An Nhơn - Đất kinh xưa đang mời gọi đầu tư
17:55', 31/8/ 2003 (GMT+7)

Sản xuất gốm - một nghề truyền thống tại Nhơn Hậu, An Nhơn

An Nhơn là huyện đồng bằng nằm ở phía Nam của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 10 km. Diện tích tự nhiên 23.900 ha, dân số hiện nay gần 19 vạn người; có 13 xã là: Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Mỹ, Nhơn Phúc, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh, Nhơn Thành, Nhơn Hưng, Nhơn Hòa, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Tân; 2 thị trấn là Bình Định và Đập Đá. An Nhơn có vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với các vùng, miền trong cả nước nhờ có Quốc lộ IA, đường sắt Bắc – Nam và Quốc lộ 19 đi qua, đặc biệt là có sân bay Gò Quánh gần sát trung tâm huyện lỵ

Là một huyện trọng điểm lúa của tỉnh Bình Định, huyện An Nhơn có diện tích đất nông nghiệp 11 ngàn ha, chiếm 45% diện tích đất tự nhiên, trong đó đất trồng lúa là 7.300 ha; còn lại là đất trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày như đậu phụng, đậu nành, dâu tằm, mía…. Đất lâm nghiệp có 1.365 ha trong đó rừng tự nhiên 560 ha, còn lại là rừng trồng. Toàn huyện có 23 HTX nông nghiệp, 1 Trạm Khuyến nông, 1 Trạm Thú y, 1 Trạm Bảo vệ thực vật. Trên địa bàn huyện còn có Trung tâm Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Trạm Thực nghiệm vật nuôi thuộc Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

An Nhơn cũng là huyện có phong trào chăn nuôi phát triển khá, chiếm 25-27% giá trị toàn ngành nông nghiệp. Đàn heo hiện có hơn 76 ngàn con; đàn trâu – bò có 22 – 24 ngàn con, trong đó bò lai chiếm khoảng 40% tổng đàn; đàn bò sữa gần 300 con, là một trong những huyện có đàn bò sữa cao nhất tỉnh. Một trang trại bò sữa của tỉnh đang được tiến hành xây dựng tại xã Nhơn Tân rộng khoảng 300 ha, khả năng nuôi hàng ngàn con bò sữa cung cấp cho nhà máy sữa Bình Định.

Sản xuất CN-TTCN ở An Nhơn cũng có bước phát triển đáng kể. Thành công bước đầu trong việc xây dựng khu CN-TTCN tập trung ở An Nhơn là mô hình khu công nghiệp Gò Đá Trắng ở thị trấn Đập Đá rộng gần 17 ha, thu hút 50 hộ ngành nghề trước đây sản xuất phân tán chật hẹp tại gia đình vào mở cơ sở sản xuất. Nhờ mặt bằng rộng (mỗi cơ sở được giao 1.000-5.000 m2 ) nên nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh với thương trường.

Du khách nước ngoài mua hàng lưu niệm của các làng nghề truyền thống An Nhơn

Sau khu CN-TTCN Gò Đá Trắng, huyện An Nhơn đã tiến hành quy hoạch tiếp một số cụm ngành nghề tập trung như khu chuyên sản xuất nước mắm ở Bằng Châu với gần 20 hộ đăng ký kín mặt bằng; khu ngành nghề ở Cảnh Hàng (Nhơn Phong) đã bắt đầu đi vào hoạt động; khu công nghiệp phía nam đường QL 19 vừa bàn giao mặt bằng, gắn liền với các doanh nghiệp của tỉnh. Khu CN-TTCN phía Nam thị trấn Bình Định cũng đã được tỉnh phê duyệt, đang chuẩn bị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

An Nhơn còn có hàng chục làng nghề gắn với những thị tứ, những cụm dân cư ở các xã nông thôn, trong đó có nhiều làng nghề đang ăn nên làm ra, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân nông thôn. Có thể kể đến làng tiện gỗ mỹ nghệ Vân Sơn (Nhơn Hậu) chuyên sản xuất các mặt hàng cao cấp, tiêu thụ khắp trong nước và xuất ra nước ngoài, đang tiến hành vận động thành lập hợp tác xã để mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất, đủ sức cạnh tranh với những mặt hàng cùng loại. Làng rượu Bầu Đá truyền thống nổi tiếng ở Nhơn Lộc và lan ra nhiều xã lân cận, hàng năm sản xuất hơn nửa triệu lít rượu, riêng năm 2002 lên 750 ngàn lít. Rượu Bầu Đá đang trong quá trình thực hiện dự án tinh chế, đóng chai và ngày càng khẳng định uy tín thương hiệu chính gốc của mình. Rồi các làng nước mắm. Một huyện không có biển mà mỗi năm chế biến trên triệu lít nước mắm, riêng năm 2002 là 1,4 triệu lít. Mặt hàng nước mắm của An Nhơn đã nhiều lần đạt giải thưởng chất lượng cao ở các hội chợ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và bán ra nước ngoài. Ngoài ra, mặt hàng bún Song Thần, tinh chế bằng bột đậu xanh là đặc sản ở Nhơn Thái (Nhơn Phúc); nghề điêu khắc, thêu ren, chạm trổ, khảm xà cừ ở Nhơn An, Nhơn Hưng, thị trấn Đập Đá, thị trấn Bình Định là những nghề truyền thống yêu cầu kỹ thuật cao đang được khôi phục và phát triển, có thị trường tiêu thụ khá rộng.

Trên địa bàn An Nhơn còn có nhiều xí nghiệp, công nghiệp của tỉnh hoạt động, riêng địa bàn xã Nhơn Hòa dọc phía nam QL 19 đã có trên 10 đơn vị. Tuy không thuộc huyện quản lý nhưng đã hình thành khu công nghiệp đa ngành, hỗ trợ, thúc đẩy cho CN-TTCN huyện phát triển, gắn với những cụm công nghiệp-TTCN của huyện tạo thành những khu công nghiệp liên hiệp, vừa góp phần vào nền kinh tế chung của tỉnh, vừa giải quyết hàng ngàn lao động ở huyện.

Để có được kết quả đó, huyện đã sớm vận dụng một số chính sách của Trung ương, của tỉnh về khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn; tiến hành quy hoạch, xây dựng các khu CN-TTCN. UBND huyện đã xây dựng đề án phát triển CN-TTCN giai đoạn 2001-2005 và ban hành quy định một số chính sách của địa phương để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện vào các khu công nghiệp tập trung gắn với việc đẩy mạnh quy hoạch các khu đô thị từ trung tâm huyện lỵ đến các thị trấn, thị tứ và các xã. Mục tiêu của xây dựng khu CN-TTCN là nhằm huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất một cách tập trung, tăng năng lực sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh nhưng đồng thời bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường, giải quyết vấn đề khá nhức nhối về vệ sinh công nghiệp ở những làng nghề phân tán trước đây, nhất là những ngành nghề gây chất thải, ô nhiễm môi trường.

An Nhơn xưa từng là Kinh đô Chămpa, Đế đô của vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn và tỉnh lỵ thời Nhà Nguyễn nên còn lưu lại nhiều di tích lịch sử có giá trị; đặc biệt là tháp Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu), tháp Phú Lốc (xã Nhơn Thành), Khu lò gốm cổ Gò Sành (Nhơn Hòa), thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu), thành Bình Định (thị trấn Bình Định). An Nhơn còn có Chùa Thập Tháp (xã Nhơn Thành) – một ngôi chùa cổ được xây dựng cách nay hơn 300 năm. Đó thật sự là những tài sản vô giá, góp phần xây dựng và phát triển ngành du lịch trong tương lai.

An Nhơn với những tiềm năng kinh tế – xã hội phong phú, đa dạng, cùng với cơ chế, chính sách thông thoáng đang mở rộng vòng tay, gọi mời các nhà đầu tư đến bàn chuyện làm ăn.

. Ngọc Minh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn ngày nay   (31/08/2003)
Bình Định: Ðặc điểm tự nhiên và cơ sở hạ tầng   (31/08/2003)
Bình Định - cái nhìn toàn cảnh   (31/08/2003)
Khu kinh tế Nhơn Hội   (20/08/2003)
Khu công nghiệp Phú Tài   (19/08/2003)
22. Dự án Khách sạn cao cấp Quy Nhơn  (09/06/2003)
21. Dự án Khai thác và đóng chai nước khoáng thiên nhiên  (06/06/2003)
20. Dự án Nhà máy chế biến các sản phẩm sau đường   (04/06/2003)
19. Dự án Nhà máy ván ép   (01/06/2003)
18. Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp   (29/05/2003)
17. Dự án các cơ sở chế biến đồ gỗ dân dụng cao cấp và trang trí nội thất   (28/05/2003)
16. Dự án nuôi trai cấy ngọc   (25/05/2003)
15. Dự án nuôi chình mun xuất khẩu   (23/05/2003)
14. Dự Nhà máy chế biến tinh bột sắn   (22/05/2003)
13. Dự án sản xuất nhựa dân dụng và công nghiệp   (22/05/2003)