Quy Nhơn ngày nay
17:50', 31/8/ 2003 (GMT+7)

Đại lộ Nguyễn Tất Thành - Quy Nhơn

Thành phố Quy Nhơn là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Định, có tổng diện tích tự nhiên 216.44 km2, dân số 243.658 người. Vị trí địa lý và điều kiện giao thông của thành phố khá thuận lợi:

- Quốc lộ 1A cách trung tâm thành phố 10 km về phía Tây, Quốc lộ 1D (đường Quy Nhơn - Sông Cầu) qua thành phố chạy dọc bờ biển đến Phú Yên.

- Quốc lộ 19 nối cảng với vùng Tây Nguyên giàu tiềm năng và trong tương lai gần nối với Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và Thái Lan.

- Có đường sắt Bắc - Nam chạy qua và sân bay Phù Cát.

- Cảng Quy Nhơn - một trong 10 cảng biển lớn của cả nước có thể đón tàu trọng tải 30.000 tấn ra vào an toàn, công suất cảng hiện nay 1,5 triệu tấn/năm, có bãi chứa rộng.

- Thành phố Quy Nhơn hiện nay được công nhận là đô thị loại 2, gồm có 20 phường xã. Các phường nội thành gồm: Lê Lợi, Hải Cảng, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Ngô Mây, Đống Đa, Quang Trung, Ghềnh Ráng, Nguyễn Văn Cừ, Lý Thường Kiệt, Thị Nại, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu. Và 4 xã đảo, bán đảo gồm: Nhơn Hội, Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu.

- Quá trình sáp nhập, chia tách và thành lập mới các phường, xã ở thành phố Quy Nhơn từ năm 1954 đến nay có các điểm đáng chú ý như sau:

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), dưới chế độ ngụy quyền Quy Nhơn được chia làm 2 quận Nhơn Bình và Nhơn Định. Còn ở ngoại vi là các xã Phước Hậu, Phước Lý, Phước Hải nguyên là đất của huyện Tuy Phước được ngụy quyền sáp nhập vào thị xã Quy Nhơn năm 1970. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1982, xã Nhơn Thạnh (Phước Hậu cũ) tách làm 2 xã Nhơn Bình và Nhơn Phú (hai xã này sau này được đổi thành phường).

Tháng 7-1986, thị xã Quy Nhơn được nâng cấp thành phố loại 3 và được mở rộng, xã Phước Thạnh của huyện Tuy Phước được sáp nhập vào thành phố đổi tên là Nhơn Thạnh. Năm 1987 xã Nhơn Thạnh giải thể để thành lập hai phường mang tên Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu.

Năm 1998 thành lập thêm các phường mới: Thị Nại (khu dân cư mới ở đầm Thị Nại), Lý Thường Kiệt (khu dân cư mới ở sân bay Quy Nhơn), Nguyễn Văn Cừ và Ghềnh Ráng (được tách ra từ phường Quang Trung).

- Phường Đống Đa được thành lập sau ngày giải phóng (1975) trên cơ sở đất của làng Hưng Thạnh cũ.

- Xã Nhơn Châu bao gồm toàn bộ Cù lao xanh, nguyên là đất của tỉnh Phú Yên được sáp nhập về Quy Nhơn sau năm 1975.

- Mạng lưới bưu chính viễn thông đáp ứng nhanh chóng nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc trên bình diện toàn cầu. Hệ thống nguồn và lưới điện hoàn chỉnh. Nhà máy cấp nước của thành phố có công suất 45.000 m3/ngày đêm.

Thành phố Quy Nhơn gắn với tỉnh Bình Định là một vùng đất có bề dày lịch sử với nền văn hóa Sa Huỳnh, từng là cố đô của Vương quốc Chămpa; nơi đây xuất phát là thủ phủ của phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ 18 với tên tuổi của người anh hùng vĩ đại Quang Trung - Nguyễn Huệ; là quê hương và nơi nuôi dưỡng những tài năng, những danh nhân Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan…

Quy Nhơn tồn tại với tư cách là một thành phố đủ tiêu chuẩn cả về hành chính và kinh tế đã hơn 100 năm. Con người Quy Nhơn dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ tổ quốc, cần cù, thông minh, không ngại khó, rất năng động sáng tạo trong khai thác tiềm năng phát triển kinh tế.

Trong công cuộc đổi mới, hơn 10 năm nay kinh tế - xã hội của thành phố Quy Nhơn đã có những chuyển biến tích cực. Giá trị tổng sản phẩm xã hội năm 2002 ước đạt 1.600 tỷ đồng, tốc độ phát triển bình quân trên 12,5% năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, tỷ trọng ngành công nghiệp là 34,4%, ngành thương mại dịch vụ là 52,5% và ngành nông nghiệp là 13,1%.

* Ngành công nghiệp phát triển khá nhanh với nhịp độ tăng bình quân hàng năm về giá trị sản xuất là 16,8%, đã phát triển và hình thành một số ngành công nghiệp phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu của thị trường như chế biến thủy sản; dầu thực vật; sản xuất hàng tiêu dùng (may mặc, giày dép); cơ khí chế tạo (đóng mới, sửa chữa tàu thuyền …); điện tử, tin học; hóa chất; chế biến gỗ… Đặc biệt, sự ra đời và thành công bước đầu của khu công nghiệp Phú Tài với 55 doanh nghiệp đang hoạt động đã thật sự tạo một bước ngoặt mới trong phát triển công nghiệp của thành phố.

Một góc Trung tâm Quy Nhơn

Gắn với sản xuất, lĩnh vực thương mại dịch vụ cũng được mở ra khá đa dạng, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thành phố. Hoạt động xuất nhập khẩu phát triển mạnh. Kim ngạch xuất khẩu năm 2000 trên địa bàn thành phố đạt 75 triệu USD, các năm 2001, 2002 dù trong điều kiện rất khó khăn vẫn đạt 70 triệu USD.

* Ngành nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là nghề cá với đội tàu thuyền có công suất gần 45.000 CV và đang được tiếp tục đầu tư, phát triển đang là một thế mạnh của thành phố.

Trong những năm tới, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Quy Nhơn là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế; tạo bước chuyển biến về quy mô, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ tiên tiến và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế. Giải quyết tốt hơn các vấn đề bức xúc về việc làm, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Đặc biệt, thành phố Quy Nhơn sẽ đẩy mạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế. Khu công nghiệp Phú Tài sẽ được mở rộng gần gấp đôi kết hợp với việc xây dựng khu công nghiệp Long Mỹ liền kề. Việc khởi công xây dựng công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội tháng 11-2002 đã tạo tiền đề để hình thành khu đô thị mới và khu công nghiệp Nhơn Hội gắn với cảng biển nước sâu Nhơn Hội với tổng diện tích gần 10.000 hecta, sẽ là bước đột phá, đẩy mạnh tốc độ thu hút đầu tư, tăng trưởng và giao thương thương mại của thành phố và của cả tỉnh, góp phần đưa tỉnh Bình Định sớm trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực.

. Cao Năm

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định: Ðặc điểm tự nhiên và cơ sở hạ tầng   (31/08/2003)
Bình Định - cái nhìn toàn cảnh   (31/08/2003)
Khu kinh tế Nhơn Hội   (20/08/2003)
Khu công nghiệp Phú Tài   (19/08/2003)
22. Dự án Khách sạn cao cấp Quy Nhơn  (09/06/2003)
21. Dự án Khai thác và đóng chai nước khoáng thiên nhiên  (06/06/2003)
20. Dự án Nhà máy chế biến các sản phẩm sau đường   (04/06/2003)
19. Dự án Nhà máy ván ép   (01/06/2003)
18. Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp   (29/05/2003)
17. Dự án các cơ sở chế biến đồ gỗ dân dụng cao cấp và trang trí nội thất   (28/05/2003)
16. Dự án nuôi trai cấy ngọc   (25/05/2003)
15. Dự án nuôi chình mun xuất khẩu   (23/05/2003)
14. Dự Nhà máy chế biến tinh bột sắn   (22/05/2003)
13. Dự án sản xuất nhựa dân dụng và công nghiệp   (22/05/2003)
12. Dự án các cơ sở dệt và may mặc xuất khẩu   (21/05/2003)