06/2004)
Cách đo lường của ngư dân Bình Định ngày xưa   (17/06/2004)
Lễ hội cầu ngư ở Bình Định   (15/06/2004)
Nghề làm bún ở An Nhơn   (14/06/2004)
Nghề nấu đường thủ công ở An Nhơn   (13/06/2004)
Thăm đền thờ Cụ Nguyễn Trung Trực  (11/06/2004)
Nghề rớ đánh cá sông ở Bình Định xưa  (06/06/2004)
Tâm tình người dân biển trong ca dao Bình Định   (01/06/2004)
Thăm mộ chí sĩ Tăng Bạt Hổ tại Huế   (24/05/2004)
Nghề làm dầu dừa ở nông thôn Bình Định  (23/05/2004)