|
Một góc khu trung tâm An Lão |
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, An Lão là hậu cứ, là căn cứ địa cách mạng, người dân từng chịu nhiều mất mát hy sinh. Giờ đây, khi đất nước đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước đã cố gắng quan tâm đến cuộc sống của người dân vùng căn cứ này.
* Vượt qua khó khăn, nỗ lực để cất cánh
An Lão là huyện miền núi nằm phía tây bắc tỉnh, cách TP Quy Nhơn đến 130 km, bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, nam giáp huyện Vĩnh Thạnh, đông giáp huyện Hoài Nhơn, tây giáp tỉnh Gia Lai. Trong huyện có 9 xã, 54 thôn, trong đó 8 xã, 39 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Dân số trong toàn huyện 4.918 hộ với 23.240 nhân khẩu, trong đó đồng bào H’rê 1.460 hộ, 7137 nhân khẩu, Bana có 126 hộ, 638 nhân khẩu; diện tích tự nhiên 700 km2, chủ yếu là đất rừng và đồi gò; địa hình hiểm trở, sông ngòi, đồi núi bao bọc xung quanh. Với điều kiện như vậy, trong những năm kháng chiến chông Pháp và Mỹ, An Lão được chọn làm hậu cứ, căn cứ địa cách mạng.
Kết thúc chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân An Lão tiếp tục phát huy truyền thống kiên cường, bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Nhớ lại những năm đầu mới giải phóng, nền kinh tế của An Lão hết sức thấp kém, cơ sở hạ tầng không có gì, nạn đói, mù chữ và dịch bệnh xảy ra liên tiếp. Khu sầm uất nhất huyện lúc ấy là Xuân Phong (An Hòa) cũng chỉ lèo tèo vài căn nhà tranh, cán bộ huyện phải ở nhà dân. Kinh tế chính của An Lão lúc ấy là vườn nhà, vườn rừng, song mô hình này chưa được nhân ra trong toàn huyện. Người dân phần lớn còn sống phụ thuộc vào rừng, vào rẫy với năng suất cây trồng rất thấp. Bên cạnh đó, nỗi khổ của người dân An Lão những ngày này còn phải kể đến là giao thông, y tế, giáo dục… Thế nhưng hơn chục năm qua, được sự hỗ trợ của các cấp các ngành, cộng với sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của từng địa phương, đời sống người dân An Lão đã ngày một vươn lên. Ngày nay, An Lão đã mọc lên nhiều công trình xây dựng cơ bản, các công trình như trường học, bệnh viện, trạm xá, công trình phục vụ đời sống, văn hóa cho nhân dân đã trải dài từ các xã trung du đến các xã vùng cao. Từ các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất như hồ Hóc Tranh, hồ Hưng Long (An Hòa), đập Đồng Lớn (An Trung) cho đến các công trình khác như cầu An Lão, thủy điện Sông Vố… đã lần lượt được xây dựng trên vùng căn cứ địa cách mạng này. Các công trình giao thông, điện cũng lần lượt xây dựng và đều phát huy tác dụng. Hiện toàn huyện đã có 62 km đường bê tông xi măng, các đường dân sinh-kinh tế đến trung tâm các xã đều đã có. Dịch vụ vận tải cũng không ngừng phát triển, toàn huyện đã có 10 xe vận tải hành khách, các tuyến vận tải được mở rộng: An Lão – Quy Nhơn, An Lão – TP. HCM, An Lão – Đắc Lắc… đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của nhân dân.
|
Đường Hoài Nhơn đi An Lão đã được nhựa hóa |
Những thay đổi về vật chất này đã làm chuyển biến nhận thức trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây. Hiện người dân vùng cao An Lão đã biết làm lúa nước thâm canh, chăn nuôi tập trung, làm kinh tế vườn rừng... Thay đổi cả một tập quán sản xuất như vậy là điều không phải dễ dàng. Để có được điều đó là cả một quá trình cùng ăn, cùng ở, cùng làm của cán bộ với nhân dân. Bây giờ, việc phát triển kinh tế vườn nhà, vườn rừng rất được người dân vùng cao này chú ý. Hiện ở đây đã có 2.509 khu vườn kinh tế, trong đó 259 vườn được cải tạo tu bổ và có ô dinh dưỡng; 42 ha ao hồ nuôi cá nước ngọt; 62 trang trại… Diện tích các loại cây trồng ở đây cũng không ngừng tăng lên. Toàn huyện đã có hơn 30 ha hồ tiêu, 500 ha đào, 160 ha quế, gần 100 ha nhãn, vải, chôm chôm… Chẳng những phát triển về diện tích, năng suất các loại cây trồng cũng không ngừng tăng lên qua hàng năm. Năng suất hồ tiêu của huyện hiện đã đạt 7 tạ/ha, đào 3,5 tạ/ha, xoài 31 tạ/ha, lúa 39,8 tạ/ha, ngô 35 tạ/ha, đậu phụng 12 tạ/ha, mì 100 tạ/ha… Nhờ đó các xã vùng cao An Lão bây giờ đã phá bỏ được cuộc sống tự cấp, tự túc cố hữu bấy lâu và có điều kiện để phát huy mọi nguồn nội lực.
* Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2005
Mục tiêu cụ thể đến năm 2005:
1 - Phấn đấu giá trị thu từ nông-lâm nghiệp chiếm 77%, TTCN dịch vụ: 23%; nông- lâm nghiệp tăng 2,8%/năm.
2 - Tổng sản phẩm địa phương (GDP) đạt 83 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 13-14%.
3 - Lương thực quy thóc đạt 10.254 tấn.
4 - Trồng cây công nghiệp dài ngày: 800 ha, cây ăn quả: 1.500 ha, rừng tập trung: 1.600 ha.
5 - Thu ngân sách hàng năm tăng 2,9%.
6 - Giảm mức sinh hàng năm xuống 0,1%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,4%.
7 - Phấn đấu 100% xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; 60% xã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.
8 - Bình quân thu nhập đầu người từ 3-3,3 triệu đồng/năm; giảm hộ nghèo đói xuống dưới 9%.
9 - Phấn đấu xây dựng 45% xã vững mạnh toàn diện và 75% xã vững mạnh về quốc phòng - an ninh.
10 - Phấn đấu xây dựng 60% tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, hạn chế thấp nhất tổ chức Đảng yếu kém. |
Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân An Lão đạt được trong những năm qua đã tạo điều kiện cho những bước phát triển mới. Nhiệm vụ hiện nay của huyện là đẩy mạnh phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp với những việc làm cụ thể như: đầu tư thâm canh cây lúa nước, từng địa phương quy hoạch vùng sản xuất giống lúa cấp 1 để tự đảm bảo giống. Trước mắt sẽ chọn HTX An Hòa, An Tân làm điểm, phấn đầu đến năm 2005 toàn huyện có 100% diện tích gieo sạ bằng giống lúa cấp 1, năng suất bình quân đạt 39,28 tạ/ha. Tận dụng đất bãi bồi ven sông, ven đồi trồng các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, ổn định diện tích mì 530 ha; đậu phụng 380 ha, đậu đỗ các loại: 100 ha, dâu tằm 100 ha. Vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, mở rộng kinh tế vườn, phát triển kinh tế trang trại, kết hợp mô hình VACR. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, phấn đấu đàn bò đạt 7.000 con (bò lai chiếm 30%), đàn trâu 2.200 con, đàn heo 16.000 con (heo lai chiếm 80%). Phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm, khai thác hiệu quả diện tích mặt nước, đảm bảo sản lượng cá hàng năm đạt 60 tấn.
Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư, góp vốn sản xuất kinh doanh. Tăng cường đổi mới, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã, nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực quản lý của đội ngũ quản lý hợp tác xã. Đẩy mạnh tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để mở rộng, tăng thêm các cơ sở sản xuất, tiếp tục phát huy các ngành nghề truyền thống: rèn, mộc, gạch ngói… Tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm Bưu điện Văn hóa xã, đảm bảo 100% số xã có Bưu điện Văn hóa xã và mật độ điện thoại đạt 2 máy/100 dân.
Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt. Huy động và tranh thủ các nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, hệ thống đê sông, bờ kè; thực hiện kiên cố hóa kênh mương và xây dựng hồ Hóc Mạch (An Tân), hồ Hóc Đìa, hồ Nước Trong Thượng (An Trung)… để đảm bảo nước tưới cho 80% diện tích cây trồng. Tiến hành xây dựng các thủy điện nhỏ, máy điện điêzen để cung cấp điện cho những nơi không có khả năng kéo điện lưới, đảm bảo 100% thôn làng có điện với 90% hộ sử dụng điện. Xúc tiến quy hoạch, tập trung đầu tư hình thành thị trấn ở khu vực huyện lỵ và thị tứ Xuân Phong ở xã An Hòa…
Ai đã từng sống những năm tháng gian khổ trước kia ở đây và chứng kiến những thành quả hôm nay mới thấy hết sự cố gắng vươn lên của địa phương miền núi này. Sự chuyển mình này sẽ tạo đà cho những bước chuyển tiếp theo trong tương lai để khoảng cách giữa An Lão với miền xuôi được rút ngắn hơn.
. Phạm Ngọc Thái
|