|
Chợ Vân Canh hôm nay |
Đồng bào Chăm H’roi đã từng gọi vùng đất nằm dọc hai bên con sông Hà Thanh là vùng đất cày. Tên gọi đó, bản thân nó đã hàm chứa một khẳng định về tiềm năng hãy còn ẩn chứa trên mảnh đất này. Nhưng những tiềm năng đó, cũng như vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi của Vân Canh, hiện vẫn chưa được khai thác đúng mức.
* Vị trí địa lý, cảnh quan: nhiều thuận lợi
Vân Canh là một huyện miền núi, nằm ở phía tây nam của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km, dựa lưng vào những khối đá núi kết tinh đồ sộ của cao nguyên Gia Lai – KonTum.
Với diện tích đất tự nhiên 79.797 ha, Vân Canh hiện có 6 xã và 1 thị trấn; trong đó có 3 xã đặc biệt khó khăn là Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Liên và 2 xã nghèo của tỉnh là Canh Hiển và Canh Thuận.
Vài số liệu cơ bản về Vân Canh
Diện tích: 79.797ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp: 976,54 ha, lâm nghiệp: 41.557 ha và chưa sử dụng: 31.103,3 ha.
Dân số: 22.316 người; trong đó nam: 10.859 người; nữ: 11.457 người.
Lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân: 12.139.
Giá trị sản xuất (ĐVT: triệu đồng, theo giá cố định năm 1994): Nông nghiệp: 41.900; Lâm nghiệp: 9.273,6; Thủy sản: 112; Công nghiệp: 1.788.
Sản lượng lương thực quy thóc: 8.165,6 tấn.
Lương thực bình quân đầu người: 365,8kg/người/năm.
Số học sinh phổ thông: 5.950.
Số giường bệnh: 62. |
Vân Canh có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi. Nam giáp huyện Đồng Xuân (Phú Yên), bắc giáp hai huyện An Nhơn và Tây Sơn, tây giáp huyện Kông Chơro (Gia Lai), và phía đông là huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Do vậy, Vân Canh cùng với Vĩnh Thạnh, tựa như một hàng lang lớn giữa bắc Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ án ngữ đèo An Khê.
Vân Canh cách không xa Quốc lộ 1A, gần ga Diêu Trì. Từ Vân Canh, xuống Cảng Quy Nhơn, hoặc ngược lên đường 19, đến vùng đất Tây Nguyên đều rất thuận tiện. Đặc biệt, tỉnh lộ ĐT 638 từ thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) lên Vân Canh có thể đi thẳng tới tỉnh Phú Yên. Hàng hóa từ Vân Canh ra Bắc, vào Nam, hay ngược lên Tây Nguyên đều thuận lợi và ngược lại.
Sông Hà Thanh dài 48km, cùng với các ngọn núi: hòn Ông, hòn Bà, hòn Chuông, hòn Nắm… và các con suối nhỏ chảy quanh co, vừa tạo cho Vân Canh cảnh quan đẹp, có nét hùng vĩ và thơ mộng riêng; đồng thời, cũng chia khu vực này thành ba thung lũng nhỏ: nằm giữa có sông Hà Thanh là vùng đất cày trong tâm niệm của đồng bào Chăm H’roi; phía đông có suối Đá Lót, Đá Lộc xã Canh Giao nhiều dầu rái; phía tây là vùng An Tượng với sông An Trường, suối Khe Cành, suối Lao… Các làng canh tác dọc theo các thung lũng với các vùng: vùng ruộng nước ở An Tượng, đất rừng nà thổ ở vùng đất cày và vùng rừng dầu rái ở vùng Canh Giao.
Đặc biệt, núi Ông và núi Bà với độ cao hơn 1.000m không chỉ là góp vào cảnh quan Vân Canh một vóc dáng hùng vĩ, nên thơ mà thật sự đã đi vào tâm thức đồng bào với một kho chuyện kể thấm đẫm triết lý và đan xen lịch sử, huyền thoại.
* Vùng đất điển hình cho hiện tượng cư trú hỗn hợp giữa các dân tộc
|
Tỉnh lộ ĐT 638 đi qua thị trấn Vân Canh |
Vân Canh có ba dân tộc chính là Chăm H’roi, Bahnar và Kinh. Theo số liệu của Ban Dân tộc Và Miền núi tỉnh năm 1997, Vân Canh có khoảng 10.270 đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trong đó, người Bahnar tại Vân Canh có 5.267 người, được gọi là Bơhna- Chămroi hay Bana Bằng hường (để phân biệt với Bahnar Vĩnh Thạnh là Bahnar Kriêm). Người Chăm H’roi khoảng 4.800 người.
Về nguồn gốc của người Chăm H’roi vẫn có nhiều ý kiến khác nhau và chưa có một kết luận chắc chắn nào. Tuy nhiên, theo đồng bào Chăm ở Vân Canh thì Chăm H’roi là người Chăm ở vùng cao. Theo chuyện kể của đồng bào, trước đây, người Chăm H’roi cư trú tại vùng thấp, tức vùng mặt trời mọc, sau mới chuyển lên vùng cao, vùng đất cày.
Với những mối quan hệ và một quá trình phát triển vừa chung, vừa riêng rất đáng được chú ý, cộng với những bản sắc văn hóa độc đáo của các tộc người cùng cư trú trên mảnh đất này, Vân Canh được đánh giá là khu vực điển hình cho hiện tượng cư trú hỗn hợp giữa các dân tộc ở Bình Định nói riêng và Việt Nam nói riêng.
Tổ chức những tour du lịch văn hóa bài bản, đến với các bản làng, giúp du khách hiểu cụ thể hơn về cấu trúc làng, kiến trúc nhà sàn, nhà rông, các đặc điểm văn hóa vật thể và phi vật thể các tộc người trong cảnh quan núi rừng tươi đẹp, không phải không thể tạo nên sức thu hút mạnh với khách du lịch. Hơn nữa, một thế mạnh khác của Vân Canh là vừa tiện đường giao thông, vừa gần với thành phố biển Quy Nhơn.
* Những thế mạnh đang được khai thác
Vốn nằm trên một vùng núi thấp, độ dốc trung bình 20 độ, nhiều sỏi đá và quặng sắt non, Vân Canh có lớp đất bề mặt mỏng, dưới lòng đất ở độ sâu trên dưới 10m là thảm đá tảng trải dài khắp thung lũng sông Hà Thanh nên độ dốc kém. Toàn huyện có 976,54 ha đất sản xuất nông nghiệp, 41.557 ha đất lâm nghiệp và 31.103,3 ha đất chưa sử dụng. Năm 2002, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 41.900 triệu đồng; trong đó, ngành trồng trọt đạt giá trị 33.951 triệu đồng, chăn nuôi đạt 7.664 triệu đồng.
Dọc theo các bờ sông suối, nhất là dọc bờ sông Hà Thanh, là những sườn đất thoải, tạo thành những bãi bồi cổ tương đối rộng, thuận lợi để trồng các loại hoa màu như ngô (diện tích gieo trồng: 168,5 ha, năng suất 11,4 tạ/ha); sắn: 1324,3 ha; khoai; 57,5 ha, cùng một số cây công nghiệp ngắn ngày khác như lạc (366 ha); thuốc lá (27,5 ha), rau đậu (380 ha); cây ăn quả: 258,4 ha; và các cây công nghiệp lâu năm như dừa (70 ha), điều (535ha) và cao su (10,5 ha). Đặc biệt, gần đây, Vân Canh nằm trong vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường Bình Định với diện tích 1609,9 ha, đạt năng suất 317,6 tạ/ha (số liệu cuối năm 2002).
Cây lúa được trồng phổ biến trên đất rẫy và dọc theo các thửa ruộng hẹp bên các bờ sông suối. Hiện nay, diện tích gieo trồng của cây lúa là 1.687,4 ha, năng suất đạt 25,3 tạ/ha.
Vân Canh hiện có 41.576,37 ha rừng, trong đó có 17.394,47 ha rừng kinh tế, 6.748,07 ha rừng nguyên liệu giấy. Rừng Vân Canh hầu hết là rừng thưa. Tuy nhiên, ở Canh Liên cũng có mặt rừng già nhiệt đới, với nhiều loại gỗ quý như trắc, sến, giẻ, gõ… và nhiều loại lâm sản như tre, nứa, song, mây, mật ong, dầu rái… cùng nhiều loài muông thú có giá trị.
Những năm qua, tình trạng khai thác rừng bừa bãi vẫn xảy ra, có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng. Trước tình hình đó, các ngành chức năng đã tiến hành giao khoán quản lý bảo vệ rừng và tiến hành trồng mới. Đến cuối tháng 6-2003, huyện Vân Canh đã khoán quản lý bảo vệ rừng 11.576,8 ha; chăm sóc 414,9 ha rừng trồng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 2.859 ha.
Những đồng cỏ xen giữa các sông, suối ở Vân Canh là một tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển chăn nuôi. Hiện nay, huyện có đàn trâu 89 con, 11.072 con bò, 7.018 con lợn và khoảng 60.000 gia cầm. Tuy số lượng này có tăng so với các năm trước nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhất là chưa khai thác hết thế mạnh của những đồng cỏ. Người dân vẫn có thói quen chăn nuôi thủ công, tự nhiên. Hiện nay, huyện đang triển khai cải tạo đàn bò lai, phát triển đàn bò sữa và chăn nuôi heo hướng nạc nhằm đẩy mạnh chăn nuôi. Toàn huyện đã tiến hành phối giống lai tạo 149 con bò cái sinh sản, trong đó thụ tinh nhân tạo 116 con.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Vân Canh tuy đã từng bước phát triển nhưng vẫn ở quy mô nhỏ, sản xuất manh mún và hiệu quả chưa cao. Theo thống kê năm 2002, toàn huyện có khoảng 185 cơ sở sản xuất và giải quyết việc làm cho 283 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chỉ đạt 1788 triệu đồng. Các ngành sản xuất chủ yếu là: xay xát, sản xuất thực phẩm, vật liệu xây dựng, cơ khí, sửa chữa điện tử…
* Cơ sở hạ tầng: đã và sẽ được đầu tư
Cùng với sự đầu tư của chương trình 135 và các nguồn vốn đầu tư khác, cơ sở hạ tầng của Vân Canh từng bước có những thay đổi lớn. Tuyến giao thông ĐT 638 từ thị trấn Diêu Trì đến thị trấn Vân Canh đã được trải nhựa. Giao thông nông thôn đang dần được bê tông hóa. Đến nay, Vân Canh đã có 7/7 xã, thị trấn có đường ô tô và có điện thoại đến trung tâm xã. Trong 6 tháng đầu năm 2003, huyện đã khởi công đường bê tống tuyến ĐT 638- Canh Tân, tuyến Canh Hiệp- Suối Đá và đã hoàn thành thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt công trình đường bê tông nội bộ xã Canh Thuận. Tất cả các xã, thị trấn của huyện hiện đều có đài truyền thanh. Sắp tới, Vân Canh sẽ được phủ sóng điện thoại di động.
Trong 6 tháng đầu năm 2003, chương trình 135 được triển khai tại 3 xã, tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng để làm mới giếng nước phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân; hỗ trợ 11 triệu đồng cho làng Suối Mây xây dựng bê tông xi măng; hỗ trợ kinh phí khai hoang, quy hoạch vùng sản xuất cho nhân dân làng Cà Bưng (xã Canh Thuận).
Các công trình thủy lợi hiện có đã đảm bảo nước tưới cho 191,88 ha lúa đông xuân và 148,66 ha vụ hè thu. Hiện nay, nước phục vụ cho sản xuất mùa khô vẫn là một vấn đề với Vân Canh. Tuy nhiên, tháng 4-2003, công trình hồ chứa nước Quang Hiển (trên địa bàn xã Canh Hiển) đã chính thức được khởi công. Công trình này với tổng vốn đầu tư lên đến 28,594 tỷ đồng, dung tích 3,6 triệu m3, sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 420 ha đất canh tác và nước sinh hoạt cho 2.600 dân trong khu hưởng lợi. Đặc biệt, có thể khai thác công trình này vào mục đích để nuôi trồng thủy sản.
Như vậy, vào năm 2006, thời điểm hoàn thành công trình, Vân Canh sẽ thoát cơn khát nước, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ gặp nhiều thuận lợi, cảnh quan sinh thái vùng dựa án cũng sẽ có nhiều thay đổi. Hiện tại, huyện Vân Canh cũng đã đầu tư kinh phí để sửa chữa hồ chứa nước số 7, hồ làng Trơi (xã Canh Thuận); kênh mương hồ bà Thiền (xã Canh Vinh).
Riêng nước sinh hoạt, đến nay, Vân Canh đã không còn cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Toàn huyện đã có 3.403 hộ dùng điện và 650 hộ dùng nước sạch. Huyện cũng đã hoàn thành thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt công trình nước sạch Suối Diếp, Cà Bưng để tiếp tục đầu tư trong thời gian tới.
Về nhân lực, Vân Canh hiện có 12.139 lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân. Trình độ của người lao động đã và sẽ được nâng dần từng bước.
Hiện nay, tỷ lệ học sinh của Vân Canh tốt nghiệp các bậc học khá cao: tiểu học 100%, THCS 98,3%, THPT 87,62%. Tỷ lệ học sinh lên lớp tăng 13,8% so với năm học trước. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm 0,29%. 6/7 xã thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ và xã Canh Hiển đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Đây sẽ là nguồn nhân lực trẻ, bổ sung vào nguồn nhân lực của Vân Canh trên tiến trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa.
* Nhiều tiềm năng đang chờ đánh thức
Với tiềm năng đất đai như vậy, phát triển kinh tế vườn trước mắt vẫn là một hướng đi quan trọng ở Vân Canh. Phát triển kinh tế vườn phù hợp với thế mạnh của vùng rừng núi và truyền thống sản xuất của đồng bào; cũng nhằm khắc phục có hiệu quả tình trạng khai thác thiên nhiên một cách cạn kiệt và góp phần phát triển kinh tế hàng hóa ở Vân Canh hiện nay. Phát triển kinh tế vườn nghĩa là phát huy thế mạnh đồng bộ của kinh tế vườn đồi, vườn rừng, vườn nhà, hình thành kinh tế trang trại, tạo nên sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng là một ngành kinh tế nhiều lợi thế ở Vân Canh. Đồng cỏ Vân Canh là tiềm năng đầy hứa hẹn cho những dự án đầu tư phát triển chăn nuôi ở quy mô lớn.
Tuy nhiên, Vân Canh không thể dừng lại ở đó. Với những lợi thế: giao thông, cảnh quan, đời sống văn hóa độc đáo giàu bản sắc của các dân tộc… nếu được đầu tư khai thác đúng mức, hiệu quả, Vân Canh chắc chắn sẽ cất cánh.
. Lê Viết Thọ
Số liệu về các xã, thị trấn thuộc huyện Vân Canh
|
Số thôn
làng |
Diện tích
(km2) |
Dân số
(Người) |
Mật độ dân số
(người/km2) |
Thị trấn Vân Canh |
11 |
202.572 |
5.286 |
26 |
Xã Canh Vinh |
9 |
9.954 |
7.466 |
75 |
Xã Canh Hiển |
4 |
368 |
2.296 |
62 |
Xã Canh Hiệp |
4 |
1247.241 |
1.511 |
12 |
Xã Canh Thuận |
8 |
821.378 |
2.152 |
26 |
Xã Canh Hòa |
3 |
5.223 |
1.436 |
37 |
Xã Canh Liên |
8 |
3.827 |
2.169 |
6 |
|