Ngày 13-9-2004, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quy định điều chỉnh, bổ sung chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Bình Định đến năm 2010 theo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI). Nội dung chủ yếu như sau:
- Nhà nước quy hoạch, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các khu chăn nuôi bò sữa tập trung.
- Hỗ trợ 50% lãi suất vay trong 3 năm (36 tháng) nhưng không quá 5,5%/năm đối với các dự án được duyệt và triển khai thực hiện từ nay đến hết năm 2006 (kể cả các khu chăn nuôi tập trung và các dự án riêng lẻ nhưng có số lượng bò sữa từ 10 con trở lên).
- Hỗ trợ tiền công phối giống bò sữa cho 1 bê sữa sinh ra là 20.000 đ/con đối với vùng đồng bằng, 30.000 đ/con đối với vùng khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ và của tỉnh (ngoài mức hỗ trợ 15.000 đ/con của Bộ NN-PTNT đã ban hành) để khuyến khích cán bộ kỹ thuật dẫn tinh tăng cường phối giống bò sữa. Ngoài phần Nhà nước hỗ trợ này, nếu thấy cần thiết UBND các huyện, thành phố quy định mức thu thêm tiền công của dân đóng góp (trừ các xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ và của tỉnh).
- Nhà nước xem xét để cho vay ưu đãi theo khả năng cân đối nguồn vốn hàng năm; nếu vay từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, mức vay là:
+ Cho vay 10 triệu đồng/con bò sữa để mua bò sữa giống trong nước, trong tỉnh.
+ Cho vay 15 triệu đồng/con bò sữa để mua bò sữa giống nhập từ nước ngoài.
+ Các hộ gia đình được vay mua từ 2-10 con bò sữa/hộ.
+ Thời hạn cho vay là 6 năm, trong đó không tính lãi suất trong 1 năm đầu.
+ Các trang trại được vay mua từ 10-20 con bò sữa. Riêng các trang trại bò sữa đầu tư tại các khu chăn nuôi tập trung được xem xét để cho vay ưu đãi theo dự án được duyệt và thực hiện chính sách ưu đãi riêng đối với khu chăn nuôi tập trung.
Nếu vay từ các ngân hàng thương mại thì mức vay đảm bảo đủ mua bò sữa với số lượng theo thỏa thuận của ngân hàng cho vay và được ngân sách tỉnh hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất vay giữa ngân hàng cho vay và Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh.
- Cho phép hợp đồng dài hạn để bổ sung cán bộ kỹ thuật chăn nuôi - thú y phục vụ chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh:
+ Trung tâm Khoa học kỹ thuật vật nuôi và Chi cục Thú y tỉnh được hợp đồng dài hạn 10 cán bộ kỹ thuật chăn nuôi - thú y (mỗi đơn vị 5 cán bộ) để phục vụ cho chương trình phát triển chăn nuôi bò của tỉnh. Kinh phí hợp đồng lấy từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp hàng năm trong chương trình giống bò sữa của tỉnh.
+ UBND các huyện được hợp đồng dài hạn mỗi huyện 1 cán bộ kỹ thuật chăn nuôi - thú y để phục vụ chương trình phát triển chăn nuôi bò tại huyện. Nguồn kinh phí trả lương do ngân sách huyện cân đối hàng năm cho chương trình phát triển chăn nuôi bò của huyện.
- Hỗ trợ cho công tác đào tạo huấn luyện cán bộ kỹ thuật: Mỗi cán bộ kỹ thuật khi được gửi đi đào tạo về chăn nuôi bò sữa ngoài tỉnh được hỗ trợ thêm (ngoài chế độ công tác phí) là 30.000 đ/ngày/người, nhưng không quá 20 ngày/đợt.
- Khen thưởng cho mỗi cán bộ kỹ thuật làm công tác dẫn tinh viên phối giống bò sữa trong 3 năm đầu (từ năm 2002-2004) như sau:
+ Phối giống bò sữa đạt từ 100-200 con có chửa/ năm thì được thưởng 7.000 đ/con bê sinh ra.
+ Phối giống bò sữa đạt trên 200 con có chửa/năm thì được thưởng 10.000 đ/con bê sinh ra.
UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ban, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thành phố phổ biến, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
. Theo Văn phòng UBND tỉnh |