Có thể khẳng định cư dân văn hóa thời đại kim khí ở Việt Nam là cư dân nông nghiệp, chứng tích khảo cổ học đã nói lên điều đó. Về địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh nói chung, Bình Định nói riêng là ven biển, ven các cửa sông và các đầm nước ngọt gần biển. Với lớp văn hóa dày 2m như ở Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và trên 1m như ở Truông Xe (Phù Mỹ) chứng tỏ họ đã tụ cư liên tục, ổn định và gắn quyện vào nhau thành một khối cộng đồng.
|
Dụng cụ bằng gốm dùng trong sinh hoạt đun nấu của người Sa Huỳnh phát hiện ở Động Cườm |
Trong giai đoạn sớm, họ đã sử dụng công cụ đá như cuốc, rìu, dao… Nền nông nghiệp dùng cuốc đã chi phối toàn bộ cơ tầng kinh tế của cư dân Sa Huỳnh từ sớm đến muộn. Chỉ khác là giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất, cuốc sắt đã ra đời và tạo nên bước ngoặt lớn trong nông nghiệp. Đồ sắt trong giai đoạn này chủ yếu là công cụ sản xuất như cuốc, thuổng, liềm, dao, rìu. Công cụ bằng đá đã mất hẳn vị trí và bóng dáng của chúng không còn in đậm trong nội dung văn hóa giai đoạn này.
Qua khai quật các di tích văn hóa Sa Huỳnh, cho đến nay chưa tìm thấy hạt lúa nguyên dạng, nhưng trong gốm Sa Huỳnh đã có pha trấu, chứng tỏ lúa là cây lương thực chính. Mặt khác, trên hình vẽ đồ gốm Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) có hình vẽ cây lúa được thể hiện như một mô típ hoa văn trang trí. Hình bông lúa cũng là một biểu tượng quen thuộc của gốm Sa Huỳnh. Ngoài cây lúa còn có một số cây lương thực khác như khoai, lạc, đậu… mà đất phù sa là loại đất rất thích hợp cho việc canh tác những cây trên. Có thể các loại cây lấy sợi như bông, đay, gai đã được người Sa Huỳnh trồng để lấy sợi dệt vải. Với sự xuất hiện dọi xe chỉ tìm thấy trong hố khai quật đã nói lên sự phát triển nghề thủ công này trong văn hóa Sa Huỳnh.
Ngoài canh tác nông nghiệp, một ngành nghề kinh tế khác được xem là phát triển đến trình độ cao của người Sa Huỳnh, đó là: nghề sản xuất gốm. Các chum gốm lớn, bình, vò có hoa văn thể hiện đẹp đã chứùng tỏ kỹ thuật và óc thẩm mỹ của người Sa Huỳnh khá cao trong việc chế tạo đồ gốm. Nghề thủ công này, không chỉ nhằm đáp ứng đồ dùng trong sinh hoạt thường ngày như: nồi, bình, bát, dĩa, đèn, chum, vại mà gốm còn được dùng làm quan tài để mai táng người thân nữa.
Đồ gốm có dáng thanh, mềm mại, với thủ pháp trang trí chủ đạo là khắc vạch, những họa tiết đường cong kết hợp với họa tiết văn in mép vỏ sò hay dấu văn thừng và tô màu đỏ, hay màu đen ánh chì thành các băng trang trí trên miệng, vai, thân, hay chân đế gốm hoặc được phủ kín bề mặt gốm. Trong đó tiêu biểu là những chiếc bình lọ hoa duyên dáng và những chiếc bình hình con tiện góc cạnh, vững chãi. Ở giai đoạn muộn, đồ gốm vẫn mang đặc trưng truyền thống, nhưng dáng thô, cứng cáp hơn. Hoa văn bớt dần họa tiết đường cong mềm mại, mà tăng họa tiết quy chỉnh. Nhìn chung, gốm giai đoạn muộn mang tính thực dụng hơn gốm giai đoạn sớm.
. TS. Đinh Bá Hòa |