Eo Gió thuộc thôn Hưng Lương, xã bán đảo Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Nếu đi ghe máy từ bến Hàm Tử vượt biển ra thì mất độ 2 giờ. Còn vượt đầm Thị Nại cũng phải mất thêm hơn 2 giờ lội qua những trảng cát, doi cát mênh mông không có bóng cây che, mới tới được Hưng Lương.
|
Mũi Yến (Nhơn Hải, Quy Nhơn) |
Gọi là Eo Gió, hay Eo Cửa Gió vì đấy là cái hõm như yên ngựa, nằm giữa hai mỏm núi cao kề bên biển. Gió từ biển cả lọt qua hõm núi này như rót vào miệng phễu, thổi lồng lộng khiến người vừa đẫm mồ hôi vì lội cát, đến đây đã chợt thấy se lạnh.
Ở quanh Eo Gió, đá lởm chởm dựng như thành. Từng phiến từng phiến đổ xiêu xiêu vào vách núi như đám cây mềm không chịu nổi sóng gió đại dương. Xa bờ một chút, bãi đá nhấp nhô tạo hình con cá sấu khổng lồ đang vươn mình, đầu cất cao trên sóng biếc. Bà con ở đây quen gọi con sấu đá này là hòn Mòng.
Dưới chân Eo Gió có bãi "đá đẻ". Những hòn đá to nhỏ nhiều kích cỡ nằm la liệt dưới chân sóng. Viên nào cũng tròn vo, nhẵn lì như mài. Người ta bảo bãi đá này "đẻ" thật. Vì năm nay nhặt đi, năm sau lại có nhiều như cũ. Ở đây còn có giếng Tiên. Nước từ vách đá chảy ra, trong vắt, không bao giờ cạn và ngọt lịm. Người đến đây chơi, tắm nước giếng Tiên thật là thoải mái. Còn nước biển, nhờ bãi đá mà nước xanh màu ngọc bích. Tắm biển hồn nhiên, tự nhiên cũng là cái thú của sự ngao du giữa sơn thủy hữu tình.
Vào những ngày nghỉ, nam nữ từ Quy Nhơn vượt biển ra chơi Eo Gió khá đông. Họ vui chơi, ngắm sóng, nhìn mây, tắm biển và… khắc tên vào đá để "lưu danh thiên cổ". Chiếc cầu lớn vượt đầm Thị Nại dài hơn 2.500 m bắt đầu được thi công. Khu kinh tế mở và du lịch Nhơn Hội sang Nhơn Lý rất gần thì Eo Gió sẽ trở thành điểm du lịch đầy hấp dẫn vẫy gọi du khách.
. Nguyễn Văn Chương |