Những kiến trúc tháp Champa hiện còn tồn tại đến ngày nay là những tháp được xây dựng nhiều đời, dưới nhiều triều đại và được phân ra nhiều phong cách khác nhau. Trong đó, những ngôi tháp ở Bình Định thuộc nhóm tháp vua Vijaya.
|
Tháp Dương Long - Tây Sơn |
Theo sử liệu Trung Hoa, vào cuối thế kỷ thứ II (sau Công nguyên, năm 192), vì không chịu được sự cai trị hà khắc của nhà Hán, nhân dân huyện Tượng Lâm đã nổi dậy giết huyện lệnh, giành lấy chủ quyền và thành lập một quốc gia độc lập. Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là Khu Liên được nhân dân tôn lên làm vua. Quốc gia mới thành lập của Khu Liên mà địa bàn hoạt động chính là vùng Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay được gọi là Lâm Ấp (từ 192 - 758), rồi Hoàn Vương (758 - 866) và cuối cùng là Chiêm Thành (từ 866 trở về sau).
Tên Chiêm Thành là tên phiên âm và dịch nghĩa của Champa pura (nghĩa là thành phố của người Chăm).Vương quốc Champa chia thành 5 tiểu vùng khác nhau. Vijaya là một trong 5 tiểu vùng ấy. Mỗi tiểu vùng đều có kinh đô riêng với tổ chức kinh tế, quân sự độc lập được cai trị với các tiểu vương. Mỗi tiểu vương bao gồm nhiều tiểu quốc nhỏ hơn nữa và được cai trị bởi những thủ lĩnh hoặc lãnh chúa. Vị vua hùng mạnh nhất của tiểu vương quốc được tôn xưng là Rajadhiraja nghĩa là vua của vua. Ấn giáo là tôn giáo của hoàng gia và quý tộc là người bảo trợ để xây dựng đền tháp thờ thần linh.
Di sản nghệ thuật quý giá của vương quốc Champa hiện còn là những kiến trúc tháp được xây dựng nhiều đời, dưới nhiều triều đại và được phân ra nhiều phong cách khác nhau. Trong sự phân chia đó, Bình Định thuộc nhóm tháp vua Vijaya. Khoảng sau năm 1000, tiểu vương quốc Vijaya trở nên cường thịnh, giữ vai trò trung tâm của vương quốc. Những đền tháp được xây từ thế kỷ 11 đến 14. Đền tháp Vijaya chia làm hai nhóm:
1- Nhóm nằm trong truyền thống Champa: tháp Bình Lâm, tháp Bạc (TK11), Thốc Lốc, Cánh Tiên, Thủ Thiện (TK12 -13).
2- Nhóm chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Khme: Dương Long, Hưng Thạnh (tháp Đôi) (TK 12 -13).
Nghệ thuật Vijaya là một bước phát triển của những đền tháp vùng Amaravati. Nhóm tháp đáng lưu ý ở đây là nhóm tháp Bạc (Bánh Ít), nằm ven một chi lưu của sông Côn cách cửa Thị Nại khoảng 7-8 km (cửa Thị Nại là thương cảng quan trọng trong vùng Đông Nam Á vào thế kỷ 11- 14). Tháp Bạc dựng vào cuối thế kỷ 11 đầu 12, là quần thể kiến trúc gồm 4 tháp. Vị trí của tháp Bạc gần ở trung tâm của vùng Vijava. Từ ngọn đồi này, chúng ta có thể nhìn thấy tất cả đền tháp trong vùng.
Nhóm tháp chịu ảnh hưởng kiến trúc Khme, tuy vẫn xây bằng gạch nung nhưng sử dụng rất nhiều sa thạch vào vòm cuốn, cửa vào, cửa giả và tầng trên tháp mái. Vào cuối thế kỷ 12, đế quốc Khme xâm chiếm Champa trong nhiều thập kỷ đem đến những ảnh hưởng nghệ thuật Khme vào tháp Champa mà nhóm tháp Dương Long - Hưng Thạnh là những chứng cứ. Tuy ảnh hưởng nghệ thuật Khme nhưng kiến trúc này vẫn giữ được cá tính của đền tháp Champa, nêu bật được giá trị thẩm mỹ truyền thống của nghê thuật Champa mỗi khi tiếp xúc với các nền nghệ thuật khác.
Năm 1471, vùng Vijaya bị bỏ phế, vương quốc Champa phải thu hẹp lãnh thổ vào phía nam đèo Cả (Khánh Hòa ngày nay).
Cùng với nền nghệ thuật Amaravati, đền - tháp Vijaya là những chứng cứ vật chất sinh động để tìm hiểu nền văn minh Champa trong nhiều thế kỷ (TK 7 - 14). Đây là thời kỳ cường thịnh của vương quốc Champa với những mối quan hệ giao lưu rộng rãi khắp vùng Đông Nam Á, từng có một thời giữ vị trí quan trọng trên con đường thương hải từ Đông sang Tây.
. TS. Đinh Bá Hòa |