|
Cải tạo làm hồ nuôi tôm ở Phước Sơn |
Tuy Phước là một vùng đất có bề dày về lịch sử và văn hóa. Nói đến Tuy Phước là người ta nhắc ngay đến ông tổ của nghệ thuật hát bội Đào Tấn, nhà thơ lớn Xuân Diệu, những tháp Chàm uy nghi, cổ kính, và nước mắm Gò Bồi, vôi Trường Úc, hội xuân chợ Gò, sau nữa là lúa, tôm, vịt...
* Vài nét về địa lý – hành chính
Tuy Phước là huyện đồng bằng lớn ở phía nam tỉnh Bình Định, có diện tích tự nhiên 28.487 ha, dân số 186.000 người. Về địa hình, phía bắc và tây bắc Tuy Phước giáp Phù Cát, An Nhơn; đông giáp biển; nam giáp TP Quy Nhơn; tây giáp huyện Vân Canh. Cuối năm 1975, Vân Canh và Tuy Phước hợp thành huyện Phước Vân, đến tháng 8-1981 thì tách trở lại như cũ. Trước năm 1975, Tuy Phước có 12 xã, sau nhiều lần thay đổi, hiện nay có 14 xã, thị trấn là: xã Phước Nghĩa, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang, Phước Hưng, Phước Hiệp, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Lộc, Phước An, Phước Thành, Phước Mỹ (trước đây thuộc xã Phước Thành), thị trấn Tuy Phước (trước đây thuộc Phước Nghĩa), thị trấn Diêu Trì (trước đây là xã Phước Long). Nằm bên đầm Thị Nại, có sông Côn, sông Hà Thanh chảy qua, có quốc lộ 1A, QL 19, đường sắt Bắc - Nam chạy ngang qua, Tuy Phước có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.
Địa hình Tuy Phước chia thành 3 khu vực rõ rệt: các xã phía tây nam (gồm Phước Thành, Phước Mỹ, Phước An) có tiềm năng rất lớn về đất sản xuất nông nghiệp, song chưa được khai thác hết; các xã khu đông (Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận, Phước Sơn) với thế mạnh về cây lúa và con tôm, là khu vực đầy tiềm năng kinh tế của huyện; và các xã còn lại là vùng chuyên canh cây lúa.
* Một thời hào hùng
Tuy Phước là vùng đất có truyền thống văn hóa, là nơi sản sinh ra các nhân vật văn hóa như ông tú Nguyễn Diêu, danh nhân văn hóa Đào Tấn, nhà thơ Xuân Diệu...
Nhân dân Tuy Phước sớm có mặt trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Từ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX cho đến các phong trào đòi dân sinh, dân chủ những năm 1936-1939, phong trào chống Nhật, Pháp và giành chính quyền 1939-1945, Tuy Phước đã đóng góp vào công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm của dân tộc với những cái tên: Đào Doãn Địch, Lê Tuyên, Võ Trứ... Đặc biệt, sự ra đời của chi bộ Đềpô Diêu Trì vào tháng 9-1939 - chi bộ cộng sản đầu tiên của công nhân Diêu Trì cũng như toàn ngành đường sắt Bình Định do đồng chí Nguyễn Đình Thụ làm bí thư - đã đánh dấu bước trưởng thành của phong trào công nhân xe lửa Diêu Trì và ghi nhận sự phát triển vượt bậc phong trào cách mạng của nhân dân Tuy Phước.
Trong kháng chiến chống Mỹ, với điều kiện của vùng ven đô, bất chấp máy chém và bom đạn tàn khốc, biết bao khó khăn và tổn thất tưởng chừng không gượng nổi, Tuy Phước từ tay không vùng lên diệt ác phá ấp chiến lược, không chỉ dẫn đầu trong phong trào Đồng Khởi mở màn ở đồng bằng Bình Định mà còn đi đầu trong cuộc đọ sức quyết liệt với quân Mỹ và chư hầu. Khu Đông Tuy Phước là căn cứ địa vững chắc, là nơi xuất phát những đội trinh sát, đặc công hoạt động ở nội thành Quy Nhơn. Trong thời kỳ này đã xuất hiện những tấm gương chiến đấu ngoan cường và lập công xuất sắc, đó là các liệt sĩ: Đào Thị Hoa, Nguyễn Thị Danh, Lê Đình Long…
Và bây giờ, khi chiến tranh lùi xa gần 30 năm, Tuy Phước đã và đang trong cuộc hành trình tiến về phía trước với rất nhiều cơ hội và thử thách.
* Hành trình vươn tới tương lai
|
Hội Chợ Gò - Tuy Phước |
Đi trên những con đường Tuy Phước hôm nay, dù là QL 1 đi qua thị trấn hay những con đường làng, người ta đều có thể cảm nhận một cách rõ ràng mảnh đất này đang thay da đổi thịt từng ngày.
Tuy hiện 80% dân số của Tuy Phước đang sống bằng nghề nông nhưng cơ cấu kinh tế Tuy Phước đang ngày càng dịch chuyển về phía các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Nếu như trước năm 2000, giá trị công nghiệp-TTCN-dịch vụ (CN-TTCN-DV) chiếm 52% thì hiện nay đã là 54%. Trong giai đoạn 1996-2000, tổng sản phẩm địa phương (GDP) của Tuy Phước đạt mức tăng bình quân 7%/năm và tỉ lệ này tiếp tục được duy trì trong giai đoạn 2000-2002. Với sự tăng trưởng kinh tế khá như vậy, GDP bình quân đầu người của Tuy Phước vào năm 2001 đạt 3,1 triệu đồng/năm, và dự kiến đến 2005 sẽ đạt 4,4 triệu đồng/ năm.
Với những điều kiện thuận lợi của tự nhiên, cùng với bàn tay và khối óc của mình, nông dân Tuy Phước đã biến những cánh đồng bao la bát ngát rộng 8.000 ha của mình trở thành vựa lúa của tỉnh với sản lượng 86.700 tấn/năm, năng suất trung bình đạt 46 tạ/ha. Và, không bằng lòng với những gì đã đạt được, Tuy Phước đang có kế hoạch sẽ quy hoạch lại diện tích trồng lúa nhằm nâng cao lợi nhuận bằng các giống lúa mới cho năng suất cao và chất lượng tốt để hướng đến thị trường gạo xuất khẩu.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác hết tiềm năng dồi dào về đất đai ở các xã tây nam cũng đã được huyện nghĩ đến. Rồi đây, khi cơ sở vật chất hạ tầng (trạm bơm, kênh mương, hồ thủy lợi…) phục vụ cho mục tiêu này ở Phước Thành, Phước An và Phước Mỹ (với tổng trị giá các công trình tính đến nay là gần 6 tỉ đồng, bao gồm cả công trình của tỉnh đầu tư) được xây xong, chúng ta có cơ sở để tin rằng vùng đất bị hoang hóa lâu nay sẽ mang nhiều lợi ích cho người dân Tuy Phước.
Cùng với lúa, gần 1.000 ha diện tích nuôi thả tôm với năng suất bình quân ước đạt 423 kg/ha đã đặt Tuy Phước vào "chiếu" của các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh. Suốt chiều dài ngót 30km ven đầm Thị Nại từ Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa đến Phước Thắng, ngút tầm mắt là những ao đìa nuôi tôm. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm liên tục được chuyển giao đến người dân thông qua việc ứng dụng và nhân rộng mô hình nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh. Song song đó, một số hộ nuôi tôm quảng canh cũng có sự đầu tư đáng kể như đắp bờ, cải tạo ao hồ và đầu tư thức ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao để nâng cao năng suất tôm. Với sự quan tâm của chính quyền huyện, năm 2002, các hộ nuôi tôm ở Tuy Phước đã được vay 5,6 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển ngành nghề. Năm 2001, sản lượng tôm nuôi xuất khẩu của Tuy Phước đạt 748 tấn, sang năm 2002 đạt 705 tấn, và kế hoạch năm 2003 là 800 tấn. Nhờ tôm mà cơ sở vật chất và đời sống người dân Tuy Phước đã thay đổi rất nhanh.
Với mục tiêu tăng tỉ trọng các ngành CN-TTCN-DV, Tuy Phước đã xây dựng cụm công nghiệp Phước An với nguồn vốn dự kiến gần 9 tỉ đồng, và bước đầu thu hút được một số nhà đầu tư. Hiện có 11 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động ở cụm công nghiệp này, trong đó 7 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, và 4 đã được giao đất, chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu và đá granit. Cũng trong mục đích này, Tuy Phước đang xây dựng 5 cụm kinh tế kỹ thuật gồm: cụm Diêu Trì - Phước An, thị trấn Tuy Phước, Cầu Gành (Phước Lộc), Kỳ Sơn (Phước Sơn) và Gò Bồi (Phước Hòa). Nhờ động thái này mà khu vực Phước An giáp thị trấn Diêu Trì đã có những biến đổi thật sự so với cách đây 3 năm.
Không những có nhiều tiềm năng về kinh tế, Tuy Phước còn đang sở hữu một hệ thống các di sản văn hóa đa dạng và phong phú mà nếu được khôi phục và khai thác tốt thì có thể mang lại rất nhiều lợi ích. Đó là các di sản văn hóa ở dạng vật thể: tháp Bánh Ít, tháp Bình Lâm, thành Thị Nại, di tích đô thị nước mặn (Phước Quang), Văn Chỉ, các chùa kiến trúc cổ, mộ danh nhân văn hóa Đào Tấn, nhà lưu niệm thi sĩ Xuân Diệu..., và ở dạng phi vật thể: di sản tuồng Đào Tấn cùng đội ngũ diễn viên tuồng, chèo bá trạo ở các xã ven biển, dân ca bài chòi, truyền thống thượng võ trong võ cổ truyền dân tộc. Cùng với việc khôi phục diện tích rừng ngập mặn ở Cồn Chim (Phước Sơn) mà tỉnh đang chỉ đạo, huyện cũng có kế hoạch sẽ kêu gọi đầu tư nhằm khôi phục các di tích trên để bắt nhịp kịp với các hoạt động đánh thức tiềm năng du lịch Bình Định mà tỉnh đang xúc tiến.
Không chỉ lo làm giàu, người dân Tuy Phước hôm nay còn hướng đến những tiêu chuẩn văn hóa để có một cuộc sống giàu và đẹp theo đúng nghĩa của nó. Cuối năm 2000, Tuy Phước phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐK XDĐSVH). Đến nay có 47/100 thôn đăng ký xây dựng làng văn hóa, 98/100 thôn đã xây dựng được quy ước khu dân cư, 24.781 hộ/ 37.864 hộ (hơn 65%) được công nhận gia đình văn hóa. Có 4 làng đã được công nhận làng văn hóa cấp huyện, trong đó Phụng Sơn (Phước Sơn) được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh.
Những cố gắng trong việc nâng cao dân trí cũng đã mang lại nhiều kết quả đáng mừng khi Tuy Phước đạt chuẩn về phổ cập tiểu học và xóa mù từ năm 1995 và năm 2002 vừa qua lại được công nhận đạt chuẩn về phổ cập THCS. Với những ai quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục, con số 100% các trường THCS và 40% các trường tiểu học ở Tuy Phước đã được tầng hóa là một con số mang nhiều ý nghĩa. Chúng nói lên rằng không chỉ về số lượng mà các trường còn đảm bảo yêu cầu học tập của người dân về chất lượng.
Về đội ngũ nhân lực, Tuy Phước hiện có 579 người có trình độ CĐ, ĐH, 2 người có trình độ thạc sĩ, tập trung chủ yếu ở khối giáo dục và y tế. Định hướng chung cho phát triển nguồn nhân lực trong tương lai là huyện ưu tiên đào tạo cán bộ dự nguồn, tạo điều kiện về thời gian cho cán bộ, công chức đi học để nâng cao nghiệp vụ, đạt chuẩn giáo viên và bổ sung số bác sĩ đang thiếu tại tuyến xã.
Tuy nhiên, trong hành trình vươn tới tương lai của mình, bên cạnh việc tận dụng những thuận lợi như đã nêu, Tuy Phước cũng không tránh khỏi những khó khăn.
Về tự nhiên, đây là vùng đất trũng nên năm nào cũng bị lũ lụt tàn phá, nhất là về giao thông và cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp như kênh mương, đập, hồ nước. Trong khi đó, nguồn kinh phí để khắc phục thiệt hại rất hạn chế nên gây nhiều khó khăn cho nông dân.
Mặt khác, tuy con tôm mang lại lợi nhuận lớn cho người dân nhưng nguy cơ rủi ro cũng rất cao. 3 năm liên tiếp trở lại đây Tuy Phước luôn bị dịch tôm, năng suất chỉ còn 200-300kg/ha. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2003 đã có gần 600 ha tôm bị dịch. Vì thế, lẽ ra diện tích nuôi tôm ở Tuy Phước đã có thể mở rộng ra vài trăm ha nữa chứ không phải chỉ dừng lại ở đấy. Mà huyện thì đang lúng túng trong việc giải quyết vấn đề này.
Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tuy huyện đã xác định được tiềm năng nhưng chưa tìm ra hướng đi phù hợp vì thiếu thông tin về thị trường, dẫn đến chỉ đạo bất cập. Từ đó, dân hưởng ứng không mạnh và chủ yếu là tự làm.
Đội ngũ cán bộ xã hạn chế về trình độ, khả năng giải quyết vấn đề kém cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của Tuy Phước.
* Khẳng định mình để tiến lên phía trước
Ông Mai Thanh Thắng – Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: "Tuy Phước nằm ở vị trí gần tỉnh lỵ nên có điều kiện để phát triển, thời gian qua đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Ngoài việc thu nộp ngân sách hàng năm đứng thứ tư sau Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước còn đóng góp một nguồn lao động dồi dào cho các KCN, các cơ sở sản xuất trong tỉnh, đặc biệt nguồn thợ xây dựng của Tuy Phước được đánh giá là tay nghề vững hơn so với các vùng khác".
Những dự định, ước mơ làm cho Tuy Phước ngày càng đi lên đang được lãnh đạo huyện ấp ủ. Đó là kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp Phước An; khôi phục các di tích văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch; phục sinh cho vùng đất phía tây nam huyện để chúng có thể mang lại giá trị kinh tế cao... Chính vì ý thức được rõ ràng những thuận lợi và khó khăn của mình, huyện Tuy Phước đang phát huy tinh thần tự lực tự cường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để đưa vùng đồng bằng phía nam tỉnh Bình Định này ngày càng lớn mạnh không ngừng.
. Nguyên Sương
|