|
Đền thờ Đào Duy Từ tại Hoài Nhơn |
Hoài Nhơn được mệnh danh là "Đất mẹ anh hùng" với niềm tự hào của bao thế hệ về một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng. Tháng 8-1930, Chi bộ Đảng Cộng Sản được thành lập ở thôn Cửu Lợi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên mảnh đất này liên tục nổ ra các phong trào đấu tranh cách mạng. Trong hòa bình xây dựng quê hương, Hoài Nhơn là địa phương phát triển kinh tế, xã hội năng động phía bắc tỉnh.
* Vị trí địa lý và vài nét lịch sử
Nằm ở phía bắc tỉnh Bình Định, Hoài Nhơn là huyện duyên hải, phía bắc giáp huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), phía nam giáp huyện Phù Mỹ, tây giáp 2 huyện An Lão, Hoài Ân, đông giáp biển Đông. Lại Giang là con sông lớn của tỉnh Bình Định chảy ra biển hình thành cửa biển An Dũ, vùng phía bắc có dãy núi Sa Lung, nơi xảy ra nhiều trận đánh thời Tây Sơn với quân nhà Nguyễn và sau này là vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ của quân dân Hoài Nhơn.
Hoài Nhơn có diện tích tự nhiên không rộng (41.641 ha), nhưng có cấu tạo địa lý khá đa dạng, có cả đồng bằng, trung du, ven biển và thị trấn Bồng Sơn sầm uất. Cũng như vùng đất Bình Định và nam Trung Bộ, xưa kia Hoài Nhơn thuộc đất Việt Thường Thị, sau đó là Lâm Ấp thuộc Tượng Quận, rồi Tường Lâm thuộc Nhật Nam, Chiêm Thành. Đời nhà Lê, niên hiệu Hồng Đức, đã đặt tên phủ là Hoài Nhơn, gồm 3 huyện (Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn).
Trong thời kỳ thực dân phong kiến cũng như hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người Hoài Nhơn đã thể hiện cao độ tinh thần yêu nước và cách mạng, nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đã nổ ra, chống dồn dân lập ấp… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hoài Nhơn đã không tiếc máu xương, đưa con em lên đường tham gia cách mạng, xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến thắng lợi.
|
Nghề truyền thống sản xuất bún số 8 tại thị trấn Tam Quan
|
Hoài Nhơn là huyện có nhiều lợi thế về giao thông, có Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy ngang qua. Từ thị trấn Bồng Sơn có hệ thống các tỉnh lộ lên huyện An Lão, Hoài Ân đã được trải thảm bê tông rất thuận lợi. Ngoài hệ thống sắt, đường bộ, Hoài Nhơn còn có bờ biển dài 24km, hai cửa biển chính là Kim Bồng (Tam Quan); An Dũ (Hoài Hương) rất thuận tiện cho việc lưu thông tàu thuyền.
* Xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội
Từ sau ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ và nhân dân Hoài Nhơn đã khắc phục dần hậu quả chiến tranh, nỗ lực xây dựng lại quê hương. Thế mạnh kinh tế của Hoài Nhơn tập trung chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và kinh tế biển. Trong đó, kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển đóng vai trò quan trọng. Với 15.210 ha đất nông nghiệp hiện có, trong nhiều năm qua người dân Hoài Nhơn đã đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất đưa ngành nông nghiệp phát triển mạnh. Nhiều loại giống cây trồng mới được huyện đưa vào sản xuất, tiến hành xây dựng tu sửa lại hệ thống đập dâng sông Lại cùng 17 hồ chứa nước lớn nhỏ để chủ động tưới cho hơn 70% diện tích gieo trồng của huyện. Những cố gắng đó đã góp phần tăng năng suất cây trồng và đưa tổng sản lượng lương thực toàn huyện lên 64.915 tấn năm 2002, tăng gấp 2,2 lần so với năm 1975, tổng đàn trâu, bò của huyện đạt 23.836 con và đàn heo đạt 113.870 con, trong đó bò lai và heo lai kinh tế chiếm từ 52% đến 96,6% tổng đàn. Hoài Nhơn còn là xứ dừa với diện tích dừa hiện có: 3.578 ha, với khoảng 580.000 cây cho trái quanh năm. Hàng ngàn ha đất trống, đồi núi trọc trước kia nay đã được phủ xanh bằng bạt ngàn rừng bạch đàn, keo lá tràm từ các dự án PAM, 327.
Đánh bắt thủy-hải sản là thế mạnh kinh tế thứ hai đưa Hoài Nhơn phát triển. Từ một ít thuyền nan và phương tiện đánh bắt thô sơ, lạc hậu thời kỳ đầu sau giải phóng, đến nay đội tàu thuyền của huyện đã có 1.962 chiếc, tổng công suất 103.445 CV đủ sức vươn khơi xa tới khắp mọi ngư trường, nâng sản lượng đánh bắt của toàn huyện lên 21.563 tấn/năm, tăng gần gấp 4 lần so với năm 1975. Nhiều sản phẩm thủy-hải sản nổi tiếng của huyện như: cá ngừ địa dương, cá chuồn, mực, tôm… đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu có giá trị sang các thị trường lớn của thế giới như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc…, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế địa phương. Phong trào nuôi tôm ở Hoài Nhơn hiện cũng đang phát triển khá mạnh, đến nay toàn huyện có 235 ha mặt nước nuôi tôm với năng suất trung bình hàng năm gần 1 tấn/ha.
· Huyện Hoài Nhơn có diện tích tự nhiên: 41.295 ha, trong đó đất nông nghiệp 15.210 ha, đất lâm nghiệp 19.500 ha…
· Dân số 217.069 người, 47.918 hộ (108.719 lao động chính).
· Có 2 thị trấn: Bồng Sơn, Tam Quan và 15 xã: Hoài Hảo, Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Đức, Hoài Tân, Hoài Mỹ. |
Cùng với nông nghiệp và ngư nghiệp, các nghề thủ công truyền thống đã góp phần tô đậm bức tranh kinh tế Hoài Nhơn. Những làng nghề truyền thống vốn một thời nổi danh được nhiều người biết đến như chế biến mỳ, chế biến thủy hải sản, dệt chiếu, ươm tơ dệt lụa, đồ gốm, rèn, mộc, khai thác đá ong, đá chẻ, sản xuất gạch ngói… đã góp phần giải quyết hàng ngàn lao động. Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống của Hoài Nhơn khá quen thuộc với người tiêu dùng trong nước như bánh tráng nước dừa, thảm xơ dừa, vi cước cá, nước mắm…. Mới đây, cơ sở chế biến nước mắm Như Hoa tham gia triển lãm sản phẩm mới-công nghệ mới tại Hà Nội được Bộ Công nghiệp tặng huy chương vàng chất lượng cao.
* Những thành tựu qua một chặng đường
Thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển cơ sở hạ tầng ở Hoài Nhơn là giao thông. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã đã được bê tông hóa với tổng chiều dài 82,2 km và hệ thống cầu cống gần như đã được xây dựng vĩnh cửu, góp phần bảo đảm thông thương thuận lợi đến tận từng thôn, xóm, khối phố thay dần những con đường gập ghềnh, lầy bụi xưa kia. Cùng với hệ thống đường sá được chỉnh trang tu sửa, mạng lưới điện được kéo về phục sinh hoạt và phát triển sản xuất. Đến nay mạng lưới điện quốc gia, hệ thống điện thoại, truyền thanh-truyền hình đã phủ khắp 100% số xã, trị trấn; 97% số hộ được dùng điện; phương tiện nghe nhìn trong nhân dân phát triển mạnh, góp phần thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về mức thụ hưởng văn hóa nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn.
Do kinh tế phát triển, đời sống nông dân của người dân ngày càng nâng cao, hệ thống y tế, giáo dục của huyện ngày càng được hoàn thiện. Từ hai phòng khám thiếu thốn phương tiện với 40 giường bệnh, vài bác sĩ trong những năm đầu sau giải phóng, đến nay huyện đã có một bệnh viện tuyến tỉnh, một trung tâm y tế, 1 phòng khám khu vực và hệ thống trạm y tế ở khắp 100% số xã, thị trấn. Toàn huyện có 79 bác sĩ, 219 nhân viên y tế, trong đó có 15 bác sĩ ở tuyến xã và 167 nhân viên y tế thôn, khối, chất lượng khám chữa bệnh cũng được nâng lên đáng kể. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo đã phát triển vượt bậc. Hàng ngày, hơn 49.600 học sinh phổ thông các cấp trong huyện cắp sách đến trường ở những ngôi trường tầng xây, ngói đỏ khang trang, sạch đẹp, không còn những lớp học 3 ca, tranh tre, mái lá ngày nào. Hoài Nhơn đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và đang phấn đấu hoàn thành phổ cập THCS trước năm 2004.
Là một huyện có truyền thống cách mạng, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng với chặng đường gần 30 năm nỗ lực xây dựng phát triển, Hoài Nhơn đã đạt được những thành tựu khá quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, tạo tiền đề cho vùng đất mẹ anh hùng phát triển trong tương lai.
. Nguyễn Hân
|