Tây Sơn - vùng trung du nhiều hứa hẹn
15:36', 1/9/ 2003 (GMT+7)

Hầm Hô - một thắng cảnh của Tây Sơn và Bình Định

Tây Sơn là một huyện trung du nằm ở phía tây nam tỉnh Bình Định. Đây là quê hương và cũng là nơi khởi nghiệp của ba anh em Nhà Tây Sơn. Ngày nay Tây Sơn có Bảo tàng Quang Trung - Đền Tây Sơn, Khu du lịch Hầm Hô nổi tiếng và nhiều di tích trong đó có di tích Tháp Dương Long là một trong những cụm tháp Chăm đẹp ở Bình Định.

Tổng diện tích tự nhiên của huyện Tây Sơn là 70.803 ha, bao gồm thị trấn Phú Phong và 15 xã: Bình Tân, Bình Tường, Bình Thành, Bình Thuận, Bình Hòa, Bình Nghi, Tây Thuận, Tây Giang, Tây An, Tây Vinh, Tây Bình, Tây Phú, Vĩnh An. Dân số hơn 131.000 người. Trên địa bàn huyện có quốc lộ 19 chạy qua, nối giữa quốc lộ 1A và vùng Tây Nguyên rộng lớn là tiền đề thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển kinh tế của huyện.

Huyện Tây Sơn có địa hình, địa thế rất phức tạp, núi cao, đồi gò, đồng bằng xen kẽ, bị chia cắt mạnh bởi các sông suối lớn nhỏ trong vùng, có hướng nghiêng từ tây bắc xuống đông nam. Địa hình Tây Sơn có thể chia thành ba kiểu như sau:

-  Kiểu địa hình đồi núi: Có diện tích 25.847 ha, phân bố ở phía đông bắc qua phía tây, chạy xuống phía nam thuộc các xã Bình Tân, Tây Thuận, Tây Giang, Bình Tường, Tây Phú, Vĩnh An, độ cao phổ biến từ 400 - 800m, độ dốc bình quân 25 độ. Đây là vùng còn tập trung phần lớn tài nguyên rừng và cũng là đầu nguồn hồ đập thủy lợi lớn, nhỏ trong vùng.

-   Kiểu địa hình đồi gò thấp: Có diện tích 27.125 ha, phân bố hầu hết ở các xã trong huyện, là phần chuyển tiếp từ phần núi thấp xuống phần đồng bằng, độ cao trung bình từ 100-400m, độ dốc từ 10-20 độ. Đây là vùng còn nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc, mà trong đó phần lớn người dân canh tác nương rẫy hoặc trồng các loại cây lâu năm như: điều, bạch đàn…

-   Kiểu địa hình đồng bằng: Có diện tích 17.831 ha, phân bố ở các xã nằm dọc theo bờ sông Côn, hẹp về phía bắc, mở rộng dần về phía đông nam. Đây là địa bàn tập trung dân cư đông đúc, là vùng sản xuất nông nghiệp chủ yếu của huyện.

Du khách nước ngoài xem biểu diễn văn nghệ tại Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn

Đất đai của huyện Tây Sơn khá phong phú về mặt chủng loại nhưng phần lớn đất xấu, nghèo dinh dưỡng, tầng đất trung bình là phổ biến. Do thành phần cơ giới nhẹ, lại thường có đá nên đất dễ bị rửa trôi và xói mòn. Đây là điều kiện không mấy thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Vì vậy trồng rừng trên các vùng đất trống đồi trọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc sử dụng đất bền vững.

Tây Sơn có nhiệt độ không khí trung bình hàng năm là 26,7 độ. Với số giờ nắng tính bình quân trong năm là 2.407 giờ; cường độ bức xạ lớn là điều kiện thuận lợi cho thâm canh cây trồng và có thể bố trí nhiều tầng sinh thái trên các diện tích cây lâu năm. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.800mm; phân phối không đều trên địa bàn huyện, vùng thượng nguồn hồ Thuận Ninh có lượng mưa nhiều đến 2.033mm trong khi vùng đông nam huyện có lượng mưa chỉ đạt 1.700mm và phân phối không đều trong năm, từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau lượng mưa chiếm tỉ lệ 75% tổng lượng mưa trong năm, tập trung nhất là tháng 10 và tháng 11.

Một phần mười chiều dài sông Côn – dòng sông lớn và dài nhất tỉnh Bình Định – khoảng 17km chảy qua địa phận huyện Tây Sơn. Ngoài ra Tây Sơn còn có các sông suối nhỏ như sông Phú Phong, sông Đồng Sim, suối Đồng Tre… phát nguồn từ vùng núi phía tây của huyện đổ về sông Côn và chảy về phía hạ lưu.

* Nền kinh tế dựa vào nông – lâm nghiệp

Nền kinh tế của huyện Tây Sơn chủ yếu là sản xuất nông – lâm nghiệp. Theo số liệu cuối năm 2002 của UBND huyện, diện tích lúa gieo trồng cả năm xấp xỉ 14.000 ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 62.500 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 456,7 kg/năm. Cây công nghiệp chủ lực gồm mía: 2.036 ha, điều 2.165 ha. Các cây trồng cạn khác có cây ngô, cây mì, lạc, đậu tương, thuốc lá, dưa hấu, rau đậu các loại…

Đàn gia súc, gia cầm được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng với các dự án lai tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo. Đàn bò hiện có 34.035 con, 43% số đó là bò lai; đàn heo 6 tháng đầu năm 2003 tăng đột biến nhờ dự án phát triển chăn nuôi trang trại, đã có 83.122 con và 376.166 con gia cầm.

Về lâm nghiệp, huyện đã tiến hành điều tra, khảo sát quy hoạch 2450 ha để trồng rừng nguyên liệu theo chương trình Việt – Đức; giao 204 ha đất lâm nghiệp cho các hộ sản xuất kinh doanh nghề rừng; khoán quản lý bảo vệ 3.711 ha rừng phòng hộ. Gần 2.500 ha đất lâm nghiệp khác cũng đã được chuyển giao cho 780 hộ và nhóm hộ và được cấp giấy sử dụng quyền sử dụng đất. Cả huyện đã có khoảng 30 trang trại lớn nhỏ kết hợp việc trồng rừng và chăn nuôi khá hiệu quả. Dù vậy hiện Tây Sơn vẫn còn một diện tích đất khổng lồ chưa sử dụng với khoảng 27.125 ha, trong đó có khoảng 19.113 ha là đất đồi núi, 4.114 ha là đất bằng còn lại là đất mặt nước, sông suối và núi đá không cây.

Điều nhức nhối vẫn là tình trạng phá rừng chưa ngăn chặn triệt để, nhất là ở các vùng rừng giáp ranh tỉnh Gia Lai.

* Gạch ngói vẫn là thế mạnh trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp

Công nghiệp ở huyện Tây Sơn hầu như chưa có gì đáng kể. Năm 2003, huyện mới bắt đầu thực hiện đề án quy hoạch Khu công nghiệp Chrây ở xã Bình Nghi với diện tích 30 ha nằm ở phía nam Quốc lộ 19 và các cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích khoảng 50 ha, nằm dọc theo Quốc lộ 19 và đường 636. Tập trung chủ yếu tại các thị tứ Đồng Phó, thị tứ Mỹ Yên, các xã Tây Xuân, Bình Thành…

Theo dự kiến hoạt động tại Khu công nghiệp Chrây tập trung vào các ngành may mặc, sản xuất cơ khí, chế biến gỗ, các cụm tiểu thủ công nghiệp sẽ tập trung vào các ngành sản xuất, chế biến tinh bột, nước mắm, gia công một số mặt hàng truyền thống và sản xuất gạch ngói. Đặc biệt huyện đã quy hoạch vùng sản xuất gạch ngói tập trung tránh xa khu dân cư để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Cả huyện Tây Sơn hiện có trên 400 lò gạch ngói, 6 tháng đầu năm 2003, huyện đã đưa khoảng 100 lò gạch ngói vào vùng tập trung, trong đó xã Bình Nghi đã có 70 lò. Với phương thức huyện hỗ trợ từ 2-3 triệu đồng để tháo dỡ lò gạch phân tán trong dân và hỗ trợ xây dựng đường giao thông. Trong một thời gian ngắn nữa thôi, các lò gạch ngói ở Tây Sơn sẽ được tập trung hết về khu sản xuất riêng. Song điều đáng lo là đầu ra của gạch ngói hiện nay rất khó khăn, sản phẩm luôn ở trong tình trạng tồn đọng. Dù vậy, nhìn chung các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Tây Sơn vẫn tăng trưởng hàng năm. Từ năm 2001 đến nay, mỗi năm có khoảng 60 cơ sở sản xuất ra đời. Tây Sơn đang nỗ lực tạo nhiều điều kiện thông thoáng về mặt cơ chế, chính sách cho ngành sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển trong những năm tiếp theo.

* Văn hóa – xã hội không ngừng phát triển

Hoạt động văn hóa thông tin, truyền thanh, giáo dục, y tế của huyện đã có bước phát triển đáng kể. Hệ thống truyền thanh đã phủ sóng đến 15 xã, thị trấn kịp thời phục vụ cho công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương củ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và xây dựng làng văn hóa được đẩy mạnh. Hiện có 14 địa phương đơn vị đăng ký xây dựng làng văn hóa, đơn vị văn hóa. Đặc biệt làng văn hóa Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong đã được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục ngày càng hoàn chỉnh, huyện đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố và nâng cao chất lượng. Bệnh viện đa khoa khu vực đang được triển khai xây dựng trên địa bàn thị trấn Phú Phong sẽ cùng với bệnh viện huyện nâng cao chất lượng trong công tác điều trị bệnh nhân. Ở tuyến xã đã có 7 xã có bác sĩ đạt tỉ lệ 46,6% số xã trong huyện…

Tây Sơn đang chuyển động trong lĩnh kinh tế bằng chủ trương tập trung đầu tư vào các vùng trọng điểm cây lương thực, hình thành các vùng chuyên canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên diện tích sản xuất ổn định và luân canh cây trồng. Đồng thời phát huy thế mạnh của địa phương, huyện tiến hành thực hiện đề án bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, phát triển kinh tế trang trại. Cùng với việc phát huy hiệu quả của Khu công nghiệp Chrây và các cụm tiểu thủ công nghiệp, hy vọng trong một tương lai gần bộ mặt của vùng trung du phía nam tỉnh Bình Định này sẽ nhanh chóng đổi khác.

. Quang Khanh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Nhơn - Đất mẹ anh hùng   (31/08/2003)
An Nhơn - Đất kinh xưa đang mời gọi đầu tư   (31/08/2003)
Quy Nhơn ngày nay   (31/08/2003)
Bình Định: Ðặc điểm tự nhiên và cơ sở hạ tầng   (31/08/2003)
Bình Định - cái nhìn toàn cảnh   (31/08/2003)
Khu kinh tế Nhơn Hội   (20/08/2003)
Khu công nghiệp Phú Tài   (19/08/2003)
22. Dự án Khách sạn cao cấp Quy Nhơn  (09/06/2003)
21. Dự án Khai thác và đóng chai nước khoáng thiên nhiên  (06/06/2003)
20. Dự án Nhà máy chế biến các sản phẩm sau đường   (04/06/2003)
19. Dự án Nhà máy ván ép   (01/06/2003)
18. Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp   (29/05/2003)
17. Dự án các cơ sở chế biến đồ gỗ dân dụng cao cấp và trang trí nội thất   (28/05/2003)
16. Dự án nuôi trai cấy ngọc   (25/05/2003)
15. Dự án nuôi chình mun xuất khẩu   (23/05/2003)