Hoài Ân - Miền đất trung du anh hùng
18:46', 31/8/ 2003 (GMT+7)

Toàn cảnh thị trấn Tăng Bạt Hổ, Hoài Ân

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Định, huyện Hoài Ân là vùng đất nối liền dải đồng bằng ven biển phía đông với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ở phía tây. Là một địa bàn xung yếu của tỉnh Bình Định, có tầm quan trọng về kinh tế và quốc phòng, Hoài Ân đồng thời là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống yêu nước và văn hóa.

Trong lịch sử, Hoài Ân đã từng là nơi xuất phát và là căn cứ của cuộc khởi nghĩa chàng Lía (thế kỷ XVIII), là địa bàn hoạt động của nghĩa quân chống Pháp trong phong trào Cần Vương (1885- 1887) do Bùi Điền và Tăng Bạt Hổ chỉ huy. Trong kháng chiến chống Pháp, Hoài Ân là nơi đóng cơ quan của Liên khu ủy khu V và Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hoài Ân là cái nôi ra đời của Sư đoàn 3 anh hùng, là mảnh đất còn lưu giữ nhiều chiến công oanh liệt đánh bại nhiều đơn vị sừng sỏ của Mỹ – Ngụy như Sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ, Lữ đoàn thiết giáp 173 Mỹ, Sư đoàn 22 ngụy với những địa danh đã đi vào lịch sử Gò Loi, núi Chéo…

Hoài Ân cũng là vùng đất được giải phóng sớm nhất ở tỉnh Bình Định vào ngày 19-4-1972. Từ đó đến nay miền đất trung du Hoài Ân đã ngày càng khởi sắc trên con đường phát triển kinh tế, xây dựng lại quê hương giàu đẹp sau bao nhiêu năm chiến tranh ác liệt.

* Phác họa một vùng đất

Hoài Ân là huyện trung du có diện tích rộng vào hàng thứ ba trong 11 đơn vị hành chính của tỉnh Bình Định (sau 2 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh) với diện tích tự nhiên 777,8 km2, chiếm 12% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đây là mảnh đất gắn bó và sinh sống lâu đời của 3 dân tộc anh em: Ba na, H’rê, Kinh. Trong đó, hai dân tộc Ba na, H’rê chính là những cư dân bản địa đã sinh sống từ rất lâu đời ở phía thượng du. Hiện nay dân số Hoài Ân đã có trên 92 ngàn người, người Kinh chiếm đa số.

Theo các tài liệu lịch sử, từ 1471 đến 1889 địa vực Hoài Ân là vùng thượng du phía tây của huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn. Năm 1890, lần đầu tiên vùng đất này được đặt thành châu Hoài Ân thuộc Nghĩa Định sơn phòng. Năm 1899, vua Thành Thái ra chỉ dụ lập huyện Hoài Ân gồm 3 tổng: Hoài Đức, Quy Hóa, Vân Sơn, với 61 làng, do phủ Hoài Nhơn thống hạt. Năm 1937, Hoài Ân được phiên thành 4 tổng: Phú Hữu, Hoài Đức, Quy Hóa, Kim Sơn với 66 làng. Huyện lỵ đầu tiên đặt tại làng Phước Bình (Ân Hảo), sau chuyển xuống làng Mỹ Thành (Ân Tín); năm 1937 dời về làng Ân Thường (Ân Thạnh), đến cuối năm 1955 chuyển qua làng Gia Chiểu (Ân Đức), cuối năm 1964 dời qua làng An Hậu (Ân Phong); sau tháng 3-1975 huyện lỵ về đóng lại tại Gia Chiểu, từ năm 1988 đến nay đóng tại trung tâm thị trấn huyện lỵ (thị trấn Tăng Bạt Hổ).

Nhà tưởng niệm Tăng Bạt Hổ tại xã Ân Thạnh, Hoài Ân

Trải qua các thời kỳ, địa giới và địa danh làng, xã ở Hoài Ân có nhiều thay đổi. Đầu năm 1946, thực hiện xóa tổng hợp xã lần thứ nhất, 66 làng được gộp thành 22 xã. Đầu năm 1948, hợp xã lần 2 còn lại 8 xã, lấy chữ "Ân" làm tên đầu cho các xã mới: Ân Hòa, Ân Hảo, Ân Tín, Ân Thạnh, Ân Đức, Ân Tường, Ân Hữu, Ân Nghĩa. Năm 1952, xã Hoài Phong của huyện Hoài Nhơn được sáp nhập vào huyện Hoài Ân và đổi tên thành xã Ân Phong.

Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 1-1976, huyện Hoài Ân cùng 2 xã Dak Mang, Bok Tới của huyện Vĩnh Thạnh hợp nhất với huyện An Lão thành huyện Hoài An với 18 xã, 105 thôn. Tháng 8-1981, huyện Hoài An được tách thành 2 huyện Hoài Ân và An Lão, xã Ân Hảo của Hoài Ân được nhập vào huyện An Lão và xã An Sơn của huyện An Lão được nhập vào huyện Hoài Ân. Lúc này huyện Hoài Ân có 11 xã. Cuối tháng 12-1988, chia xã Ân Tín thành 2 xã Ân Tín và Ân Mỹ, đồng thời thành lập thị trấn huyện lỵ lấy tên là thị trấn Tăng Bạt Hổ, gồm các thôn: Gia Chiểu (Ân Đức), Thanh Tú, Du Tự, Gò Cau (Ân Phong). Tháng 9-1998, xã Ân Tường tách thành 2 xã: Ân Tường Đông và Ân Tường Tây. Hiện nay, huyện Hoài Ân gồm 13 xã (Ân Hảo, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Thạnh, Ân Đức, Ân Phong, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Nghĩa, Dak Mang, Bok Tới, Ân Sơn) và thị trấn Tăng Bạt Hổ. Trong đó, có 3 xã vùng cao là Dak Mang, Bok Tới, An Sơn; 5 xã miền núi là Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Sơn.

Huyện Hoài Ân là vùng bán sơn địa nên địa hình đa dạng, đồi núi xen kẽ với đồng bằng, thung lũng. Trên địa bàn huyện có 2 sông lớn là Kim Sơn (62km) và An Lão (20 km). Hai con sông này gặp nhau tại Phú Văn (Ân Thạnh) và hợp thành dòng sông Lại đổ ra cửa An Dũ (Hoài Hương – Hoài Nhơn). Hai dòng sông này chảy quanh co, uốn lượn nên đã hình thành các bãi bồi và các cánh đồng màu mỡ phù sa trên địa bàn huyện. Hệ thống sông suối ở Hoài Ân chia cắt mạnh địa hình, gây khó khăn cho việc giao lưu giữa các vùng, nhất là vào mùa mưa, song đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước tưới, bồi đắp phù sa, điều hòa khí hậu… để phát triển kinh tế của dân cư trên địa bàn.

Mặc dù là huyện trung du, không nằm trên trục quốc lộ 1A, nhưng mạng lưới giao thông của Hoài Ân khá phát triển và thuận lợi trong việc giao lưu với các vùng khác. Phía bắc có tỉnh lộ 629 nối với quốc lộ 1A tại Bồng Sơn (Hoài Nhơn) lên tới huyện lỵ An Lão và Ba Tơ (Quảng Ngãi); phía Nam có tỉnh lộ 630 nơi với quốc lộ 1A tại cầu Dợi (Hoài Đức- Hoài Nhơn) qua huyện lỵ Hoài Ân, lên Kim Sơn (Ân Nghĩa) rồi lên huyện Kbang (Gia Lai) nối với tỉnh lộ 637 qua huyện lỵ Vĩnh Thạnh và nối với quốc lộ 19 tại vườn Xoài (Tây Thuận – Tây Sơn). Ngoài ra còn có tuyến đường từ Tân Thạnh (Ân Tường) nối với quốc lộ 1A tại Mỹ Trinh (Phù Mỹ).

Tuy có diện tích đất tự nhiên khá lớn nhưng chỉ có chưa đầy 10% là đất nông nghiệp (7.465/77.780ha), diện tích đất có rừng cũng chỉ có 11.195ha, còn lại là diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng. Từ trước đến nay kinh tế Hoài Ân chủ yếu là nông nghiệp, bên cạnh đó còn có một số ngành nghề thủ công như mộc, đan tre, đúc đồng, làm nón, ươm tơ dệt lụa…

Hoài Ân là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời, giàu truyền thống yêu nước và văn hóa. Tuy không phải là nơi có nhiều nhà khoa bảng nhưng lại là vùng đất nổi tiếng có nhiều người trẻ học giỏi và đỗ đạt cao. Dưới thời nhà Nguyễn, trong 14 giải nguyên (đỗ đầu khoa thi Hương) ở Bình Định thì Hoài Ân chiếm tới 3: Trần Văn Chánh (Linh Chiểu), Lê Chuân (Phú Văn), Lê Đình Thoại (Kim Sơn). Riêng Trần Văn Chánh đỗ giải nguyên trường Thừa Thiên khoa Canh Tý (1840) lúc 19 tuổi; năm 21 tuổi đậu tiến sỹ khoa Nhâm Dần (1842), là một trong 6 người đỗ tiến sỹ khoa này và là người đỗ đại khoa thứ hai của Bình Định. Những năm gần đây con em Hoài Ân đỗ vào các trường Đại học nổi tiếng ở trong nước rất nhiều, nhiều em được giữ lại làm giảng viên bậc đại học; các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng thường có tên là học sinh của Hoài Ân.

* Những dấu son lịch sử

Tiếp nối truyền thống yêu nước trong lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hoài Ân là vùng đất có nhiều đóng góp to lớn và là nơi đánh dấu nhiều mốc son lịch sử.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hoài Ân là nơi đóng cơ quan của Liên khu ủy khu V và Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ. Đồng thời còn là hậu cứ vững chắc của phong trào địch hậu đông bắc Gia Lai- Kon Tum. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hoài Ân là một trong những căn cứ địa vững chắc của Bình Định và là nơi sinh ra Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng.

Sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với phong trào cách mạng Hoài Ân là sự ra đời của chi bộ Vạn Mỹ (Ân Tín) vào tháng 7-1931. Đây là tổ chức Đảng cộng sản đầu tiên của Hoài Ân làm hạt nhân lãnh đạo nhiều phong trào cách mạng mà kết quả to lớn nhất là lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945. Đây là tiền đề để quân và dân Hoài Ân viết tiếp nhiều trang sử hào hùng.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Hoài Ân là vùng hậu cứ có nhiều đóng góp to lớn về nhân tài, vật lực chi viện cho các chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Nguyên, Hạ Lào… cùng cả nước đánh bại chủ nghĩa thực dân. Tiếp đến là tinh thần bất khuất, chịu đựng hy sinh, gian khổ, ác liệt trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Là địa bàn chiến lược và căn cứ của phong trào cách mạng tỉnh nhà nên ngay sau khi nhảy vào miền Nam, đế quốc Mỹ liên tục tiến hành càn quét đánh phá ác liệt mảnh đất này. Không biết bao nhiêu bom đạn, chất độc hóa học đã đổ xuống địa bàn Hoài Ân. Mặc dù vậy quân và dân Hoài Ân vẫn kiên cường bám trụ và lập nhiều chiến công vang dội trên mảnh đất quê hương. Chiến thắng Ân Nghĩa (1960) là một trong ba chiến thắng đầu tiên của lực lượng vũ trang Bình Định; tiếp đó là thắng lợi giải phóng 9 thôn phía tây sông An Lão (1962). Chiến thắng Phú Hữu, An Lão (1964), bao vây tấn công quận lỵ (1965); bẻ gãy 2 cuộc hành quân "cánh trắng" của sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ và chiến thắng Lộc Giang – Long Giang (Ân Tường Đông), Xuân Sơn – Nhơn Tịnh (Ân Hữu, An Nghĩa –1966)…

Đặc biệt, trong cuộc tiến công chiến lược Xuân – Hè năm 1972, quân và dân Hoài Ân đã phối hợp cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng dồn dập tấn công và nổi dậy, bao vây tấn công toàn bộ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền đóng trên địa bàn. Trong 10 ngày đêm liên tục chiến đấu đã đánh tan hàng chục cứ điểm, chốt điểm của địch. Mở màn là chiến thắng Gò Loi (9-4) đến 19-4 ta đã san bằng chi khu quận lỵ giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân. Hoài Ân giải phóng đã tạo căn cứ địa vững chắc cho phong trào cách mạng ở Bình Định, làm bàn đạp giải phóng các vùng lân cận tạo thành vùng chiến lược quan trọng ở đồng bằng trung Trung bộ, nối liền duyên hải với Tây Nguyên. Tiếp đó là 1.000 ngày đêm liên tục vừa sản xuất vừa chiến đấu chống địch phản kích bảo vệ vùng giải phóng, góp phần vô cùng quan trọng cho đại thắng mùa xuân 1975.

* Hoài Ân hôm nay

Hoài Ân hôm nay đã mang trên mình diện mạo của một miền quê trù phú, xanh tươi cùng nhịp sống rộn rã từng ngày để ngày càng khởi sắc hơn. Không còn nữa hình ảnh của một thời gian khó vì chiến tranh và đạn bom khốc liệt. Cảnh đồng ruộng hoang tàn; đồi núi xác xơ ngày nào đã được thay bằng những cánh đồng lúa, bãi dâu trải dài tít tắp, cùng màu xanh của những cánh rừng ngày một nhiều thêm. Những con đường đất đỏ quanh co, nhỏ hẹp đã được thay bằng những con đường rộng rãi, trải nhựa, trải bê tông phẳng lỳ, chắc chắn. Cũng không còn nữa những xóm nhà thưa thớt với những mái tranh bạc xám, thay vào đó là những xóm làng đông đúc, trù mật…

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và sự nỗ lực của chính mình để xây dựng lại quê hương, nhân dân Hoài Ân đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và đáng tự hào trên mọi mặt kinh tế, xã hội. Đặc biệt là trong 10 năm gần đây nền kinh tế của huyện liên tục phát triển với mức tăng trưởng khá, bình quân đạt 9,9%/năm. Trong đó, sản xuất nông – lâm nghiệp tăng trên 9,2%/năm, gấp đôi mức bình quân của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu đã có sự chuyển biến mạnh về chất trong việc lựa chọn cơ cấu sản xuất hợp lý, nhanh chóng xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cao như kinh tế trang trại, chăn nuôi qui mô tập trung… nên đã nâng cao hiệu quả rõ rệt. Hiện nay bình quân lương thực đầu người đã đạt gần 600 kg/năm. Sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của huyện tuy chưa mạnh nhưng từng bước đã có sự phát triển khá với mức tăng trưởng 7%/năm. Riêng các ngành dịch vụ- thương mại có tốc độ tăng trưởng khá hơn, đạt 22%.

Điểm nổi bật trong sự phát triển của Hoài Ân là hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội và dân sinh được tập trung đầu tư khá mạnh mẽ. Về thủy lợi, huyện đã xây dựng được 22 công trình hồ chứa nước và trên 40 trạm bơm điện, hình thành hệ thống mạng lưới công trình thủy lợi rộng khắp chủ động tưới cho gần 90% diện tích canh tác, đưa năng suất lúa lên 10-12tấn/ha/năm. Trong đó đáng kể nhất là công trình hồ chứa nước Vạn Hội có năng lực tưới 1.300ha.

Hệ thống đường giao thông cũng được mở mang mạnh nhờ phương thức "nhà nước và nhân dân cùng làm" được thực hiện có hiệu quả. Ngoài hai tuyến đường tỉnh được trải nhựa, các tuyến khác với hàng trăm cây số đã được kiên cố hóa bằng bê tông xi măng trên hầu hết các tuyến đường huyết mạch của xã, thôn. Với thành tích này huyện Hoài Ân đã được Chính phủ và Bộ GT-VT trao cờ luân lưu xuất sắc. Cùng với hệ thống đường là hệ thống cầu kiên cố cũng được xây dựng. Có thể kể đến các cây cầu trọng điểm như Ngã Hai, Phong Thạnh, Mỹ Thành, Đá Bạc, Mục Kiến… Tất cả đã tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, khép kín thuận lợi cho việc giao lưu trong huyện và từ huyện đi các nơi khác.

Bên cạnh đó hệ thống mạng lưới điện đến nay cũng đã được xây dựng gần như hoàn chỉnh. Đã có 100% số xã với 75/78 thôn bản và 90% số hộ có điện sử dụng. Các vùng quê xa xôi như Ân Nghĩa, Dak Mang, Bok Tới, Ân Sơn nay cũng đã bừng lên ánh điện. Mạng lưới thông tin viễn thông cũng đã được phủ kín đến các xã, với 9 điểm bưu điện văn hóa, bình quân 100 dân có 1 máy điện thoại. Tại trung tâm huyện và các xã lân cận đã có sóng điện thoại di động…

Nhờ kinh tế- xã hội phát triển nên đến nay đời sống của nhân dân Hoài Ân đã được cải thiện về nhiều mặt. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt mức 3,5 triệu đồng/năm, tăng gấp rưỡi so với năm 1990. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm mạnh từ 19,6% năm 1995 xuống còn trên 10% hiện nay. Đặc biệt là đời sống tinh thần được nâng cao đáng kể, nhất là về giáo dục và y tế. Từ năm 1997 Hoài Ân đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Đến nay, trên 80% số xã đồng bằng đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở. Bình quân cứ 3 người dân có một người đi học. Số con em được đào tạo đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Mạng lưới y tế ngày càng được mở rộng, đảm bảo khá tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hiện 50% số xã trong huyện đã có bác sĩ cắm trạm…

Thật khó mà nói hết, kể hết những đổi thay của Hoài Ân hôm nay. Chỉ biết rằng vùng đất này ngày nay không chỉ mang hình ảnh của một miền quê trung du xanh thắm mà còn bắt đầu hình thành những đường nét của nhịp sống công nghiệp hóa- hiện đại hóa mạnh mẽ và sôi động. Để lại đằng sau những đau thương, mất mát người Hoài Ân hôm nay đã phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng trong công cuộc dựng xây quê hương và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đó là nền tảng vững chắc để Hoài Ân tiếp tục vươn lên trong hành trình hội nhập với sự phát triển của Bình Định và cả nước.

. Bảo Anh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vĩnh Thạnh - Vùng đất giàu tiềm năng   (31/08/2003)
Về với thượng nguồn An Lão   (31/08/2003)
Phù Cát: Tiềm năng và triển vọng   (31/08/2003)
Vân Canh: tiềm năng và những triển vọng đầu tư   (31/08/2003)
Đánh thức tiềm lực Phù Mỹ   (31/08/2003)
Tuy Phước – trên đường vươn tới tương lai   (31/08/2003)
Tây Sơn – vùng trung du nhiều hứa hẹn   (31/08/2003)
Hoài Nhơn - Đất mẹ anh hùng   (31/08/2003)
An Nhơn - Đất kinh xưa đang mời gọi đầu tư   (31/08/2003)
Quy Nhơn ngày nay   (31/08/2003)
Bình Định: Ðặc điểm tự nhiên và cơ sở hạ tầng   (31/08/2003)
Bình Định - cái nhìn toàn cảnh   (31/08/2003)
Khu kinh tế Nhơn Hội   (20/08/2003)
Khu công nghiệp Phú Tài   (19/08/2003)
22. Dự án Khách sạn cao cấp Quy Nhơn  (09/06/2003)