Núi Bà một dãy xanh xanh
Vọng Phu còn đó sao anh chưa về
|
Sân bay Phù Cát |
Với ngày xưa, câu ca đó nói lên nỗi lòng của sự chờ đợi. Còn bây giờ, có thể xem đó là một sự gọi mời. Vì ai chưa một lần đặt chân đến vùng đất Phù Cát thì có cảm giác rằng đây là một vùng cát trắng khô cằn, nhưng đó chỉ đúng một phần, còn rất nhiều điều hấp dẫn đang tiềm ẩn. Đó là vùng đất của sự giao hòa thế sông, thế núi, vùng đất giao hòa của non nước biển trời và cũng chính từ vùng đất này đã sản sinh ra truyền thuyết hòn Vọng Phu, sinh ra những địa danh và người con trung dũng kiên cường…
Phù Cát là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định, bắc giáp huyện Phù Mỹ, tây giáp Vĩnh Thạnh và Tây Sơn, nam giáp An Nhơn và Tuy Phước, đông giáp biển đông; cách TP. Quy Nhơn 35km về phía bắc. Diện tích tự nhiên của Phù Cát là 672,470 km2. Dân số 186.263 người (tính đến năm 1998); có 18 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 17 xã và 1 thị trấn.
Điều kiện tự nhiên của Phù Cát khá đặc biệt, vừa có đồng bằng, có rừng và có biển. Phía bắc và phía nam được bao bọc bởi 2 dòng sông La Tinh và Địa Lưu Giang (một nhánh sông Côn). Giữa lòng Phù Cát trồi lên một dãy núi, nổi bật là Hòn Bà cao gần 900m so với mặt biển. Có thể xem dãy núi Hòn Bà là cái lõi của thế núi, thế sông Phù Cát. Núi Bà có nhiều hang động với bao huyền thoại về thời nguyên sơ của Phù Cát.
Phù Cát có bờ biển dài 32km, có cửa biển Đề Gi, đầm Nước Ngọt, nhiều bãi ngang, đảo san hô, thềm lục địa rộng… với nhiều loại hải sản quý: tôm, cá, cua, rong câu và cánh đồng muối Đức Phổ (Cát Minh), Ngãi An (Cát Khánh) cho sản lượng cao (15.000 tấn/vụ). Đặc biệt chất lượng muối Đề Gi nức tiếng xa gần.
Phù Cát có nhiều làng nghề thủ công truyền thống được hình thành từ lâu đời là nón Kiều An, Hiều Huyên, Phong An, An Hành được cả nước biết tiếng. Rồi võng trân Thái Phú, Thái Định, Cảnh An; gốm Vĩnh Trường, Chánh Thiện; đan đát Phú Hội, Phú Đa, Trung Chánh… Bún hủ tiếu Hòa Đại, Hội Vân … đã từng một thời vang tiếng nên có câu ca rằng:
Chợ Gồm đồ gốm
Phú Hội đồ đan
Tiện đường ghé lại Cảnh An
Mua thêm chiếc võng cho nàng ru con
|
Hòn Vọng phu trên đỉnh Núi Bà |
Phù Cát có nguồn khoáng sản rất phong phú. Mỏ Ti Tan ở Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải có trữ lượng lớn (1.200.000 tấn), nguồn cát trắng, cao lanh; nước khoáng Hội Vân và Chánh Thắng; đá ong, đá granite…
Con người Phù Cát thủy chung, nghĩa tình, chuyện về hòn Vọng Phu ở Vĩnh Hội (Cát Hải) ngàn năm sừng sững đợi chờ là một ví dụ. Một Linh Phong Tự (còn gọi là chùa ông Núi) tại Cát Tiến được lập thời Chúa Nguyễn giữa một vùng thiên nhiên xinh đẹp. Dãy núi Bà, một quần thể di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, là niềm tự hào của người dân Phù Cát với những chiến tích lẫy lừng của thời chống Mỹ. Bờ biển Phù Cát có nhiều bãi đẹp như An Quang, Chánh Oai, Vĩnh Hội… nơi mà trời, biển, rừng phi lao vi vu, rừng dừa xanh thẳm cùng hòa quyện với cát trắng và sóng vỗ rì rầm ngày đêm… như vẫy chào du khách. Dòng suối khoáng Hội Vân, một địa chỉ hấp dẫn cho du lịch và chữa bệnh đang gọi mời các nhà đầu tư.
Từ trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống còn lắm khó khăn nhưng con người Phù Cát thể hiện được tính cách đôn hậu, thật thà, cần cù hiếu học và anh hùng. Sử sách còn mãi lưu danh anh hùng Ngô Mây ôm bom ba càng lao vào một cánh quân địch; gương Vũ Bảo anh dũng hy sinh khi chèo thuyền đưa đoàn cán bộ qua sông… Còn rất nhiều tên tuổi lẫy lừng nữa đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng chói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đặc biệt, qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhưng truyền thống hiếu học của người dân Phù Cát vẫn luôn giữ vững và phát huy. Đỉnh cao của phong trào hiếu học là xã Cát Hanh, xã đầu tiên trong cả nước được Tổ chức Giáo dục Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tặng bằng khen và Huy chương vàng mang tên nhà giáo dục Liên Xô Cơ-rup-xcai-a năm 1979.
Thời trung đại Việt Nam, Phù Cát tức là huyện Phù Ly thuộc phủ Hoài Nhơn, thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi Hoài Nhơn thành Quy Nhơn. Năm 1832, Phù Ly chia thành huyện Phù Mỹ và Phù Cát, lấy sông La Tinh làm ranh giới, tên Phù Cát có từ đó. Huyện lỵ đầu tiên của Phù Cát ở Xuân Hội sau dời về Hòa Hội (1865), rồi chuyển vào An Hành (nay là thị trấn Ngô Mây).
Huyện Phù Cát hiện nay có 17 xã và 1 thị trấn là: Cát Hanh, Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Tân, Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Sơn và thị trấn Ngô Mây. |
Người dân Phù Cát sống chủ yếu bằng nghề nông nhưng vùng đất này lại không được thiên nhiên ưu đãi. Đất ở Phù Cát bạc màu, khô cằn. Quỹ đất tự nhiên khá rộng, xếp thứ 6/11 huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng diện tích trồng trọt lại quá hẹp, chỉ có 19,8% trong khi tỷ lệ này ở các huyện An Nhơn 50%, Tuy Phước 51%. Đất gò ở Phù Cát có tới 38.532 ha chiếm 57,9% quỹ đất tự nhiên. Vùng bán sơn địa này gồm các xã phía tây Quốc lộ 1A cùng cả dải đất ven 2 phía núi Bà từ Cát Hanh và Cát Trinh xuống sát biển. Đất rừng Phù Cát tuy rộng nhưng nghèo kiệt …
Tuy nhiên, Phù Cát có lợi thế nhiều mặt để phát triển kinh tế. Đó là nền nông nghiệp tương đối đa dạng; nông lâm, thủy hải sản, cây trồng vật nuôi được phân bố thích nghi với sinh thái miền núi, trung du, đồng bằng ven biển. Huyện có Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt chạy qua. Có 4 tỉnh lộ nối trung tâm huyện đến các xã và hệ thống giao thông nông thôn được mở rộng đều khắp đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của người dân nông thôn. Phù Cát có cửa biển Đề Gi tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy. Đặc biệt, sân bay quốc gia nằm trên địa bàn huyện Phù Cát là điều kiện tốt cho giao lưu trong nước và quốc tế.
Hệ thống thủy lợi của huyện tương đối lớn, gồm 19 hồ chứa nước với dung tích 58,4 triệu m3 cùng với các đập dâng, trạm bơm và biện pháp khai thác nước ngầm đảm bảo tưới cho 25.835ha gieo trồng và cải thiện môi trường sinh thái.
Hiện nay Phù Cát đã và đang tìm mọi cách chế ngự sự khắc nghiệt của thiên nhiên bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Về nông nghiệp, ngoài phát triển cây lúa, Phù Cát còn tiếp tục xây dựng và mở rộng diện tích trang trại, chăn nuôi bò sữa, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, nâng cao năng lực đánh bắt hải sản. Huyện cũng đã củng cố và đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương như chế biến thực phẩm, các cơ sở dịch vụ và làng nghề…
Phù Cát cũng đã đẩy mạnh công tác xã hội, văn hóa, giáo dục. Công tác y tế được chú trọng đúng mức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em, từng bước hạ thấp tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống còn 20% vào năm 2005. Phù Cát tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa".
Trong tương lai không xa, khi công trình xây dựng cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội hình thành nối liền dự án đường giao thông ven biển, Phù Cát sẽ nằm trong hành lang phát triển kinh tế của tỉnh. Đó cũng chính là điều kiện mở cho các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước và nước ngoài tiếp cận với Phù Cát trên các lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ thương mại và du lịch như: Khai thác quặng Ti Tan, suối nước khoáng Hội Vân - Chánh Thắng, khu di tích lịch sử - văn hóa núi Bà, cửa biển Đề Gi - đầm Nước Ngọt, làng nghề truyền thống…
. Hoàng Hân
|