Để làm ra chiếc võng dừa, người dân Hoài Nhơn phải bắt đầu bằng công việc tiếp xơ dừa, đánh dây dừa và làm ra chiếc võng.
Tiếp xơ dừa là một công việc rất phổ biến với bà con nông dân Hoài Nhơn hết thảy ai ai và lúc nào cũng có thể làm được. Đó là một việc, mà theo dân gian cũng không kém phần "sang trọng":
Giặc giã, mưa gió bất kì
Khoai lang không có, củ mì cũng không
Sang như cô gái Bồ Đề
Sáng ra đi võng, tối về lại xe
|
Xe dây dừa làm võng ở Hoài Nhơn |
Trước hết, người ta phải dần vỏ dừa: vỏ dừa khi được lóc ra khỏi sọ, được kê trên khúc gỗ hoặc miếng đá lấy vồ nhỏ dập (dần) cho dập, rồi lột lớp cật bên ngoài bỏ đi và cứ thế làm cho đến một chục vỏ (16 cái) hoặc nhiều hơn, rồi cùng ngâm một lúc (tùy theo lu ngâm lớn hay nhỏ) đổ nước ngập đầy lu và đè đá lên. Sau đó là đập vỏ dừa để cho xơ mềm, loại phần cám, chỉ còn lại cước xơ. Xơ tiếp được bưu (quấn) thành cục tròn như quả bóng. Xơ tiếp được quấn quanh 2 trụ hoặc 2 gốc cây. Với cách này họ tiếp nhanh hơn và rất đều. Họ để dồn xơ lại vài ba tuần cho nhiều rồi gánh ra chợ để bán, sau đó mua lại các đồ gia dụng khác mang về.
Ngày trước, đến các vùng nông thôn Hoài Nhơn có thể thấy nhà nào cũng tiếp xơ cả. Riêng chợ Ân vùng Cửu Lợi - Tam Quan là nơi trao đổi món hàng đặc biệt này, nhiều nhất là xơ dừa được bưu thành trái. Khi mua người cũng trả giá khác nhau tùy theo trái xơ lớn nhỏ, nặng nhẹ, tốt xấu. Người mua là những người chuyên đánh xơ dừa thành các loại dây đáp ứng cho các loại nghề cần dùng khác nhau.
Khâu đánh dây hay quây dây tiếp theo được tiến hành như sau: người ta đóng những cái cọc ở hai đầu để xác định được độ dài của dây, tiếp đó mới cho căng xơ, và cũng tùy theo dây lớn nhỏ mà tính toán mấy sợi xơ vào một con, có thể ba con được đánh vào một cái, do quen với nghề nên chuyện đó không khó đối với họ. Với các loại dây dùng cho ghe thuyền lớn và ngư cụ thì phải khó hơn vì dây có độ bền và chắc là cơ bản nhất. Với các loại dây thường (gọi là dây chợ) thì nhanh và dễ dàng hơn vì được con buôn đưa về các chợ khắp miền bán cho nông dân làm dây gàu, dây dắt bò. Và để có những đàng dây tốt thì việc đầu tiên là người ta chọn những bưu xơ được tiếp đều đặn và cước tốt, không có hoặc ít có cám ngay từ lúc đầu căng xơ. Để đánh dây hay quây dây, người ta phải qua mấy công đoạn bằng bàn quây. Sau khi căng xơ xong, người ta bắt đầu đánh dây để thành dây xe. Đây là một loại dây dừa rất nhỏ được dùng trong dân gian từ những năm 1960 về trước. Ngày ấy các loại dây nhỏ chắc được đánh bằng máy chưa có, nên dây xe vẫn được coi là chủ yếu dùng để bó cột, ràng rịt các đồ vật để mang xách, hay đan lưới bóng chuyền (vì lúc bấy giờ trong thể thao các loại lưới này đều tự đan lấy mà dùng). Có nhiều vùng biển dọc miền Trung cũng dùng dây xe để làm lưới đăng.
Công việc làm dây xe được ca dao ghi lại:
Thân em về ở xóm dây
Con thì bống khế, chồng quây suốt ngày
Hai vai gánh nặng đều hai
Xương rồng cũng gánh, dầu lai cũng đèo.
Trước đây vùng Tam Quan - Hoài Nhơn, dây xe thành thứ hàng hóa được nhiều người biết đến, họ mua để chuyển bán các nơi:
Tam Quan có một cái cầu
Lần xê xuống vạn thấy lầu ông Tây
Cũng như dây xe, võng dừa cũng được tiếp và xe bằng tay của những người đàn bà vừa nội trợ, vừa chăm con, vừa làm. Làm võng thì hơi kép công hơn xe dây vì vậy mà khi bán cũng được nhiều tiền hơn. Phần giữa của võng chiều khoảng 1,8 mét, rộng hẹp tùy võng đôi hay võng chiếc. Người thợ phải cùng một lúc vừa tiếp, vừa léo, vừa đánh để tạo những mặt lưới võng đều đặn và sợi được xe săn trông rất khéo. Có thể làm cả đêm lẫn ngày, bất cứ lúc nào rảnh rỗi, thường dành cho người trung niên hay lớn tuổi, khi công việc nông nhàn. Thân võng (tức phần lưới) đã xong thì người ta tiếp luôn phần tao cho hai đầu. Tùy theo phần thân lưới của võng mà phần tao có thể từ 25-30 sợi, mỗi sợi được làm lớn hơn dây xe, và dài khoảng 2/3 sải tay đưa đến đầu võng. Đầu võng là nơi tập trung của các tao võng được quấn bó làm thành hai khâu thật đẹp và chắc, để khi cột võng, người ta chỉ xỏ con găng vào giữa 2 khuy và cho 2 con găng ở hai đầu là có võng nằm, muốn tháo mở chỉ cần rút con găng là xong. Võng được sản xuất nhiều có người đến mua sỉ, hoặc mang ra chợ Ân bán rồi từ đó chuyển đi khắp vùng. Từ năm 1960 về sau, người địa phương nông thôn ít hoặc không dùng võng dừa phổ biến như những năm trước, vì đã có các loại võng ni lông thay thế…
. Trần Xuân Liếng |