Quê hương anh hùng Ngô Mây
16:49', 29/9/ 2004 (GMT+7)

Ngô Mây là người anh hùng được tuyên dương đầu tiên của quân đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Anh sinh ở thôn Triêm Ân, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát trong một gia đình nông dân nghèo có 9 người con. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, tháng 4 năm 1947, Ngô Mây xung phong vào bộ đội, được phiên chế vào đội quân "Quyết tử". Anh không viết thư báo tin cho gia đình hay người yêu vì e mọi người lo buồn rồi tác động làm ảnh hưởng đến quyết tâm diệt địch của mình, bởi người đội viên "Quyết tử" ôm bom lao vào đánh địch, chắc chắn sẽ hy sinh. Nhưng Ngô Mây rất vui vì được vinh dự làm nhiệm vụ này.

Ngày 11-12-1947, lính Pháp từ An Khê đánh xuống Bình Định theo quốc lộ 19. Ngô Mây nhận lệnh xuất kích. Anh ôm bom chờ địch ở ven bờ suối Vối, cách An Khê 2 km. Khi địch lọt vào ổ phục kích, Ngô Mây cổ quàng khăn đỏ (biểu tượng của lòng quyết tử) lao thẳng vào đám địch đông nhất với quả bom trong tay. Bom nổ. Hơn một trung đội lính Âu Phi tan xác. Quân ta ào lên tấn công diệt hơn 100 tên nữa. Địch hoảng hốt rút chạy về An Khê, bỏ dở cuộc càn. Vùng giải phóng Bình Định được giữ vững.

Liệt sĩ Ngô Mây được tuyên dương là Anh hùng quân đội với dòng chữ "Đệ nhị Anh hùng toàn quốc".

Đi theo đường Quy Nhơn - Tuy Phước xuống Vạn Gò Bồi, quê ngoại của nhà thơ Xuân Diệu, đi chừng hơn 2 km là tới xóm của Ngô Mây. Cách nay 7-8 năm, từ vạn Gò Bồi sang là một con đường đất nhỏ hẹp bị mưa lũ bào mòn, chỗ đứt chỗ nối, nước bùn ngập lụt. Người ta phải sắn quần lội bì bõm hay đi sõng nhỏ từng quãng ngắn. Bây giờ đường lớn bê tông liên huyện, nối với Nhơn Hội (Quy Nhơn), Đề Gi (Phù Cát) và ra tuốt Hoài Nhơn, xe ô tô chạy ngon lành. Nhà Ngô Mây ở xóm Đình trên một gò đất nhỏ độ mươi nóc nhà. Chung quanh bây giờ lúa tốt ngập.

Gia đình người anh hùng giờ chẳng còn ai, bởi người em út kề Ngô mây năm 1996 đã 74 tuổi. Ngô Mây nếu còn, năm nay đã ở tuổi 84. Nhưng trong tâm tưởng mọi người, Ngô Mây vẫn như tuổi 25 lúc anh hy sinh. "Người chết thì trẻ mãi", một nhà văn nào đó đã từng nói.

Phù Cát nói chung và Cát Chánh - Triêm Ân nói riêng trước kia là một vùng quê nghèo, mỗi năm cày cấy 2 vụ chỉ đạt dưới 300 kg thóc/sào. Nay thì năng suất đã dần nâng, đời sống người dân ngày một cải thiện. Từ năm 1993, đã có điện thắp sáng về làng, có nguồn nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày. Thôn xóm đã mọc lên nhiều nhà ngói. Nhiều nhà có ti vi, xe máy lưu thông ngược xuôi.

Hiện nay, huyện lỵ và một trường học ở Phù Cát mang tên Ngô Mây. Một phường, một đường phố và hai trường học ở TP Quy Nhơn cũng được mang tên người Anh hùng. Tượng đài Anh hùng Ngô Mây ôm bom của họa sĩ Xuân Việt dựng lên giữa trung tâm huyện, để người Anh hùng sống mãi với đất nước, quê hương.            

. Nguyễn Văn Chương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhóm tháp vua Vijaya ở Bình Định   (28/09/2004)
Bí ẩn Hố Giang   (24/09/2004)
Nghề đánh dây dừa, làm võng dừa ở Hoài Nhơn   (23/09/2004)
Cuộc sống của cư dân Sa Huỳnh   (21/09/2004)
Eo Gió  (17/09/2004)
Làng Vinh Thạnh   (16/09/2004)
Bờ xe nước trên sông Lại  (15/09/2004)
Cư dân Sa Huỳnh ở Bình Định  (14/09/2004)
Ghe bầu - thương thuyền xưa của thương nhân Bình Định  (13/09/2004)
Lễ cúng đậu phục của người Chăm ở Vân Canh   (03/09/2004)
Kỷ niệm Quy Nhơn   (01/09/2004)
Nghề lưới vây cao ở Bình Định  (31/08/2004)
Truyền thuyết về cây đàn Aradon của người H're  (27/08/2004)
Sông Lại   (24/08/2004)
Từ đường họ Nguyễn ở Vân Sơn   (15/08/2004)