Một số chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu
17:35', 5/3/ 2003 (GMT+7)

Ngày 18 tháng 2 năm 2003 UBND tỉnh ra Quyết định số 28/2003/QĐ-UB, ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ phục vụ sản xuất bột giấy và chế biến hàng lâm sản xuất khẩu ở Bình Định.

Về đất đai

Người trồng rừng được giao quyền sử dụng đất trong hạn điền, khi trồng hết diện tích được giao, nếu có nhu cầu đất để tiếp tục trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ trong vùng quy hoạch, thì được cấp có thẩm quyền xét cho thuê đất để trồng. Người trồng rừng được giao quyền sử dụng đất để trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ, nếu diện tích giao lớn hơn hạn mức theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ, thì diện tích vượt hơn đó được cấp có thẩm quyền xem xét cho thuê. Ban quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cơ sở (các lâm trường) và các ban quản lý rừng phòng hộ huyện được bố trí sử dụng diện tích đất trống, đồi trọc quy hoạch cho trồng rừng phòng hộ để trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ kết hợp phòng hộ thì được hưởng toàn bộ quyền lợi từ rừng trồng này, nhưng khi khai thác phải tuân thủ theo quy định UBND tỉnh. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được giao quyền được sử dụng đất của mình (đã có sổ đỏ), được sử dụng đất đó để liên doanh, liên kết với đối tác đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ.

Về khoa học và công nghệ

Từ năm 2003 đến 2005 ngân sách tỉnh đầu tư nhập giống, nghiên cứu chọn giống, xây dựng vườn nhân giống, áp dụng công nghệ sinh học để bảo đảm đủ giống cây lâm nghiệp tốt cung cấp cho trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ.

Về vốn đầu tư

Khuyến khích người trồng rừng tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ. Người trồng rừng có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có quyết định giao đất trồng rừng, thì được vay vốn với lãi suất ưu đãi, cụ thể cho các đối tượng: Các tổ chức được vay không quá 80% suất đầu tư; đồng bào dân tộc thiểu số và các xã thuộc chương trình 135 (của Trung ương và tỉnh) vay không quá 70% suất đầu tư; các đối tượng khác vay không quá 50% suất đầu tư. Suất đầu tư được quy định cho từng vùng (10-12 triệu đồng/ha/7 năm).

Điều kiện vay vốn ưu đãi: người trồng rừng có phương án trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ để phục vụ cho sản xuất bột giấy, chế biến hàng lâm sản xuất khẩu, có phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, được đơn vị cho vay chấp thuận. Thời hạn cho vay và phương thức thanh toán: Thời hạn cho vay và thanh toán theo chu kỳ kinh doanh cây trồng là 7 năm.

Lãi suất cho vay: Đối với diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ trên vùng phòng hộ (theo Quyết định số 3081/QĐ-UB về phân cấp phòng hộ) được vay với lãi suất ưu đãi 0%, diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ trên vùng sản xuất thì lãi suất ưu đãi 0,45%/tháng. Nếu vay vốn từ các ngân hàng thương mại thì mức vay, suất đầu tư theo quy định trên và được ngân sách tỉnh hỗ trợ 4,6%/năm cho lãi suất vay; nếu vay trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ trên vùng phòng hộ thì được hỗ trợ 100% lãi suất.

Các hộ gia đình, cá nhân nằm trong các xã đặc biệt khó khăn (quy định theo chương trình 135 của Chính phủ và tỉnh) nếu tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ theo quy trình kỹ thuật do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thì được hỗ trợ 50% tiền mua cây giống trong 4 năm đầu (2002-2005). Người trồng rừng vay vốn và sử dụng vốn để đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy và gỗ có trách nhiệm hoàn trả vốn vay và lãi vay theo quy định của pháp luật. Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối thiểu 50% kinh phí để đào tạo công nhân kỹ thuật trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu giấy và gỗ.

Về lập quỹ dự phòng

Các doanh nghiệp trồng rừng trích 25% của chi phí chung, sử dụng kinh phí trồng dặm còn lại, nếu không đủ thì được UBND tỉnh xem xét cụ thể từng trường hợp để hỗ trợ vốn bằng các hình thức cho phù hợp, phần vốn còn lại khoanh nợ, không tính lãi.

Về lưu thông tiêu thụ gỗ nguyên liệu giấy

Sản phẩm rừng trồng được tự do lưu thông, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, bảo đảm lợi ích cho người trồng rừng. Các nhà máy chế biến bột giấy và hàng lâm sản xuất khẩu có trách nhiệm ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng với người trồng, giá tối thiểu tại nhà máy (giá sàn) là 350.000 đồng/ster đôi. Nếu giá thị trường thấp hơn giá sàn, doanh nghiệp phải mua theo giá sàn mà lỗ trong 2 năm liền thì được tỉnh hỗ trợ một phần thiệt hại bằng hình thức cho vay vốn ưu đãi và các hình thức khác.

Về thuế

Người trồng rừng được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước, các luật thuế và chính sách hiện hành; được miễn 100% tiền thuê đất chu kỳ đầu và giảm 50% tiền thuê đất chu kỳ 2; miễn 100% tiền thuê đất ở các xã thuộc chương trình 135 của Trung ương và của tỉnh. Người trồng rừng có trách nhiệm trích lại cho địa phương (xã) từ 0,5 – 1% về giá trị sản phẩm khai thác/ha.

Nguyễn Minh Tâm

(Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quy định về một số biện pháp khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ và thu hút nhân lực có trình độ cao  (28/02/2003)
Quy định chính sách khuyến khích phát triểncông nghệ thông tin tỉnh Bình Định đến năm 2010  (28/02/2003)
Các chính sách khuyến khích đầu tư tại tỉnh Bình Định  (28/02/2003)